Một số lưu ý quan trọng khi trẻ bị chảy máu cam

Hiện tượng chảy máu cam thường xuất hiện vào mùa đông nhiều hơn mua hè, đặc biệt là ở trẻ em.

Thông thường, chảy máu cam đều có nguồn gốc từ các mạch máu ở phần phía trước của vách ngăn mũi, đó là lớp mô ở giữa, bên trong 2 lỗ mũi. Theo đó, chảy máu cam thường xuyên có thể là dấu hiệu của một số bệnh như: dị ứng mũi, viêm xoang, tăng huyết áp hoặc rối loạn chảy máu.

Chính vì thế, nếu thấy trẻ bị chảy máu cam thường xuyên thì nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân cũng như cách điều trị thích hợp. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng cẩn trọng và bình tĩnh xử lý tình huống con bị chảy máu cam và tránh những sai lầm không đáng có.

Hiện tượng chảy máu cam ở trẻ thường xuất hiện vào mùa đông nhiều hơn mùa hè, khi thời tiết lạnh và khô. (Ảnh minh họa: Internet)

Cần giữ bình tĩnh

Thông thường, chảy máu cam không phải hiện tượng bất thường và gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Ở một số trường hợp, tình trạng này có thể do các căn bệnh nhẹ như: Cảm lạnh, dị ứng,.. và thường gây sưng bên trong mũi và làm tăng kích thích, khi kết hợp cả 2 yếu tố trên có thể dẫn tới chảy máu tự phát.

Ngoài ra, tình trạng chảy máu cam ở trẻ có thể do các yếu tố từ môi trường như: Thời tiết, sử dụng điều hòa hoặc máy sưởi thường xuyên,... hoặc cũng có thể do thói quen ngoáy mũi thường xuyên của trẻ.

Tìm hiểu cách cầm máu cho trẻ đúng cách

Cách tốt nhất và đúng nhất để cầm máu là cho trẻ ngồi xuống ghế, giữ chặt phía bên mũi chảy máu trong tư thế cúi đầu về phía trước. Sau đó, giữ yên tư thế trong khoảng 10 phút, đồng thời nên bảo trẻ thở bằng miệng hoặc bên mũi không chảy máu. Nếu sau 10 phút mà máu vẫn còn chảy thì nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng.

Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ nằm hay ngửa đầu ra phía sau bởi điều này sẽ khiến máu chảy ngược vào trong miệng và cổ họng, gây nôn hoặc buồn nôn, thậm chí không thể làm đông máu. Với trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể hướng dẫn con nhẹ nhàng xỉ mũi để số máu đã chảy ra được tống xuất ra ngoài sau đó mới giữ chặt bên mũi đang chảy máu.

Nên áp một miếng gạc lạnh phía bên ngoài phần mũi hoặc cho trẻ ngậm đá lạnh để giảm lưu lượng máu đến mũi, ngăn chảy máu mũi. (Ảnh minh họa: Internet)

Không nên quá hoảng sợ

Khi trẻ xuất hiện tình trạng chảy máu cam thì bố mẹ không nên quá hoảng sợ. Bởi điều này không có tác dụng gì mà còn khiến trẻ cảm thấy hoang mang và lo sợ hơn. Theo đó, bố mẹ nên trấn an tinh thần và tìm cách cầm máu cho bé nhanh chóng.

Không được nhét gạc hoặc bất cứ thứ gì vào mũi trẻ

Khi trẻ bị chảy máu mũi, bố mẹ thường nhét gạc vào mũi bé để ngăn máu chảy ra, thế nhưng điều này lại không hoàn toàn được khuyến khích. Bởi tất cả những vật liệu thông thường đều không đảm bảo vô khuẩn, nhất là khi nó tiếp xúc trực tiếp với lớp niêm mạc ở mũi.

Bên cạnh đó, không nên xịt hoặc nhỏ quá nhiều nước muối sinh lý vào mũi trẻ bị chảy máu cam. Bởi nó chỉ là giải pháp nhất thời vì làm ẩm mũi, về lâu dài nó còn khiến mũi khô hơn.

Nam Phong

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/mot-so-luu-y-quan-trong-khi-tre-bi-chay-mau-cam-c21a296898.html