Một tấn ma túy

Đằng sau những con số gây sốc liên tục xuất hiện trong các chuyên án ma túy là gì?

“Từng này ma túy mà trót lọt ra thị trường thì biết bao gia đình tan cửa nát nhà!”, người dân xì xào trong quán cơm bình dân ven quốc lộ 1A, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. “Mấy chục bao tải à?”, “Gần một tấn cơ, họ bỏ trong nhà kho bên đường”, “Trời đất, ma túy đâu mà nhiều vậy?”...

Suốt bữa ăn, tôi chỉ nghe những người trong quán kể cho nhau nghe thông tin về vụ phát hiện nhóm tội phạm buôn ma túy cùng ngày tại chính nơi họ sống, công an đã thu 800 kg ma túy đá. Hầu hết người dân tôi gặp, cả nhân chứng công an phỏng vấn, mọi người ở địa phương đều xôn xao bàn tán, theo dõi sự việc và "sốc".

Một phần tang vật là ma túy đá được giấu trong những chiếc loa trong tổng số hơn 700 kg ma túy của vụ án mới được phá ở Nghệ An hôm 18.4 vừa qua. Đây là chuyên án ma túy có số tang vật thu giữ lớn nhất từ trước tới nay do Phòng Cảnh sát chống ma túy Nghệ An phối hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu triệt phá. Ảnh: TL

Nửa tuần trước, cũng ở Nghệ An, một vụ ma túy với tang số 600 kg bị công an thu giữ khiến người dân náo động. Sáu tháng trước, cả phố Vinh Tân ở thành phố Vinh bàng hoàng khi chứng kiến cảnh người đàn ông 30 tuổi kẹp hông đứa con trai 14 tháng tuổi đang khát sữa mẹ rồi leo lên mái nhà tầng.

Hắn liên tục chạy nhảy trong tình trạng phê ma túy đá, liên tục gào thét đòi ném con từ lầu cao, dọa dùng kéo đâm. Ở dưới đất, cảnh sát phải căng phao hơi, tìm cách trấn tĩnh kẻ không còn khả năng kiểm soát bản thân.

Hai giờ hành hạ đứa trẻ vô tội, kẻ ngáo đã đã tung nạn nhân rơi xuống đất nhưng điều máy mắn là có người phía dưới đỡ kịp. Thời điểm tên này bị cảnh sát khống chế, tôi đứng cách đó vài mét và nghe rõ những lời nói mê sảng của kẻ phạm tội trước khi bị tống lên xe: "Tôi không làm hại gì ai".

Nhiều lần tôi ngồi nói chuyện với những người đã trực tiếp đánh án ma túy ở Nghệ An hoặc ngoại tỉnh, thậm chí cả trên nước bạn Lào. Họ không bao giờ làm lộ bí mật nghiệp vụ, song những tâm sự như chuyện phải xa gia đình và người thân nhiều tháng để tập trung cho một chuyên án nào đó, hay uống nước suối, ăn lương khô, ngủ lại rừng sâu cả tuần đã là bình thường. Trong những chuyên án như đang thực hiện, vừa lo điều tra, công an còn phải lo xử lý ảnh và thông tin người dân vội vã đăng lên mạng xã hội. Những ngày cao độ đánh án, nhiều khi chẳng kịp ngủ và ăn.

Mặc dù trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã dành nhiều tiền bạc và công sức để tuyên truyền phòng chống ma túy. Nhưng khi mà những con số gây sốc vẫn liên tục xuất hiện, tính hiệu quả của mọi hoạt động cần được xét lại.

Cũng là lính chống ma túy, 10 tháng trước, đại úy biên phòng Nguyễn Đình Tài trúng một viên đạn xuyên cột sống khi vật lộn với nghi can. Nhiều lần phẫu thuật, giữ được mạng sống nhưng giờ đây anh phải làm bạn với xe lăn. Tôi đã ngồi với anh gần nửa ngày, cuối câu chuyện, vị đại úy vẫn nói: "Nếu được lựa chọn lại từ đầu thì mình vẫn là người lính ma túy".

Quyết tâm là thế, vất vả là thế, nhưng ở phía đối diện các anh là những kẻ không còn gì để mất. Khoảng bốn năm theo dõi các vụ việc liên quan tới ma túy, câu nói tôi thường nghe ở những bị cáo lĩnh án chung thân hay tử hình trước tòa hầu hết giống nhau: "Bị cáo không còn gì để nói" hoặc "...xác định đường nào rồi cũng chết".

Luật về tội phạm ma túy của chúng ta đã rất nghiêm. Song chất trắng và nạn nhân của nó vẫn gia tăng nhanh chóng. "Sự mở rộng của thị trường ma túy tổng hợp không có dấu hiệu dừng lại", báo cáo thường niên năm 2017 của UNODC về xu hướng tội phạm ma túy ở khu vực Đông Nam Á cho biết. Và những vụ việc, những con số mới xuất hiện trong các chuyên án, từ 600 cân đến một tấn, vẫn liên tục làm người dân phải sốc. Họ sốc ngay cả khi đã quen rằng địa phương mình "điểm nóng" từ vài thập kỷ qua.

Cơ quan chức năng ước đoán trên 200.000 người trong cả nước đang dùng ma túy, và mỗi năm tăng thêm 10.000 người. Ngân sách nhà nước đang tốn hàng nghìn tỷ đồng để duy trì các trung tâm cai nghiện. Còn sự tàn phá về an ninh trật tự, chất lượng sống, an toàn với người dân và kinh tế thì chưa thể thống kê chi tiết.

Giải pháp căn cơ và lâu dài với cuộc chiến ma túy có lẽ cần được suy nghĩ lại, không chỉ là chuyện riêng của công an hay quân đội. Một trong những điều quan trọng là giúp mọi người trang bị đủ hiểu biết để miễn nhiễm với ma túy.

Trong sách Giáo dục công dân lớp Tám cháu tôi học, bài về tệ nạn xã hội có một phần nhỏ về ma túy, với các câu học sinh phải thuộc lòng thế này: "Nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tổ chức sử dụng, lôi kéo sử dụng trái phép các chất ma túy; Người nghiện buộc phải đi cai nghiện; Trẻ em không được đánh bạc, uống rượu, hút thuốc, dùng chất kích thích có hại cho sức khỏe; Cần tuân theo những quy định của pháp luật và tích cực tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội trong nhà trường và địa phương".

Có bao nhiêu học sinh nhớ và hiểu bài học dài 78 chữ này khi mà chỉ sau đó ít phút, các em bước ra khỏi cổng trường, có thể gặp những kẻ mời mọc ngọt ngào "thử một tý cho vui"?

Giáo dục ma túy trong trường học, cộng đồng một cách sinh động, dễ hiểu và thuyết phục thay vì các khẩu hiệu cũ kỹ và khô khan là việc có thể làm ngay. Mặc dù trong hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã dành nhiều tiền bạc và công sức để tuyên truyền phòng chống ma túy. Nhưng khi mà những con số gây sốc vẫn liên tục xuất hiện, tính hiệu quả của mọi hoạt động cần được xét lại.

Nguyễn Hải

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mot-tan-ma-tuy-18228.html