Một thoáng Hà Nội xưa

Mỗi lần trở về nhà ở đường Ngã Tư Sở, dấu hiệu để nhận biết sắp tới nhà là một đường ray nhỏ chạy ngang đường nhựa với một cái cọc sắt bên đường như để hãm tàu xe.

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Harrison Forman ghi lại hình ảnh Hà Nội trong những năm 1940. Ảnh: Harrison Forman/Flickr.

Vào những ngày đầu cách mạng, như một dấu nối giữa Sầm Sơn và Hà Nội, nơi ở đầu tiên của chúng tôi khi trở về thủ đô là một biệt thự khá xa trung tâm, có một cái tên rất nên thơ sau này vẫn còn lại trong một vài hồi ký cách mạng: Liễu Trang.

Mỗi lần từ nội thành trở về nhà - đường Ngã Tư Sở, khi ấy đối với hai chị em tôi là một con đường xa lắc dài dằng dặc, thời kỳ đầu, dấu hiệu để nhận biết sắp tới nhà là một đường ray nhỏ chạy ngang đường nhựa với một cái cọc sắt bên đường như để hãm tàu xe, chưa bao giờ tôi hiểu cái đó có thể hãm loại xe gì.

Mấy chục năm sau này, khi trở lại Hà Nội mỗi lần đi qua Ngã Tư Sở, ngôi biệt thự, tôi đã biết sẽ không còn tìm thấy nó - nghe nói nó đã bị bắn phá ngay từ những ngày đầu chiến tranh - nhưng tôi đã hoài công tìm kiếm cái mốc bên đường nhựa, dấu hiệu nhỏ nhoi của một quá khứ đã vĩnh viễn hoàn tất.

Hai bên đường Hà Nội - Hà Đông là những quán hàng bụi bặm, người ta nói với tôi rằng Liễu Trang cũ nay là một phần nhỏ của mảnh đất trên đó đã mọc lên nhà máy Trung quy mô.

Còn vào năm 1945 vượt qua đường ray nhỏ mấy chục bước chân, chúng tôi đẩy một cổng sắt cũ kỹ, những thanh sắt thưa và nhọn, đi vào một con đường đất ven ao hai bên trồng toàn liễu. Qua một cái sân lát những viên gạch nhỏ có khía, chúng tôi vào một ngôi nhà một tầng theo kiểu vila ngoại thành của Tây cũ.

Nhà này trước đây là của bác sĩ De Massiacs, một hôm lục lọi trong kho, tôi và chị tôi đã tìm ra một thùng đựng giấy tờ, thư từ, nhờ vậy mà biết tên của chủ nhân biệt thự.

Ở Sầm Sơn, Nicole de Massiacs học trước tôi một năm, cùng với Thục Nga, cô bạn thuở nhỏ của tôi: Tóc vàng màu tro cuộn sóng dài đến tận vai, nét mặt đều đặn khá xinh, chỉ có làn da là bị những chấm đỏ làm giảm hẳn nhan sắc.

Trong nhà, phía hai bên là buồng ngủ và phòng làm việc, ở giữa là phòng khách. Đồ đạc một khu nhà ngoại ô rất đơn giản nhưng vẫn có phần sang trọng. Tôi đặc biệt thích ngồi trên những cái đệm nhỏ, êm, béo múp míp đặt ngay trên nền nhà thay ghế trước một cái bàn thấp. Viết hoặc đọc sách, tôi thấy mình như đang ở một nơi nào đó trong các cuốn tiểu thuyết tôi đã đọc.

Vào lúc ấy tôi chưa thể biết cái thói đọc nhiều tiểu thuyết Pháp sẽ chơi khăm tôi như thế nào khi ra ngoài đời. Còn chính vào mùa khai trường năm 1946, ở Liễu Trang tôi đã đọc cuốn Anh Meaulnes lớn, cuốn sách được coi như dành cho tuổi mới lớn thường xuất bản vào ngày khai trường, "đẹp và buồn, rạng rỡ như một sáng thu". Nhân vật chính đã có một thời thơ ấu êm ả đẹp đẽ tới mức sau này khi "hạnh phúc áp vào anh gương mặt nhân hậu của nó thì anh đã tưởng mình nhầm, quay đi và chạy trốn".

Qua cái sân lát gạch là một căn nhà mái bằng, dây tầm xuân leo qua cửa sổ lên mái. Lại một dấu hiệu khác của thế giới tiểu thuyết: Ngôi đình tạ giữa vườn luôn là sân khấu của những sự cố đặc biệt trong nhiều cuốn truyện. Hai bên cửa ra vào có hai cây mộc mùi thơm mát pha một chút gì của mùi vỏ quả đào, hương tỏa ra rất xa mặc dù hoa chỉ là những bông màu trắng ngà, cánh hoa bé tí nấp dưới lá.

[...]

Sau đó ít lâu, khi ba tôi nhậm chức Bộ trưởng Giáo dục trong Chính phủ lâm thời, chúng tôi được đến ở một ngôi nhà khá đẹp ở ngay trung tâm. Căn nhà này tôi không rõ là văn phòng hay nhà ở của bà Brachet - Hiệu trưởng trường nữ học Hàng Bài.

Thời Pháp thuộc khi còn học ở đấy, chúng tôi bao giờ cũng đi cổng phía Lý Thường Kiệt. Chỉ có ai đi muộn mới phải vòng ra cổng chính phố Hàng Bài và lúc ấy nếu gặp phải Khoặm (tức bà Brachet) thì cứ liệu.

Căn nhà này là một khu nhà Tây rộng rãi, ba tôi, chị tôi và ba em lớn ở trên gác. Tầng dưới là phòng khách và phòng làm việc của ba tôi.

Những khi ba tôi đi vắng, tôi lên phòng làm việc của ông và "tra cứu" từ điển, có nghĩa là xem tranh của các danh họa và ảnh của nghệ sĩ, danh nhân, niềm say mê của tôi từ khi còn bé.

Tôi thích lấy hộp thuốc lá Cotab hình ống để trên bàn, khẽ nhấc cái nâng bằng các tông lên, một mùi thơm nhẹ lan tỏa khắp phòng, mùi thơm quen thuộc lúc nào cũng vương lại trong các phòng làm việc của ba tôi. Cạnh đấy có một phòng nhỏ một tầng, tôi và mẹ tôi ở đó cùng đứa em gái út lúc ấy mới hơn một tuổi. Ở góc tường có một cái lò sưởi, trong đó tôi biết có một con tắc kè mặc dù không bao giờ thấy nó.

Chỉ có vào đêm khuya, trong giấc ngủ là tôi nghe tiếng nó vang lên rõ mồn một: Tắc kè!

Vì vậy, từ đầu tiên mà cô em gái tôi phát ra không phải là mẹ hay bà theo thông lệ mà một hôm cả nhà kinh ngạc nghe thấy nó nói: Tắc kè! Lại là một từ kép nữa chứ.

Duyên nợ của tôi với ngôi nhà này không phải chỉ có vậy là hết.

Sau khi đi kháng chiến trở về, tôi về dạy ở trường Trưng Vương gần mười năm. Phòng làm việc và phòng khách của ba tôi trở thành phòng Hiệu trưởng và phòng họp. Căn nhà một tầng tôi và mẹ tôi ở trước đây trở thành văn phòng.

Suốt nhiều năm ra vào luôn luôn ở trong những căn phòng đó, tôi không bao giờ đặt một mối liên hệ nào giữa chúng với cái buồng có con tắc kè hay căn phòng làm việc có mùi thuốc lá thơm của ba tôi.

Như thể 9 năm kháng chiến đã hủy bỏ hẳn một mảng ký ức và như thể những căn phòng này là thuộc về một ngôi nhà khác, một khu phố khác, qua thời gian, mỗi không gian đều có "khí quyển" riêng của nó.

Đặng Thị Hạnh/ NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-thoang-ha-noi-xua-post1362014.html