Một số loại tội phạm sẽ không còn nằm trong diện xét đặc xá

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, dù luật không cấm đặc xá cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhưng tùy từng giai đoạn cụ thể mà những tội phạm loại này sẽ không được đặc xá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vn

Nhiều tội không được đề nghị đặc xá

Sáng 7/11, tiếp tục chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng nên linh hoạt đối với một số trường hợp trong việc xét đặc xá.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, không mở rộng đối tượng được đặc xá với người bị kết án tử hình đã được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân.

“Vì theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đây là đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. Sau khi bị kết án tử hình, thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước, Chủ tịch nước đã quyết định ân giảm án tử hình cho họ và chuyển xuống hình phạt tù chung thân”, bà Nga cho biết.

Theo quy định tại Điều 63 và Điều 64 Bộ luật Hình sự, nếu cải tạo tốt, đối tượng này tiếp tục nhận được các chính sách khoan hồng khác như: được giảm xuống tù có thời hạn, được tiếp tục giảm án và có thể chỉ phải chấp hành 20 năm tù. “Nếu Dự thảo Luật quy định đặc xá với người bị kết án tử hình thì đối tượng này được hưởng quá nhiều chính sách khoan hồng của Nhà nước và sẽ không bảo đảm tính răn đe với đối tượng nguy hiểm này”, bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho biết, các tội không được đề nghị đặc xá chủ yếu thuộc chương các tội xâm phạm an ninh quốc gia và chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Ngoài ra, hiện nay, dù luật không cấm việc đặc xá cho tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nhưng tùy từng giai đoạn, tội phạm này rộ lên, dư luận xã hội bức xúc thì Chủ tịch Nước sẽ không đặc xá.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị bổ sung thêm thêm đối tượng là phạm nhân đã bị truy nã loại nguy hiểm trở lên mà không tự ra đầu thú, bị bắt, vào diện không được đề nghị đặc xá.

Theo bà Thúy, việc bổ sung này là cần thiết nhằm phân hóa nhóm phạm nhân này với những phạm nhân khác, để đảm bảo công bằng cho những người có án phạt tù có ý thức chấp hành án tốt, đồng thời làm thay đổi nhận thức của các đối tượng bị truy nã ra đầu thú để hưởng khoan hồng, góp phần ngăn ngừa tội phạm. Bà Thúy cũng đề nghị bổ sung đối tượng là tội phạm về ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc vào diện không được đề nghị đặc xá.

“Loại tội phạm ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại tội phạm khác. Khả năng hoàn lương của các đối tượng này khi trở về địa phương rất thấp. Sau khi trở về địa phương thường gây mất trật tự, an ninh tại nơi cư trú. Bên cạnh đó, những trường hợp tái phạm sau khi đặc xá chủ yếu tập trung vào số đối tượng này, dù trong thời gian chấp hành án họ có thể cải tạo tốt”, bà Thúy phân tích.

Ba thời điểm đặc xá

Về thời điểm đặc xá, theo đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Hải Dương), nên vào dịp Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán và ngày 30/4. Chủ tịch nước quyết định trên cơ sở tham mưu có tính chất liên ngành, có đề nghị của Chính phủ.

“Chọn 3 thời điểm này để tránh làm quá gấp gáp, dẫn đến nảy sinh khuyết điểm trong công tác đặc xá”, ông Kim phát biểu và đề nghị quy định cụ thể tần suất đặc xá từ 3 đến 5 năm/lần để không sinh ra chuyện du di, tùy tiện.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, quá trình lựa chọn người được tha tù trước thời hạn, đặc xá cần minh bạch, cần giám sát quá trình này.

Đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá, đặc xá là một tập quán cần thiết, thể hiện tính nhân đạo và khích lệ những người hoàn lương, đồng thời hạn chế tình trạng quá tải tại các trại giam. “Thực tế, chúng ta có nhiều cách giam giữ, giám sát, không chỉ có việc cách ly khỏi xã hội. Do vậy, việc tạo ra một môi trường tốt cho người được đặc xá hòa nhập chính là môi trường để họ cải tạo tốt nhất”, ông Quốc nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), trong Luật Đặc xá, việc quy định tha tù trước thời hạn là rất quan trọng, giúp người chấp hành hình phạt phấn đấu để cải tạo tốt, sửa chữa lỗi lầm của mình để trở thành người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, Luật cần quy định rõ điều kiện được đặc xá, chế tài đối với người được đặc xá. Luật Đặc xá cũng cần bổ sung trách nhiệm của đơn vị thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.

Đại biểu này nhấn mạnh, trách nhiệm của chính quyền địa phương là kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, cần tạo công ăn việc làm để người được ân xá cải thiện cuộc sống, sinh hoạt và trở thành công dân tốt.

Phân biệt đặc xá, đại xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt (khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá năm 2007).

Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được Tòa án áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ các điều kiện theo quy định của BLHS, xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ (Điều 1 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao).

Hiện nay, chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm về đại xá nhưng có thể hiểu đại xá là việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn chấp hành án đối với một số hành vi phạm tội và người phạm tội, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước.

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/mot-so-loai-toi-pham-se-khong-con-nam-trong-dien-xet-dac-xa-20181107224001426.htm