Một thoáng sông nước, miệt vườn

Miền Tây, tên gọi thân thương để chỉ miền sông nước Cửu Long. Dòng Mê Kông chảy vào vùng đất phương nam chia đôi ngả thành sông Tiền và sông Hậu rồi hóa 'chín rồng' tuôn ra biển lớn. Giữa hai con sông lắng đọng trầm tích này là chằng chịt kênh, rạch và tự nhiên hình thành lối sống, đặc trưng văn hóa sông nước, miệt vườn.

Những ngày cuối tháng chín, Tây Nguyên tâm điểm mùa mưa và miền Tây vào mùa nước nổi. Tôi cùng đoàn công tác Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cùng hàng chục doanh nghiệp du lịch, lữ hành có chuyến trải nghiệm sông nước, miệt vườn tại xứ sở sen hồng Đồng Tháp và miền “gạo trắng, nước trong” Cần Thơ.

Đây là nội dung trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với Cần Thơ và Đồng Tháp năm 2023, chủ đề “Đà Lạt-Lâm Đồng, điểm hẹn du lịch”.

Chuyến xe mang dòng chữ “Đà Lạt-Lâm Đồng, điểm hẹn du lịch” đưa chúng tôi qua phà Cao Lãnh, đặt chân lên vùng đất sen hồng, lòng thấy lâng lâng giữa miền sông nước. Lại nhớ câu ca “Bậu sang phà Rạch Miễu, qua lẽo đẽo theo sau…”.

Đứng trên tầng hai của chuyến phà số hiệu C-60, gió sông Tiền lồng lộng, từng đám lục bình trôi theo con nước ròng. Chợt nhớ câu thơ ai đó: “Tháp Mười nước mặn đồng chua/ Nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng”.

Nước nổi về, vùng sông nước nhộn nhịp với các hoạt động đánh bắt, như kéo lưới, kéo vó, kéo dớn, chài cá... Năm nào cũng thế, nương theo tự nhiên, theo con nước đầy vơi, người dân miền Tây lại tất bật mưu sinh trong mùa nước nổi. Mùa này, về “xẻo”, về “cồn” hay về “cù lao”, du khách được đãi những sản vật đặc trưng miền sông nước, với câu ca như nhắc nhớ: “Muốn ăn bông súng cá kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”.

Đồng Tháp được thiên nhiên ban tặng phong cảnh hữu tình, giàu tài nguyên du lịch sinh thái. Chúng tôi đến vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim khi đứng bóng. Thời điểm khó để được chiêm ngưỡng những đàn chim vỗ cánh mặt trời.

Song, cũng được thong dong với sông nước miền Tây, qua những rừng tràm ngập nước, thú vị với những màn hạ cánh xuống đầm sen uyển chuyển của những cánh chim… Quả thật, có đến tận nơi mới chịu câu: “Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/ Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm”.

Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi trú ngụ của loài Sếu đầu đỏ được ghi vào sách đỏ thế giới. Nhiều người ví đây là “Đồng Tháp Mười thu nhỏ”, với những thảm thực vật đặc trưng, như: lúa trời, năng, lác, bông súng, điên điển...

Mùa nước lên, những con kênh ở Khu di tích Xẻo Quýt cũng cao hơn. Chúng tôi đi xuồng lau lách dưới tán rừng tràm nguyên sinh, trải nghiệm vùng “di tích đỏ” ở xứ sen hồng.

Xẻo Quýt có hệ sinh thái rừng tràm nguyên sinh hơn 20ha, những dây leo quấn quýt trên cây tràm giống tranh thủy mặc. Trên những chiếc xuồng ba lá, lại mê giọng nói ngọt lành của những cô gái quấn khăn rằn đặc trưng Nam Bộ.

Đến Đồng Tháp không thể bỏ qua làng hoa Sa Đéc nổi tiếng bên dòng sông Tiền thơ mộng.

Làng hoa Sa Đéc hình thành từ cuối thế kỷ 19. Ban đầu, nghề trồng hoa chỉ tập trung ở phường Tân Quy Đông, nay đã phát triển mạnh mẽ ra nhiều phường khác.

Làng hoa này được ví là nơi có “bốn mùa xuân”, bởi đến đây thời điểm nào du khách đều được đắm đuối cùng hoa.

Tôi đã vài lần đến Tây Đô, nhưng cũng chỉ thoáng qua. Lần nào cũng thế, có dịp về Cần Thơ, tôi đều ghé thăm Cồn Sơn và đắm đuối với nhịp điệu sông nước trên dòng sông Hậu.

Trên con thuyền dập dìu về phía thượng nguồn đến với Cồn Sơn, được nghe giai điệu thân quen: “Nhắn ai đi về miền đất phương nam/ Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang/ Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh...”, mà lòng xao xuyến.

Cồn Sơn rộng khoảng 75ha, thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, được ví là “viên ngọc nằm trong miệng rồng”. Cồn Sơn được phù sa đắp bồi nên cây trái nổi tiếng khắp vùng. Xứ cù lao này chất chứa biết bao câu chuyện linh thiêng của thời khai khẩn trồng trọt. Về đây để thấy: “Từng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này/ Cho ta thêm yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất”.

Cồn Sơn hôm nay cây trái vẫn ngọt lành, dân xứ cồn vẫn luôn hồn hậu, hiếu khách, đậm chất văn hóa vùng quê Nam Bộ.

Cồn Sơn giờ nhà nhà làm du lịch. Du lịch cộng đồng ở xứ này rất đặc biệt, mỗi gia đình là một đặc trưng, nhà nào “thức” nấy và trở thành một “mắt xích” của cộng đồng. Thí dụ như trong một mâm cơm của du khách, mỗi món ăn là của một gia đình, đã tạo nên sự gắn kết, tương trợ cộng đồng và tạo sự thích thú cho thực khách.

Ở Cồn Sơn, gia đình có vườn trái cây thì đưa du khách đến thưởng thức, hộ có bè cá thì đưa khách đến tham quan, nhà nào giỏi nghề làm bánh thì hướng dẫn khách làm và thưởng thức tại chỗ… Mỗi gia đình đều có một công việc, vai trò riêng để làm nên du lịch cộng đồng đầy ấn tượng.

Vùng đất phương nam từng hấp dẫn tôi qua những thước phim “Cánh đồng hoang”, “Mùa nước nổi”, “Đất phương Nam”, “Mùa len trâu”... Để bây giờ, ước mơ ấy đã thành hiện thực. Tôi được rong ruổi đất phương nam để lắng trong câu hò, điệu lý, được gõ phách ngâm nga đôi câu vọng cổ khi rượu sen hồng ngấm môi.

Cần Thơ được mệnh danh là “Tây Đô” của vùng sông nước Cửu Long. Xứ “gạo trắng, nước trong” quyến rũ chúng tôi bởi đặc sản “chợ dập dìu”.

Xứ này có nhiều chợ nổi nhất miền tây. Dọc theo sông Hậu, từ Cái Răng-Ba Láng đến Vàm Xáng-Phong Điền… đều là những chợ nổi hình thành từ lâu đời ở vùng này; xa hơn là chợ nổi Phụng Hiệp, còn gọi là chợ Ngã Bảy. Trước là thế, nhưng nay, nhiều chợ nổi tự nhiên trầm lắng theo xu thế thời đại.

Lần này, chúng tôi hòa vào không khí của chợ nổi Cái Răng, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ở “Đô thị miền sông nước” Cần Thơ. Trời chưa tỏ mặt người, mặt sông loang loáng ánh đèn, xôn xao tiếng chào mời, cười nói.

Sinh hoạt chợ nổi là nét đặc thù, đậm chất văn hóa miền sông nước Cửu Long. Trên bến dưới thuyền, tự nhiên có sự phân định khá rạch ròi các loại mặt hàng nông sản đưa ra trao đổi giữa các chợ nổi. Từ lâu, người kinh doanh ở chợ nổi không rao bán, mà dùng “tín hiệu” là bán món gì thì treo “mẫu” món ấy lên cây sào ở đầu mũi thuyền để mọi người biết, gọi là cây bẹo, tức “chưng ra, đưa ra để khêu gợi”, theo từ điển phương ngữ Nam Bộ.

Nguyên tắc chung ở chợ nổi là “treo gì bán nấy”, nhưng trường hợp ngoại lệ thú vị là có thứ “treo mà không bán”, đó là quần áo. Bởi thương hồ quanh năm lênh đênh sông nước, thuyền là nhà. Trên chợ nổi cũng có thứ “không treo mà bán”, đó là đồ ăn, thức uống. Giá cả ở chợ nổi cũng rất hào phóng, ít có chuyện cò kè, thêm bớt.

Có gì thú vị với lữ khách Tây Nguyên như chúng tôi, khi được nhâm nhi ly cà phê sớm giữa mênh mông sông nước, lênh đênh, dập dìu. Đúng là “Nước ròng chảy xuống như tên/ Bắt tay chào hỏi ghe thuyền bốn phương”.

Đoàn chúng tôi chia tay vùng đất phương nam bằng những cái bắt tay thật chặt tại Hội nghị xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và Cần Thơ, Đồng Tháp năm 2023.

Với những đặc sản kết tinh kỳ diệu từ miền đất lành Nam Tây Nguyên kết nối, gọi mời.

Chỉ một thoáng sông nước, miệt vườn; để luyến lưu câu hò, câu lý; để nhớ mùi hương sen hồng, súng trắng; nhớ nồi cá linh nấu bông điên điển mặn nồng; để thương chiếc áo bà ba, khăn rằn quàng cổ; để trong giấc mơ chấp chới cánh cò, có dòng kênh trăng nước mơ màng… Hy vọng, sự kết nối du lịch “đại ngàn và sông nước” sẽ tạo ra những chương trình, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/mot-thoang-song-nuoc-miet-vuon-post775058.html