Một thời để yêu, một thời để nhớ

Cuối năm 1967, trong những tháng ngày rét căm căm của mùa đông thời chiến, có 13 đứa con trai con gái gày gò, bé nhỏ mới học lớp 5 lớp 6 lũ lượt tề tựu về Trường Năng khiếu Nghệ thuật Hà Nội nơi sơ tán tại thôn Bảo Tháp, huyện Thuận Thành và thôn Quỳnh Bội, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc, cách Hà Nội cả tiếng xe khách tồi tàn hoặc vài tiếng gian nan vật vã nếu đi bằng xe đạp cọc cạch thời chiến tranh.

Giảng viên và học sinh lớp mỹ thuật đầu những năm 1970.

Lớp họa đầu tiên của Trường Năng khiếu Nghệ thuật Hà Nội đã bắt đầu từ đây, nếu không kể đến cái đêm thi tuyển trong ánh đèn dầu leo lét dưới tiếng còi báo động tại cơ sở Nguyễn Thái Học, Hà Nội vào mấy tháng âm thầm trước đó.

Tôi, người viết bài này, lúc đó là một thằng nhóc lớp 5, mặc áo bông xanh, đi dép cao su, và cậu bạn Tô Hoài Nam được mẹ của Nam đưa lên đến tận trường bằng xe khách. Bé nhỏ, rét mướt, lơ ngơ… hai thằng - đều là học sinh con em miền Nam - không thể nào đoán trước được cái gọi là con đường nghệ thuật đang chờ mình phía trước ở miền đất nghèo mà nên thơ này sẽ ra sao…

11 đứa còn lại có những đứa cũng không hơn gì tôi và Nam. Tôi là thằng mê chơi với chiếc mũ nồi che nửa cái đầu. Nam là thằng hóm hỉnh, nói nhiều. Có hai bạn là Đệ và Hải ở Cẩm Giàng, Hải Dương, mắt kèm nhèm, mũi thò lò, thích đánh đáo chơi bi hơn vẽ. Mấy đứa Hà Nội có Bình đen nhà đường Nam Bộ tưng tửng. Hồng Kim Long nhà phố Yên Ninh điệu đàng, Đặng Văn Phú dân Tây Hồ tính tình cẩn trọng. Bình Minh nhà ngay trong trường Mỹ thuật, 42 Yết Kiêu rụt rè, Lộc tồ tẹt. Thúy Hải lanh lẹ. Vũ Hòa đa năng, Nguyễn Trung Tín khép mình, Nguyễn Thế Phượng triết lý…

Trong bọn choai này một số có cha mẹ là dân văn nghệ sĩ (Bình Minh - con họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Vũ Hòa con nhạc sĩ Vũ Lương, Nguyễn Trung Tín con nhà quay phim Nguyễn Tự, Tô Hoài Nam con họa sĩ Tô Dự )… còn những đứa khác thì gia đình làm đủ mọi nghề mọi nơi, không mấy liên quan đến vẽ viếc gì sất. Trình độ tay nghề mỗi đứa cũng rất khác nhau. Nguyễn Trung Tín vừa vào lớp đã trưng ra bộ tranh bột màu khi đi sáng tác ở Tây Bắc với bố rất đáng nể. Vũ Hòa cũng vẽ từ rất sớm. Đặng Văn Phú vẽ “giống hơn thật”… Còn lại là những đứa lần đầu tiên trong đời làm quen với những thể loại chân dung, phong cảnh, hình họa, tĩnh vật, trang trí… Những bàn tay quen chơi khăng đánh đáo ấy lần đầu tiên mới đánh vật với bột màu, phấn màu, thuốc nước, côlôphan, palét, bút lông… Hồi ấy màu mè gì mà nó bẩn, nó vón cục, nó hôi… đến khó xài, khó ưa.

Thằng nào có gia đình tiếp tế màu vẽ ngoại thì cất kỹ như cất vàng, chỉ cho thằng nào thân lắm (và nịnh giỏi lắm) chọc ngoáy một tí màu ngoại để nâng chất bức tranh của mình. Hà Bắc hồi ấy sao lạnh thế. Bọn nhóc chúng tôi vừa vẽ vừa co ro run rẩy, mũi dãi thò lò, chân tay bầm tím. Ba cô bạn - ba đóa hoa mộc mạc của lớp - đang tuổi mới lớn cũng tê tái, xám ngoét cùng gam màu mùa đông với chúng tôi, mỗi lần đi vẽ phong cảnh là một lần run rẩy vì đói và lạnh…

Bánh mì và bắp cải. Cơm và sắn. Đường làng và những con trâu nhẫn nại gặm cỏ. Chiến hào tên lửa và màu xanh quân phục. Mũ rơm và lớp học dưới lũy tre làng. Và cái lạnh. Những hình ảnh đó hình như cũng phảng phất trong mỗi bức tranh của lũ nhóc trên dưới 10 tuổi lúc đó chứ đâu có rực rỡ như tranh tuổi teen bây giờ…

Sau một thời gian trú chân ở thôn Bảo Tháp, lớp chuyển sang thôn Quỳnh Bội cách đó khoảng 3km. Khi học vẽ thì lớp học riêng. Khi học văn hóa (10 đứa học lớp 5, 3 đứa lớp 6) thì học ghép với các lớp trường nội trú. Trường nội trú lúc đó được biết là trường dành cho con em các “ông cốp” của Đảng, Nhà nước, quân đội, ngoại giao, Chính phủ Lâm thời miền Nam và các cán bộ cao cấp đi miền Nam chiến đấu. (Sau này chúng tôi mới biết họ toàn là lãnh đạo tên tuổi một thời). Cứ chủ nhật là học sinh trường nội trú có gia đình đi xe Volga, Moskvich lên thăm và mang quà cáp cho nườm nượp…

Còn bọn học sinh lớp “Năng khố” (hồi ấy học sinh trường nội trú gọi chúng tôi như thế) thì phải tự dùng mọi cách để xóa đói giảm nghèo, kể cả nắm tay nhau nhảy “sòn sòn sòn đô sòn, sòn sòn sòn đô rê…) cho đỡ lạnh vào mỗi đêm mùa đông trung du rét mướt. Có những lần đói thật sự, các họa sĩ tương lai ra đồng dưa gang của dân, giả vờ làm rơi mũ rơm xuống ruộng, rồi khi nhấc mũ lên là kéo theo một quả dưa gang đem về “tự cứu mình”.

Lớp học vẽ ở thôn Quỳnh Bội cũng là nơi ở của chúng tôi. Đó là một căn nhà tranh vách lá, được dựng lên giữa một cái ao nhỏ, nối vào bờ bằng con đường tự đào đắp mà mỗi khi mưa phùn gió bấc trơn trợt thế nào cũng có thằng phi xuống ao nước đầy đỉa lội như bánh canh. Có một lần giông bão hãi hùng vào nửa đêm, căn nhà chị Dậu ấy rung chuyển rồi xiêu vẹo và đổ sụp.

Thầy cô, các bạn nội trú, người dân trong xóm nghe tiếng kêu cứu chạy ra cứu hộ, che chống, lôi các họa sĩ tương lai mặt mũi tái nhợt ra khỏi mái nhà tranh chứa hơn chục trái tim vàng đó. Sau này cả bọn cứ tự ngạo mình: Hồi đó ngộ nhỡ có làm sao thì Nhà nước mất cả chục thiên tài. Mà nói theo kiểu nào đó thì đúng là thiên tài thật… Ăn đói mặc rét thế mà vẫn vẽ, vẫn sống, vẫn vui, vẫn lớn như thường trong không khí bom đạn như thế thì có trời mà hiểu nổi.

Đến sau này cả nửa thế kỷ trôi qua, bọn chúng tôi vẫn nhớ về căn nhà tranh vách lá ấy. Vỏn vẹn có mấy chục mét vuông mà chục thằng ranh con cùng ba cô gái sắp dậy thì đều ở cùng, cô giáo chuyên môn cũng ở cùng luôn. Một trong những giảng viên đầu tiên của lớp là họa sĩ Cửu Long Giang, người miền Nam, lấy vợ người dân tộc miền núi Tây Bắc. Họa sĩ Cửu Long Giang là người vẽ tranh truyện và ký họa nổi tiếng, nhất là với những đề tài miền Nam. Ông có đôi mắt to, khuôn mặt trầm mặc nhưng sống rất tình cảm. Chúng tôi nhớ ông còn tập kịch cho lớp chúng tôi, vở kịch gì đó toàn là máy bay Thần Sấm với Con Ma…

Tôi đóng vai gì không nhớ nữa, nhưng có một câu thoại mà giờ tôi vẫn nhớ tôi đã hùng hồn hét lên như sau: “Đây là đâu ta lạc giữa rừng cây, sấm động rung trời giông bão nát trời mây…”. Một giảng viên gắn bó với lớp chúng tôi từ đầu đến cuối là họa sĩ Tạ Diệu Tâm, con gái của họa sĩ Tạ Thúc Bình, chủ nhân một gia đình có tới 11 họa sĩ. Chồng cô Tâm là chú Hà Quang Phương, họa sĩ của Báo Nhân Dân, là người đã khuyến khích và đưa tôi vào con đường hội họa cái thuở ban đầu ấy. Họa sĩ Hà Quang Phương nhiều lần kết hợp lên thăm vợ con với việc kiêm nhiệm giảng dạy cho chúng tôi, và cũng không quên tranh thủ bắt chí (chấy) cho lũ trẻ đen nhẻm tay chân đầy màu vẽ ấy.

Vợ chồng thầy cô Hà Quang Phương, Tạ Diệu Tâm có một đứa con nhỏ là Hà Tuệ Hương được lớn lên tại “hòn đảo” này. Tất cả bọn học trò chúng tôi cũng giúp cô bằng cách ẵm em trông trẻ cho cô giáo đi chợ, nấu ăn, lên lớp. Lớp học lúc đó thân thương như một đại gia đình mà thật tiếc thời đó không mấy ai có máy ảnh mà chụp lại vài tấm hình làm kỷ niệm.

Sau thời gian học với “các con ông cốp” tại Hà Bắc, cả lớp chúng tôi được chuyển về Hà Nội. Lúc đó tạm thời ngưng bắn, nhưng lâu lâu vẫn rất căng thẳng. Trường về đóng tại Quảng Bá - Hà Nội ngay đầu dốc xuống phủ Tây Hồ nơi có những rặng ổi nổi tiếng vì ổi ngon và nhiều đôi trai gái tình tự mà chúng tôi thường bò kiểu du kích để rình xem họ hôn nhau.

Con đường lúc ấy giấu mình dưới những hàng phi lao cao vút và có những đoàn xe chở tên lửa đất đối không nối đuôi nhau chờ ra trận. Học vẽ lúc này đã sướng hơn. Trường của ta, lớp của ta, lại có thêm nhiều lớp mới mà sau này còn cung cấp cho hội họa Việt Nam nhiều tên tuổi như họa sĩ Vương Duy Biên nay là Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Nguyễn Hà Bắc - nghệ sĩ nhân dân... Bên cạnh lớp vẽ lúc này còn xuất hiện các tiểu thư lớp nhạc, lớp múa… với nhiều cô nàng xinh đẹp con của các nghệ sĩ nổi tiếng như Quý Dương, Thái Thị Sâm, Văn Cao, Hồ Bắc…

Thời điểm này lại diễn ra một trận lụt lịch sử. Cả trường nằm trên biển nước. Tất nhiên việc vẽ đôi khi phải thực hiện trên… giường. Tôi vẫn nhớ nhiều khi không có tàu điện Yên Phụ, phải đi bộ từ khu tập thể ở ngõ Lý Thường Kiệt - nơi tôi ở - đến tận trường ở Quảng Bá. Và còn nhớ trước cổng trường có một bãi bóng và thỉnh thoảng có Cao Cường (em ruột danh thủ Ba Đẻn - Thể Công) đến đá cùng chúng tôi. Thỉnh thoảng lớp nhạc và lớp họa lại chia phe đá bóng rất khí thế và cùng nhau đi biểu diễn ở rạp Đại Nam, cùng sinh hoạt đội thiếu niên với một đội trống ếch được coi là hàng hiếm lúc đó.
Lớp học chúng tôi được đặt tại nhà di tích 5D Hàm Long, trong căn nhà hầm của Sở Văn hóa thông tin đường Hàng Dầu, Hà Nội…

Chúng tôi đi vẽ khắp nơi và tay nghề cũng đã khá lên, bắt đầu có tranh treo ở nhà triển lãm Hàng Bài, có tranh trong các tập sách trong và ngoài nước, đã có giải thưởng lớn nhỏ. Tôi cũng có đồng nhuận bút đầu tiên trong đời nhờ vào một bức tranh in trên Báo Văn Nghệ. Nghề vẽ đã thực sự chắp cánh cho những đứa trẻ học vẽ dưới thời đạn bom, khi mà một số người “khó tính” vẫn còn chê chúng tôi vẽ không giống thật, một số người vẫn bảo vẽ không bằng thợ truyền thần, có người còn phát hoảng lên vì thấy Bình đen vẽ một con trâu màu đỏ… thì học trò lớp hội họa đã bắt đầu hiểu biết hơn về thế giới sáng tạo của sắc màu hình tượng và những câu chuyện tái hiện cuộc sống một cách nhân bản.

Lớp Mỹ thuật của trường Năng khiếu Nghệ thuật Hà Nội (tiền thân của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hôm nay) đã chia tay vào những năm 1968 - 1969. Một số học tiếp lên trung cấp rồi vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam và đa số đều thành danh. Một số khác thay đổi sự lựa chọn của mình hoặc rẽ ngang vì một hoàn cảnh riêng tư nào đó. Một số người trong đó có tôi chuyển vào TPHCM sinh sống. Thầy Cửu Long Giang và Hà Quang Phương đều mất sau một thời gian về Nam.

Chàng trai Quảng Bá Đặng Văn Phú sau khi đi bộ đội về làm nghề xây dựng và gần đây đã trở thành tiến sĩ ngành kiến trúc. Thúy Hải cũng là kiến trúc sư và đi vào giảng dạy. Bình Minh là Phó Giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nguyễn Trung Tín hiện là Phó Hiệu trưởng, Tô Hoài Nam là Trưởng khoa của trường Mỹ thuật TPHCM. Nguyễn Thế Phượng sau này là họa sĩ Báo Nhân Dân (vừa mất 2011).

Vũ Hòa sau một thời gian làm hãng phim hoạt hình đã sang định cư tại Pháp và trở thành người vẽ chân dung có tiếng. Bình đen sau một thời gian công tác tại Đài truyền hình Việt Nam đã “ra riêng” và vẫn âm thầm vẽ. Còn tôi, sau khi học hội họa mấy năm thấy mình không hợp với nghề cầm cọ nên đã chuồn sang nghề viết văn, làm báo. Vì thế, đôi khi ở đâu đó và với ai đó, nhiều người vẫn không tin rằng tôi đã từng học vẽ.

Và tôi đã phải chứng minh rằng, tôi đã từng học vẽ bằng cách nêu tên các bạn tôi đang thành danh trong lĩnh vực hội họa của nước nhà. Hôm nay, vào lúc quá nửa đời nhìn lại, mới cảm thấy yêu cái thuở ban đầu lọ lem nách bảng tay bút đi khắp nơi trong Hà Nội của niềm tin và hy vọng ấy. Để thương mình, thương thầy cô, thương bạn bè, thương cái thời mình đã sống. Chúng tôi nay mỗi người một nghề, có thành đạt, có lao xao, có lặng lẽ, nhưng ít nhiều vẫn liên quan đến nghề và vẫn nhớ về Hà Nội, nơi bắt đầu bước chân vào con đường hội họa mà ngay từ đầu chúng tôi đã cảm thấy đó là một thế giới trong vắt và thấm đẫm tình người. Ngay cả những lúc xa xôi cách trở chúng tôi vẫn tìm cách hội tụ, không chỉ với lớp mình mà cả những lớp sau của thế hệ mình…

Nhìn lại mới thấy đúng là thời gian tựa cánh chim bay, mới đó mà chúng tôi đã trải qua ba thời kỳ mũ rơm, mũ cối và bây giờ là mũ bảo hiểm… Cho nên vào ngày 15.9.2013 vừa qua, nhân dịp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội kỷ niệm 46 năm thành lập, những thế hệ đầu tiên của trường đã về họp mặt và dự cuộc triển lãm tranh “Hội tụ” tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, với sự giúp đỡ rất nhiệt tình và chu đáo của Ban Giám hiệu nhà trường, những câu chuyện ôn cố tri tân đã tái hiện được những thước phim của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, gặp nhau tay bắt mặt mừng nhớ về những người đã khai phá, đã đồng hành và đã cống hiến cho ngành mỹ thuật những tác phẩm và công trình in dấu ấn trên mọi miền đất nước.

Chia tay nhau, chúng tôi lại hẹn nhau một cuộc hội ngộ nữa nhân dịp 50 năm thành lập trường chẳng còn bao xa. Riêng tôi tự hứa với lòng mình thế nào cũng phải quay lại với cây cọ như ước mơ ban đầu…
Thành phố Hồ Chí Minh 9.2013

* Cựu học sinh lớp hội họa đầu tiên của Trường năng khiếu nghệ thuật Hà Nội.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/mot-thoi-de-yeu-mot-thoi-de-nho/144653.bld