Một thoáng Brussels

Dù đã vài lần đến Brussels (Bỉ), nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng khi đứng trước một Brussels cuối mùa xuân. Cảnh vật tươi sáng, những hàng cây đang đâm chồi non và hoa nở khắp nơi. Và đặc biệt là rất đông khách du lịch, một hình ảnh sống động của mảnh đất này sau những ngày dài ảm đạm vì dịch bệnh…

1. Đến Brussels, có lẽ ai cũng dành thời gian để thăm quan Trụ sở Nghị viện Liên minh châu Âu, nơi mà mỗi quyết định của họ đều khiến cho một phần thế giới thay đổi. Đó là một tòa nhà vô cùng hiện đại và bề thế.

Một góc Quảng trường Hoàng gia

Ngoài phòng bán nguyệt, nơi diễn ra các phiên họp thì còn có phòng Parlamentarium và phòng Lịch sử châu Âu. Parlamentarium được trang bị kỹ thuật 3D với 24 ngôn ngữ, ngoài việc giới thiệu quá trình phát triển, phương thức vận hành…, khách tham quan còn được làm quen với các đại biểu Nghị viện và nghe chủ tịch của các nhóm chính trị giải thích về những thách thức cho tương lai, được xem những gì đang xảy ra trong thời gian thực tại Nghị viện.

Trừ một số ngày lễ trong năm, Nghị viện châu Âu mở cửa suốt tuần và miễn phí, nhưng phải đăng ký trực tuyến trước, nếu không phải xếp hàng chờ chỗ trống, đặt cược vào sự hên xui, tức là tùy theo khách vào trước ra nhanh hay chậm, lượng khách đã đăng ký nhiều hay ít…

2. Ngoài Nghị viện Châu Âu, ở Brussels còn có một loạt “đặc sản” thu hút khách du lịch, đó là Lâu đài Hoàng Gia, nơi có Quảng trường Hoàng gia nằm cạnh Thánh đường Saint-Jacques-sur-Coudenberg bề thế và cổ kính, với những bức tượng và phù điêu nhắc lại một thời hào hùng của các đấng quân vương và dân tộc Bỉ, và những sự kiện khác, buồn hơn và nhuốm màu thê lương. Và đặc biệt nhất là bức tượng Manneken-Pis huyền thoại, nằm ở góc giao nhau giữa phố Étuve và phố Chêne (đây là khu phố với những con phố nhỏ lát gạch, hai bên đầy cửa hiệu, giống khu phố cổ Hà Nội và chỉ dành cho khách bộ hành). Bức tượng nhỏ xíu, chỉ cao 55,5cm, hình cậu bé đang đứng từ trên cao “tè” xuống.

Manneken-Pis nhỏ bé này được cho là cư dân lâu đời nhất của thành phố, là biểu tượng của Brussels. Bức tượng là hiện thân của sự vô ưu và tinh thần quật khởi của người dân nơi đây. Có nhiều truyền thuyết gắn với cậu nhưng đều cho rằng cậu đã cứu thành phố Brussels qua cơn hoạn nạn. Theo tài liệu lưu trữ của Nhà thờ Saints Michael & Gudula thì bức tượng này thoạt đầu bằng đá và được sử dụng làm đài nước công cộng từ năm 1388, mãi đến năm 1619 mới nhường chỗ cho bức tượng đồng.

Giai thoại nổi tiếng nhất kể rằng khi Brussels đang bị bao vây và kẻ thù muốn phá những bức tường dày của thành phố bằng thuốc nổ. Đúng lúc đó thì có một cậu bé đang rất buồn đi “tè” đi ngang qua và cậu đã… “tè” vào dây dẫn nên đã dập tắt lửa. Một truyền thuyết khác có vẻ huyễn hoặc hơn kể rằng một cậu bé đã không nhịn được mà đứng tè trước cánh cửa nhà của mụ phù thủy. Bực mình, bà ta đã nguyền rủa và trừng phạt nó sẽ phải đứng mãi trong tư thế không lấy gì làm đoan trang này. Một người đàn ông tốt bụng đã chứng kiến toàn bộ sự việc, nên đã nhanh chóng thay cậu bé bằng một bức tượng để giải thoát cậu ra khỏi lời nguyền độc hại kia. Kể từ đó, bức tượng cứ vui vẻ tiếp tục công việc của mình, ngày cũng như đêm cho đến tận bây giờ.

Tượng chú bé Manneken – PIS

Dù truyền thuyết nào thì thực tế là Manneken-Pis đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của nơi này. Vì thế, người ta chăm chút “cậu” rất chu đáo. Trang phục của “cậu” cũng được thay theo mùa và các lễ hội. Vào dịp đặc biệt, “cậu” được mặc trang phục đặc biệt. Ví như vào ngày Tự do Báo chí, “cậu” được diện như một phóng viên. Truyền thống này có từ năm 1698 khi ngài Maximilian II Emmanuel, Thống đốc Hà Lan thuộc Tây Ban Nha, tặng “cậu” bộ trang phục đầu tiên nhân lễ hội dân gian Ommegan. Năm 1747, vua Pháp Louis XV tặng “cậu” chiếc áo gấm, trên thực tế là để trấn an dân Brussels sau vụ lính Pháp định đánh cắp bức tượng, và đó là trang phục lâu đời nhất của “cậu” vẫn còn được bảo tồn cho đến nay. Kể từ đó, Manneken Pis thường xuyên nhận được trang phục mới. Từ lúc chỉ có 5 bộ quần áo vào năm 1756, đến nay tủ trang phục của “cậu” đã lên tới… hơn 1.000 bộ, chúng được cất ở Nhà Bảo tàng thành phố. Kể từ năm 2017, những bộ có giá trị biểu tượng nhất được trưng bày tại Nhà Bảo tàng Manneken-Pis, ở số 19 phố Du Chêne, ngay gần nơi “cậu” đứng. Gần đây, vào lễ quốc khánh của một số nước châu Âu, Manneken-Pis cũng được diện trang phục biểu tượng của quốc gia ấy. Trong một số dịp đặc biệt và lễ hội dân gian, Manneken Pis cũng “tè” ra… bia hoặc rượu.

Từ trước đến giờ đa phần chúng ta biết Manneken-Pis nhưng ít người để ý rằng cậu còn có một… “em gái” là Jeanneke-Pis, tiếng Brussels có nghĩa là “cô bé tè”. “Cô” ra đời muộn hơn và được đặt ở giữa số nhà 10-12 trong hẻm Fidélité, không xa nơi “người anh” nổi tiếng của mình. Bức tượng gắn đài phun nước mang hình một bé gái mình trần đang ngồi xổm đi “tè” này được nhà điêu khắc Denis-Adrien Debouvrie thực hiện năm 1985, ra mắt công chúng năm 1987. Theo Debouvrie, khi dựng bức tượng Jeanneke-Pis, ông muốn thiết lập quyền bình đẳng giới, khắc phục sự bất công đã tồn tại hơn 5 thế kỷ. Về truyền thuyết thì cho rằng Jeanneke-Pis là tượng trưng cho lòng chung thủy, khách tham quan sẽ tung đồng xu vào bồn của đài phun nước, hành động đó chứng tỏ tình cảm ta dành cho người mình yêu mến. Số tiền quyên góp được sẽ được dành cho nghiên cứu y tế trong cuộc chiến chống ung thư và giúp người nghèo ở Bỉ.

Nhưng ở Brussels không chỉ có hai bức tượng này mới nổi tiếng, và mỗi bức tượng đều gắn với một câu chuyện lịch sử. Ở quảng trường Saint-Jean có một bức tượng phụ nữ trẻ với dòng chữ được viết trên bệ “Tôi vừa bị tuyên án tử hình và ngày mai tôi sẽ bị xử bắn. Đức Vua muôn năm, nước Bỉ muôn năm!”. Đó là tượng Gabrielle Petit, một nữ y tá, điệp viên trong Chiến tranh Thế giới I. Gabrielle Petit sinh ngày 20/2/1893 tại Tournai, bị kết tội và xử bắn ngày 1/4/1916 tại Schaerbeek. Cô là y tá và là một nhà kháng chiến người Bỉ, làm điệp viên cho quân Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới I. Năm 1914, khi bị quân đội Đức bắt thì Gabrielle mới 21 tuổi. Cô bị quân Đức bắt nhiều lần nhưng không đủ chứng cứ nên được thả, và lần cuối cùng là ngày 20/1/1916. Ngày 3/3, cô bị tòa án quân sự Đức kết án tử hình và bị xử bắn ngày 1/4/1916 tại Trường bắn quốc gia Bỉ. Trước khi bị bắn, cô vẫn rất hiên ngang, hô to khẩu hiệu “Đức vua muôn năm…”.

3. Đến Brussels mà không thưởng thức chocolate thì thật là một thiếu sót lớn. Nhà bảo tàng chocolate nằm ngay cạnh Vương cung thánh đường Koekelberg, trưng bày các tác phẩm điêu khắc của các nhà sản xuất chocolate. Thực ra trên phố, ta gặp rất nhiều cửa hàng chuyên về đồ ngọt màu nâu này, nhưng bảo tàng sẽ cho biết thêm về lịch sử và những bí quyết sản xuất. Nếu có chút thời gian, cùng với sự hướng dẫn của thợ chuyên nghiệp, ta có thể tham gia một chương trình ngắn để tự mình làm được món này và còn được khám phá rất nhiều điều thú vị khác, liên quan đến Chocolate.

Bảo tàng Mỹ thuật Hoàng gia Bỉ cũng thu hút tôi. Nằm ngay trên đại lộ lớn trung tâm, một quần thể gồm sáu bảo tàng khác nhau gộp lại, tùy theo bản chất các tác phẩm được trưng bày. Đó là các Bảo tàng Old Masters, Bảo tàng Hiện đại, Bảo tàng Wiertz và Bảo tàng Meunier, Bảo tàng Magritte và Bảo tàng Fin-de-Sìecle. Không lớn bằng Bảo tàng Louvres ở Paris, nhưng ngoài những đồ vật trưng bày thường xuyên, nơi đây còn có những đợt trưng bày mới, giới thiệu các tác giả và tác phẩm mới.

Trời vẫn mưa, điện thoại của tôi bị ngấm nước và không thể dùng để tra định vị được nữa, tôi đành hỏi thăm. Người Brussels rất thân thiện nhưng không phải ai cũng nói thạo tiếng Pháp. Họ đã chỉ cho tôi đến Thánh đường Saints-Michel-et-Gudule. Thánh đường này có hình hài và lịch sử gần giống với Thánh đường Đức bà Paris. Nền móng của chốn thiêng này được nhắc đến từ thế kỷ VII, qua nhiều hỏa hoạn và tu sửa, thì hình dáng như chúng ta được biết hiện nay được xây dựng vào năm 1126 và hoàn thành năm 1519 theo quyết định của Hầu tước BrabantHenri II.

Chẳng còn mấy thời gian nữa nhưng tôi cũng gắng đến thăm Atomium, biểu tượng của Brussels. Cũng như Tháp Eiffel ở Paris, Atomium vốn là công trình được xây dựng nhân dịp Hội chợ quốc tế năm 1958 được tổ chức ở Brussels. Cũng giống như tháp Eiffel, tức sau Hội chợ sẽ phải hủy đi, nhưng nó đã được giữ lại cho đến tận bây giờ nhờ sự nổi tiếng của nó. Atomium cao 102m, được cho là nguyên tử tinh thể sắt đã phóng đại 165 tỷ lần, tọa lạc ở quảng trường cùng tên. Atomium là hiện thân của sự táo bạo trong một thời đại muốn đương đầu với vận mệnh của nhân loại bằng những khám phá khoa học. Khi tôi đến, dẫu mưa nhưng vẫn rất đông khách tham quan...

Đã sắp đến lúc về, nhưng tôi vẫn không quên rằng Bỉ là một đất nước sản xuất bia rất lớn, có hàng ngàn loại bia khác nhau. Vào một quán và gọi một vại bia, tôi đưa mắt nhìn ra ngoài, trời vẫn rả rích mưa; xa xa các chủ sạp phiên chợ ngoài trời đang dọn hàng. Một vùng đất nhỏ của thế giới mà chứa quá nhiều câu chuyện lịch sử.

Hiệu Constant (từ Paris, Pháp)

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/mot-thoang-brussels-i694196/