Một tiếng thơ về người thợ

Thơ Việt Nam đương đại 'trăm hoa đua nở', riêng mảng thơ về người thợ thì chưa khởi sắc. Nhưng có một tiếng thơ khỏe khoắn mà đầy ắp nỗi niềm về người thợ mang một bút pháp mới, đó là thơ Lê Tuấn Lộc. Anh vừa cho ra mắt độc giả tập thơ 'Thơ và thợ', do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Vốn từ người thợ rồi trưởng thành là nhà khoa học về mỏ, anh yêu thơ rồi trở thành nhà thơ. Bài thơ “Giao thừa sao chưa về” tiêu biểu cho tiếng thơ này: “Chuông đồng hồ đã điểm/ Người ơi sao chưa về/ Đã giao thừa rồi đấy/ Người ơi thắp hương chưa/ Người là mẹ của cháu/ Giao thừa sao chưa về/ Người là bà của cháu/ Giờ ai mừng tuổi ai/ Pháo hoa tung lên trời/ Xe rác đi lầm lũi/ Người ơi kìa năm mới/ Mùa xuân tươi như hoa”.

Cái tứ thời khắc giao thừa mà có người chưa về nhà gợi vào sự băn khoăn của độc giả. Vì đó là giờ phút thiêng liêng nhất trong năm, là sự đoàn tụ của gia đình, gia tiên, gia thần. Thế mà người lao công quét rác, thời điểm ấy vẫn đang lặng lẽ làm việc. Những người như chị góp phần làm “mùa xuân tươi như hoa”. Bài thơ ngắn, hàm súc, gửi tới thông điệp những người đang sum vầy viên mãn thì hãy nhớ về những người lẻ loi đang âm thầm cống hiến để cuộc sống này đẹp hơn. Không nói về đạo lý nhưng ta hiểu đấy là đạo lý.

Lê Tuấn Lộc dựng lại bức tranh người tuần đường tiễn người yêu, buồn nhưng đầy tin yêu: “Đời anh-Người tuần đường/ Đứng cuối ga nhìn em xa dần/ Nỗi buồn hun hút/ Đung đưa cây đèn vàng trên tay/ Anh đang dõi theo em/ Thượng lộ bình an mãi” (Em ơi, ga Hà Nội). Lời thơ giản dị, thật thà, nhưng đậm tình, cái tình đã nâng hình tượng lên một cấp độ mới: Không còn là đường tàu mà là đường đời. Anh là người “tuần đường” chăm chút, dõi theo và mong em “bình an mãi” trên cuộc đời.

Hôm nay rất khó tìm trên báo thấy có những câu mộc mạc mà đầy trách nhiệm của người thợ như những câu này: “Chúng tôi đội quân đường ống/ Hành trang chỉ có cờ lê/ Quặng thông như là thông máu/ Vỡ đâu cờ lê đến ngay” (Đi trên đường ống). Bạn đọc nên tìm đọc những câu thơ khỏe khoắn ấy, để hiểu và thêm yêu lao động. “Quặng” thì khô rắn sao lại “thông” trong đường ống? Thì ra khai thác quặng bằng sức nước, nên nói thế là rất “đúng nghề”. Dùng chữ “thông máu” rất đắt: Quặng quý như máu, “quặng” chảy như máu thì “cơ thể” nhà máy mới khỏe mạnh!

Thơ Lê Tuấn Lộc đầy nỗi niềm, bao trăn trở về người lao động trong những hoàn cảnh éo le. Nhà thơ nhập thân vào người giám đốc lo lắng đến “mất hồn”: “Phá sản nghĩa là nợ đìa/ Nghĩa là công nhân mất việc/ Nghĩa là không còn nhà xưởng…” (Nỗi niềm…phá sản). Nhà thơ lo lắng, phấp phỏng cùng người vợ có chồng là thợ đang còn kẹt trong lò: “Mẹ con em vẫn chờ/ Biết đâu anh may mắn/ Đêm nay em lo lắm/ Ca đêm…vẫn chưa về” (Mẹ con em vẫn chờ).

Nỗi niềm là tâm trạng nhưng được gửi vào đấy nỗi đau nhân thế và những nghĩ suy trăn trở về phận người thì dễ trở thành triết lý: “Những người thợ xây giờ đây về đâu/ Xây tiếp những căn nhà chọc trời/ Tiệc khánh thành cũng tan rồi/ Không ai nhắc đến họ/ Những thợ xây tài nghệ/ Khắc nên vời vợi những công trình/ Những thợ xây tài nghệ/ Hết việc anh về đâu!” (Viết ở tòa nhà Keangnam). Vượt ra khỏi câu chữ thơ là những chất vấn về đạo lý: Cống hiến và hưởng thụ, tài năng và đãi ngộ, nhớ ơn và biết ơn… “Hết việc anh về đâu!” rất tình người, đậm tinh thần cảm thương nhân văn.

Thơ Lê Tuấn Lộc cũng khá nuột nà hình ảnh: “Sông đầy trăng, rừng cũng đầy trăng/ Anh đắm đuối trời non nước Bằng Giang/ Nước trôi ngược hay anh trôi ngược/ Sông nào cao bằng sông Cao Bằng” (Ánh trăng trên sông Bằng Giang). Không kể phép tu từ chơi chữ khá sắc sảo, ý thơ, tình thơ cho thấy người thơ yêu và có sự phát hiện, đồng cảm giữa con người và thiên nhiên nơi địa đầu đất nước.

Thơ Lê Tuấn Lộc là thơ của người thợ-thi sĩ, vừa thợ vừa thơ, có một chút tinh nghịch, hóm hỉnh, đáng yêu: “Dừng chân nghỉ tạm đường xa/Chăng lều nổi lửa ta pha chè rừng/Thả ba lô quặng trên lưng/ Chất thêm hương cỏ hương rừng mang theo” (Lục bát cỏ mùa xuân). Thứ thơ tươi tắn này góp phần làm cho nền thơ Việt thêm sắc màu đa dạng.

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-tieng-tho-ve-nguoi-tho-611011