Một số kinh nghiệm về công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự có liên quan đến quyền sử dụng đất

Thời gian qua, các tranh chấp dân sự, nhất là tranh chấp về đất đai xảy ra rất phức tạp, thời gian giải quyết vụ án của cơ quan tố tụng kéo dài. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến công tác kiểm sát giải quyết các tranh chấp về dân sự có liên quan đến quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhất là tranh chấp về 'Ranh giới quyền sử dụng đất'.

Cụ thể là vụ án “Tranh chấp về ranh giới quyền sử dụng đất” giữa ông Trần Văn T. và ông Đỗ Văn Th. của huyện C.L dưới đây: ông Trần Văn T. đứng tên QSDĐ thửa đất số 875 (diện tích 2.731m2) và thửa đất số 874 (diện tích 2.731m2), được UBND huyện C.L cấp GCNQSDĐ. Thửa đất của ông T. giáp với đất hộ ông Th. ở thửa số 448 (diện tích 4.747m2), cũng được UBND huyện C.L cấp GCNQSDĐ, có chiều dài tiếp giáp 46,96m. Trong quá trình canh tác, ông Th. lấn chiếm đất của ông T. với diện tích lấn chiếm khoảng 134,9m2.

Ông T. khởi kiện yêu cầu ông Th. trả lại diện tích lấn chiếm, theo đo đạc thực tế là 120,6m2, nằm trong phần đất có số thửa 874, 875; tổng diện tích 5.966m2 (số thửa theo đo đạc là 262, tờ bản đồ số 9 diện tích 4.384m2). Ông Th. không thừa nhận việc lấn chiếm đất như ông T. khai, ông Th. thừa nhận đất của ông có giáp ranh đất của ông T., ông Th. đồng ý trả 18,9m2 đất, không đồng ý trả 120,6m2 diện tích đất theo yêu cầu của ông T.

Đất đai là một trong những lĩnh vực thường xảy ra tranh chấp. Ảnh minh họa

Đất đai là một trong những lĩnh vực thường xảy ra tranh chấp. Ảnh minh họa

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn T., buộc ông Đỗ Văn Th. trả lại cho ông Trần Văn T. phần diện tích đất 18,9m2 nằm trong thửa đất theo số liệu đo đạc chính quy là 262 tờ bản đồ số 09 (theo số liệu cũ 299 có số thửa 874, 875), diện tích đo đạc thực tế 4.383,2m2 do ông Trần Văn T. đứng tên quyền sử dụng đất.

Sau đó, nguyên đơn Trần Văn T. có đơn kháng cáo do không đồng ý nội dung của bản án sơ thẩm.

Tại bản án phúc thẩm đã tuyên: Hủy bản án dân sự sơ thẩm; Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Quá trình giải quyết vụ án của hai cấp xét xử nhận thấy: Khi cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu, giải quyết vụ án cần chú ý các việc sau:

Về công tác kiểm sát việc thụ lý, lập hồ sơ kiểm sát:

Kiểm sát chặt chẽ theo quy định tại Điều 196 BLTTDS, Điều 10 về Quy chế Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 2/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) cũng như các quy định của Luật Đất đai có liên quan đến vụ án.

Chú trọng nghiên cứu hồ sơ vụ án. Cần xác định: khi nguyên đơn là ông T. khởi kiện ông Th. thì ông T. có “Đơn xin xác nhận thành viên trong hộ” đối với hộ ông Th. hay không? Hoặc cần chú ý đến GCNQSDĐ. Quá trình Tòa thụ lý vụ án, bị đơn đã cung cấp GCNQSDĐ mà họ được cấp chưa? Có căn cứ nào cho thấy là đất này cấp cho hộ hay cá nhân ông Th., nhưng khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa các thành viên vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Song cán bộ, Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án không kịp thời phát hiện những vi phạm nghiêm trọng này. Vì vậy, khi kiểm sát thụ lý, lập hồ sơ vụ án của Tòa án, Kiểm sát viên phải xem xét tính có căn cứ của việc khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn cũng như việc xác định tư cách của người tham gia tố tụng trong vụ án.

Theo Công văn giải đáp số 01/2017/GĐ ngày 7/4/2014 của TAND tối cao, tại mục 4, phần III có ghi: Tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Vì vậy, khi giải quyết vụ án dân sự mà cần xác định thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất, cần lưu ý:

- Thời điểm để xác định hộ gia đình có bao nhiêu thành viên có QSDĐ là thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển QSDĐ.

- Việc xác định ai là thành viên hộ gia đình phải căn cứ vào hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể yêu cầu UBND có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ xác định thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp GCNQSDĐ để làm căn cứ giải quyết vụ án và đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Khi giải quyết vụ án dân sự, ngoài những người là thành viên hộ gia đình có QSDĐ, Tòa án phải đưa người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị QSDĐ hoặc tài sản trên đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Về công tác kiểm sát bản án

Cán bộ, Kiểm sát viên cần chú trọng đến kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án (Ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 6/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao), quy định tại Chương II về Quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án của Tòa án tại điểm 3, 4 Điều 6 của Quyết định này. Kể cả việc ban hành bản án có đúng theo mẫu đã ban hành, cụ thể là Mẫu số 52 kèm theo Nghị quyết số 01/2017 ngày 13/1/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự. Bản án phải có đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 266 BLTTDS.

Ảnh minh họa.

Bởi vì, quá trình kiểm sát bản án, nhận thấy bản án sơ thẩm nêu không rõ ràng, không nêu rõ việc đất cấp cho hộ gia đình hay cá nhân của nguyên đơn và bị đơn. Từ đó, dẫn đến việc Kiểm sát viên kiểm sát bản án khó phát hiện vi phạm của bản án, chỉ có tiếp cận hồ sơ của Tòa án cấp sơ thẩm để nghiên cứu mới có thể phát hiện những thiếu sót, vi phạm của Tòa án cùng cấp.

Trong vụ án nêu trên, do có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng của Tòa án cùng cấp dẫn đến việc bản án bị cấp phúc thẩm hủy án do đất cấp cho hộ ông Th. chứ không phải cấp cho cá nhân ông Th.; những thành viên trong hộ gia đình của ông Th. không biết họ có liên quan đến vụ án nên quyền và nghĩa vụ tố tụng của các thành viên trong hộ của ông Th. chưa được làm rõ, nếu thi hành án theo bản án sơ thẩm sẽ không bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Do đó, khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, nhất là các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, ngoài những quy định của pháp luật, hướng dẫn của Ngành thì cán bộ, Kiểm sát viên phải có sự chú ý, cẩn thận khi tiếp cận và nghiên cứu hồ sơ, phải có sự sắp xếp mang tính logic khi nghiên cứu từng loại vụ việc, từ đó có hướng giải quyết vụ án phù hợp hơn.

Lê Thị Thắm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/mot-so-kinh-nghiem-ve-cong-tac-kiem-sat-giai-quyet-cac-vu-viec-dan-su-co-lien-quan-den-quyen-su-dung-dat-85758.html