Một thời săn đón, nhiều doanh nghiệp Việt nay bị khối ngoại ngó lơ

Năm 2023 chứng kiến làn sóng lũ lượt rời khỏi thị trường chứng khoán Việt của khối ngoại. Một thời được săn lùng, nay không ít doanh nghiệp rơi vào cảnh hở room ngoại.

Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam vừa cập nhật thông tin về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE. So với đầu năm, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại nhìn chung đều đã giảm ở hầu hết doanh nghiệp, thậm chí một số doanh nghiệp từng được nhà đầu tư nước ngoài yêu thích nay cũng rơi vào cảnh hở room.

Thực tế, tình trạng này diễn ra tương đối dễ hiểu khi dòng tiền ngoại liên tục rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay. Theo số liệu từ FiinTrade, khối ngoại đã bán ròng khoảng 23.200 tỷ đồng tại thị trường chứng khoán Việt từ đầu năm và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Số phận trái ngược

Với giá trị bán ròng lên đến 5.164 tỷ đồng, EIB của Eximbank là cổ phiếu dẫn đầu nhóm bị dòng tiền ngoại xả mạnh nhất.

Dù cho phép tỷ lệ sở hữu tối đa nước ngoài ở mức 30%, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ cổ phần tại nhà băng này đã giảm một mạch từ 18,92% xuống mức 2,73%, tương đương 47,7 triệu cổ phiếu. Nguyên nhân chủ yếu do Eximbank mất đi cổ đông chiến lược là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và chưa tìm được đối tác ngoại mới.

Năm 2007, ngân hàng Nhật Bản lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam thông qua thương vụ đầu tư 225 triệu USD (khoảng 3.650 tỷ đồng thời điểm đó) để đổi lấy 15% vốn điều lệ Eximbank. Song, tình trạng xung đột quyền lực liên miên giữa các nhóm cổ đông kéo suốt hơn một thập kỷ qua phần nào là lý do buộc SMBC phải tìm lối thoát.

SMBC rời Eximbank sau 15 năm hợp tác. Ảnh: Bloomberg.

Ngày 16/1, SMBC thông báo chấm dứt liên kết vốn với Eximbank và giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% sau khi bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư trong nước phiên 13/1. Không lâu sau, cổ đông ngoại này tiếp tục bán thêm 19 triệu cổ phiếu để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,26%.

Trong khi đó, vào cùng giai đoạn, SMBC công bố kế hoạch chi 35.900 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, để mua 15% vốn VPBank.

Để đáp ứng thương vụ, VPBank đã nới room ngoại lên tối đa 30% và hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho SMBC. Toàn bộ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm.

Nhận được dòng tiền ngoại, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tại VPBank mở rộng từ 17,57% lên 27,99%, tương đương 2,2 tỷ cổ phiếu.

Dẫu vậy trên thị trường, giá trị bán ròng cổ phiếu VPB của khối ngoại kể từ đầu năm vẫn lên tới 3.447 tỷ đồng, chỉ xếp sau EIB.

Không còn được ưu ái

Không giống 2 cổ phiếu ngân hàng trên, hoàn cảnh của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) rất khác. Trong nhiều năm, MWG luôn nằm trong danh mục cổ phiếu được các nhà đầu tư ngoại ưu ái, room ngoại cũng thường xuyên ở trạng thái kín chỗ.

Để “săn” được cổ phiếu MWG, một số quỹ thậm chí từng chấp nhận trả mức giá chênh lệch (premium) lên đến 45% so với thị giá.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ này gặp nhiều khó khăn gần đây đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi khẩu vị.

Với con số 3.287 tỷ đồng, giá trị bán ròng của khối ngoại tại công ty bán lẻ điện thoại, điện máy này chỉ xếp sau Eximbank và VPBank. Room ngoại tại doanh nghiệp theo đó hở ra gần 5% sau khi bị thu hẹp xuống còn 44,2%, tương đương 646,8 triệu cổ phiếu, mức thấp nhất của TGDĐ trong nhiều năm qua.

Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners (Singapore), từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn và không có tư duy lướt sóng với cổ phiếu MWG. Song đến giữa tháng 4, quỹ này bắt đầu có động thái giảm dần tỷ trọng MWG trong danh mục với lý do tái cơ cấu đầu tư.

Sau 7 tháng, quỹ đã bán ròng tổng cộng hơn 52 triệu cổ phiếu MWG. Dù 2 quỹ thành viên khác là Arisaig Global Emerging Market Fund Pte.Ltd và Mercer QIF Fund Public Limited Company ghi nhận mua ròng nhẹ nhưng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm quỹ đã hạ xuống dưới ngưỡng 5% vốn như hiện nay.

Tương tự, đầu tháng 11, nhóm quỹ Dragon Capital cũng thông báo bán ra hơn 4,1 triệu cổ phiếu MWG, giảm sở hữu của nhóm xuống còn 101 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng 6,9% vốn điều lệ.

Kết quả kinh doanh của TGDĐ phần nào hé lộ lý do dòng tiền ngoại “quay đầu”. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 86.858 tỷ đồng và lãi trước thuế 471 tỷ đồng, giảm lần lượt 15,5% và giảm 90,8% so với cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch tự lập, doanh nghiệp mới hoàn thành 64% mục tiêu doanh thu và chưa đầy 2% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Kinh doanh đi xuống buộc TGDĐ phải tái cấu trúc. Không chỉ đóng hàng loạt cửa hàng, ông lớn bán lẻ này còn phải chia tay hàng chục nghìn nhân viên.

Theo báo cáo cập nhật của SSI Research, MWG có nguy cơ bị loại khỏi chỉ số VNDiamond khi P/E dự phóng 2023 có thể vượt gấp 3 lần P/E của nhóm đủ tiêu chuẩn. Nếu bị loại, cổ phiếu MWG sẽ chịu áp lực bán lớn từ các quỹ ETF tham chiếu theo rổ chỉ số này.

Dòng tiền ngoại chạy về đâu?

Trái ngược bức tranh xám xịt của thị trường, một số doanh nghiệp lớn vẫn được nhà đầu tư ngoại đánh giá cao và duy trì trạng thái mua ròng từ đầu năm đến nay.

Điển hình nhất là nhóm thép với mã HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát, ghi nhận tỷ lệ sở hữu của khối ngoại mở rộng từ 21,9% lên gần 25%, tương đương 1,45 tỷ cổ phiếu.

Hay cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen được khối ngoại gom mạnh 1.462 tỷ đồng, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 7,54% lên 22,09%, tương đương 136 triệu cổ phiếu. Trong đó, nhóm quỹ Dragon Capital tích cực mua vào, lần gần nhất bổ sung thêm 1 triệu cổ phiếu HSG để nâng tỷ lệ sở hữu từ 9,85% lên 10,01% vốn.

Tập đoàn Hòa Phát dẫn đầu giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài năm nay. Ảnh: Hòa Phát.

Các cổ phiếu khác như STG của Kho vận Miền Nam cũng được khối ngoại gom 1.284 tỷ đồng từ đầu năm; FRT của FPT Retail được gom 847 tỷ đồng; PDR được gom 773 tỷ đồng; DGC của Hóa chất Đức Giang được gom 770 tỷ đồng; SSI của Chứng khoán SSI được gom 759 tỷ đồng và HDB của HDBank được khối ngoại mua thêm 756 tỷ đồng.

Ở diễn biến khác, tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp bị người Thái thâu tóm giữ mức sở hữu ổn định. Đơn cử như mã SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chỉ ghi nhận room ngoại giảm chưa đến 1%, xuống còn 61,76%.

Mới đây, HĐQT Sabeco đã thông qua nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu SAB sẽ nhận về 1.500 đồng. Với hơn 1,28 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ông lớn ngành bia dự kiến phải chi ra 1.920 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.

Với tỷ lệ sở hữu gần 53,6% vốn, cổ đông lớn nhất - Công ty Vietnam Beverage (thuộc ThaiBev) - sẽ nhận về 1.030 tỷ đồng cổ tức vào đầu năm sau. Nếu được thanh toán đủ lượng cổ tức với tỷ lệ 35% theo kế hoạch năm nay, tập đoàn của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi có thể nhận về hơn 2.630 tỷ đồng tiền tươi từ Sabeco.

Tương tự, CTCP Nhựa Bình Minh cũng ghi nhận tỷ lệ sở hữu của khối ngoại chỉ giảm 1,15% xuống còn 85,1% từ đầu năm, tương ứng 69,6 triệu cổ phiếu.

Tháng này, Nhựa Bình Minh cũng tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền mặt với tỷ lệ 65% cho cổ đông. Trong đó, riêng tập đoàn mẹ là SCG (Thái Lan) dự kiến nhận về hơn 290 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ của cổ đông Thái tại doanh nghiệp nhựa này đã tăng lên xấp xỉ 55%.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/mot-thoi-san-don-nhieu-doanh-nghiep-viet-nay-bi-khoi-ngoai-ngo-lo-post1449717.html