Một thập kỷ lột xác của Phổ Yên

Mang tiếng là 'giáp Hà Nội', song nhiều năm liền mảnh đất Phổ Yên - Thái Nguyên vẫn chỉ là một huyện nghèo. Đổi thay chỉ mới đến trong một thập kỷ qua, với điểm nhấn hết sức quan trọng: được Samsung lựa chọn làm nơi xây dựng tổ hợp Samsung Thái Nguyên.

Hành trình đổi thay

Tròn 10 năm trước, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã được thông xe, rút ngắn thời gian từ Thái Nguyên xuống Hà Nội chỉ còn hơn một giờ. Nhưng, điều quan trọng với Thái Nguyên không chỉ là việc có một tuyến cao tốc, mà đi cùng với đó, tổ hợp Samsung Thái Nguyên đã được cấp phép xây dựng.

Cho đến trước khi Samsung vào, Thái Nguyên mất hút trên các bảng xếp hạng về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng chỉ riêng năm 2013, với việc cấp phép tổ hợp Samsung Thái Nguyên và một loạt dự án lớn nhỏ khác, Thái Nguyên đã thu hút 3,352 tỷ USD vốn FDI đăng ký, đứng thứ hai cả nước về thu hút FDI trong năm và qua đó trở thành địa phương đứng thứ 17 cả nước về tổng số vốn đăng ký đối với các dự án FDI còn hiệu lực. Phổ Yên, nơi Samsung lựa chọn, dĩ nhiên là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất.

Có những câu chuyện đã gây nhiều ấn tượng với các nhà đầu tư vào Thái Nguyên, chẳng hạn trong công tác giải phóng mặt bằng tại dự án khu công nghiệp Yên Bình ở huyện Phổ Yên. Tại đây, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt một kỷ lục về tiến độ, khi giải phóng trên 120 ha đất chỉ trong 57 ngày đêm để kịp bàn giao cho chủ đầu tư. Nhiều người dân vẫn nhớ hình ảnh ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh khi đó, chân đi ủng, đầu đội nón cối xuống tận thôn xã để vận động bà con nhường đất cho dự án quan trọng này.

Giờ đây, Phổ Yên đã được biết đến là “địa chỉ đỏ” về thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn kinh tế lớn cả trong và ngoài nước, góp phần cùng tỉnh Thái Nguyên vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số dự án FDI còn hiệu lực tại Thái Nguyên là 170 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 9,67 tỷ USD. Trong đó, Phổ Yên là địa phương dẫn đầu các huyện, thị, thành trong tỉnh Thái Nguyên và cả khu vực phía Bắc về thu hút đầu tư FDI với 6,8 tỷ USD, đưa tổng số vốn đăng ký đầu tư vào địa bàn lên đến 225 nghìn tỷ đồng. Những thành tựu mà Phổ Yên có được là do sự quy hoạch bài bản về phát triển hạ tầng, sự linh hoạt trong chính sách đã hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Hiện nay Phổ Yên đã xây dựng thành công nhiều khu công nghiệp như: Yên Bình 1, Yên Bình 2, Nam Phổ Yên, Điềm Thụy…

Trên địa bàn thành phố Phổ Yên hiện có 3/6 khu công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích 690ha; 4 cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống với tổng diện tích 104,64ha. Vừa qua, Thủ tướng phê duyệt thêm khu công nghệ cao rộng 546ha với kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 là 200ha, trong đó Phổ Yên có 146ha. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn nhà đầu tư để biến khu này thành thành thung lũng silicon về công nghệ thông tin.

Mới đây, một tập đoàn của Hàn Quốc đã đồng ý đầu tư vào dự án sân golf, khu nghỉ dưỡng vùng Hồ Suối Lạnh với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 387,55 tỷ đồng. Tập đoàn Saigontel và một số tập đoàn cũng đầu tư vào khu di tích vua Lý Nam Đế để phát triển thành quần thể di tích, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng. Nhiều tập đoàn lớn như: Vinaconex 3, Kosy Group, Tập đoàn Tiến Bộ, Thái Hưng, Tập đoàn T&T... cũng bắt đầu hiện diện tại Phổ Yên với loạt dự án quy mô. Hiện, Phổ Yên đang triển khai ba khu đô thị và một khu dân cư với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Kỳ vọng chu kỳ phát triển mới

Phổ Yên giờ đây đã là thành phố trẻ hội nhập và phát triển. Nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, Phổ Yên đang trở thành trung tâm mới về công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đầu mối giao thông của tỉnh và là cửa ngõ giao lưu kinh tế - văn hóa của Thái Nguyên với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên cho biết: “Thời gian qua, TP đã và đang triển khai toàn diện nhiều giải pháp để phát triển và hoàn thiện mục tiêu xây dựng đô thị Phổ Yên theo hướng “xanh - thông minh – hiện đại”. Qua đó, ý tưởng về một thành phố thông minh, hiện đại đã và đang từng bước được hiện thực hóa và đi vào đời sống người dân. Điển hình là việc xây dựng chính quyền điện tử, thông minh, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo các thành tố vững chắc xây dựng thành phố thông minh, nhất là trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, quản lý thuế, tài nguyên môi trường và nhiều lĩnh vực khác”.

Từ ngày 28/12/2021, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Phổ Yên đi vào hoạt động với hệ thống điều hành thông minh có khả năng giám sát và phân tích, đánh giá các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, từ đó cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước cái nhìn toàn diện về các hoạt động; đưa ra những cảnh báo, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Phổ Yên cũng là một trong những địa phương đi đầu trong tỉnh về đưa vào sử dụng Trung tâm IOC với hệ thống camera an ninh giám sát cây xanh và hệ thống giao thông thông minh, tích hợp 12 lĩnh vực. Đặc biệt, công nghệ được áp dụng trong hệ thống cho phép tạo ra một kênh thông tin để doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân tương tác với chính quyền thông qua ứng dụng di động “Smartcity”.

Theo ông Trần Xuân Trường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Phổ Yên: “Để đạt được các mục tiêu xây dựng đô thị “xanh - thông minh - hiện đại”, chỉ trong hơn 1 năm qua, Phổ Yên đã được đầu tư gần 8.000 tỷ từ nguồn ngân sách địa phương, 4.000 tỷ từ ngân sách Trung ương, chưa kể các nguồn đầu tư ngoài ngân sách của các doanh nghiệp trong và ngoài nước lên đến hàng tỷ USD với hàng trăm công trình, dự án lớn nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, khu công nghiệp, phát triển đô thị, hạ tầng giao thông… đã phát huy hiệu quả sử dụng, làm cho đô thị Phổ Yên thay đổi nhanh, toàn diện theo hướng thông minh, hiện đại.

Thế Lợi

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/mot-thap-ky-lot-xac-cua-pho-yen-20180504224279871.htm