Một trăm năm Bích Khê

Vào những ngày giữa tháng 6.2016 này, tỉnh Quảng Ngãi long trọng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bích Khê và công bố một tổng tập về sự nghiệp thơ Bích Khê dày ngót nghìn trang.

Tổng tập mang tên Bích Khê một trăm năm (1916 - 2016) (ảnh) gồm toàn bộ tác phẩm thơ của Bích Khê và tuyển chọn những bài báo, hồi ức, hồi ký, nghiên cứu, phê bình thơ, cuộc đời Bích Khê xuất hiện trên báo chí và các quyển sách từ năm 1936 tới nay.

Sinh thời, Bích Khê đã đi và sống ở nhiều nơi trong nước. Ông cũng từng lang thang trên sông Trà quê hương mình trong một con thuyền nhỏ. Đó là những chuyển dịch, chứ không phải long đong. Hóa ra, Bích Khê và thơ ông lại long đong từ sau khi ông mất, qua hai cuộc chiến tranh và mãi sau ngày hòa bình. Những định kiến sai lầm về ông, những đánh giá nông nổi và thiếu nhân ái về thơ ông đã khiến Bích Khê phải mang tiếng trong nhiều năm. Và thơ ông cũng phải “ẩn dật” trong nhiều năm. Mãi cách đây 10 năm, mùa xuân 2006, một cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia được tổ chức tại Quảng Ngãi đã minh định đúng tầm vóc thơ Bích Khê, những đóng góp chói sáng của thơ ông cho cách tân thơ Việt từ thế kỷ 20. Sau cuộc hội thảo này, Bích Khê và thơ ông đã được trả về đúng vị trí của nó trong nền văn học dân tộc VN.

Tôi nghĩ, Bích Khê và thơ của ông còn có thể vượt biên giới Việt để trở thành một “tài khoản thơ” quốc tế, nếu chúng ta tổ chức dịch và giới thiệu thơ ông đúng mức. Về thi pháp nghệ thuật, thơ Bích Khê vừa hiện thực vừa tượng trưng vừa siêu thực. Thơ ông có thể đáp ứng cho “khẩu vị” khác nhau của những người yêu thơ đương đại ở phổ rộng, vì cho tới một lĩnh vực mà thơ đương đại còn ngại ngần là lĩnh vực sex, thì thơ Bích Khê cũng… sex luôn. Dù là sex rất… thơ, rất trong trẻo, rất mơ hồ, nhưng vẫn rất… sex. Những người làm thơ trẻ bây giờ chưa chắc đã sở đắc được những kỹ thuật thơ phương Tây mà Bích Khê từng sở đắc. Những phần thơ của Bích Khê ngày trước chưa được giới phê bình hay giới sáng tác chấp nhận, thì bây giờ được rất nhiều người hoan nghênh.

Sự cởi mở về tư tưởng, về cách sống, cách cảm nhận văn học, nhất là cảm nhận thơ, đã giúp thơ Bích Khê 70 năm sau ngày ông mất lại trở nên cập nhật hơn với đời sống văn học đương đại. Tôi nghĩ, một số bài thơ rất đẹp và đầy tình yêu quê hương của Bích Khê sắp tới nên được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy ở nhà trường. Sự bền bỉ của cái Đẹp, qua thử thách, đã chứng minh được sức sống của nó. Bích Khê là một nhà thơ yểu mệnh, nhưng thơ Bích Khê thì không. Những câu thơ yếu đuối nhất trong hai tập Tinh huyết và Tinh hoa, hóa ra, lại là những câu thơ sống lâu nhất.

Là lúc đêm về trên mái ngói

Những nhành nhãn muộn. Cánh dơi lay

Em đang nổi bệnh trong

phòng vắng

Tình đậm theo trăng sáng

sáng đầy (Làng em)

Hay:

Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc

Hừng sáng trong trời

sợi sợi mưa (Làng em)

Tôi đã nghe 9 ca khúc Phạm Duy phổ thơ Bích Khê, gọi là “9 dị khúc”, và cảm thấy như thơ Bích Khê còn mới hơn cả nhạc Phạm Duy. Những khoảng tối, những phần mờ trong thơ Bích Khê chính là phần quý giá nhất của thơ ông, nó chứng minh rằng sự bí ẩn phương Đông có thể hòa hợp với kỹ thuật phương Tây để tạo nên một “chủng thơ” mới làm phong phú cho thơ ca.

Tôi luôn có cảm giác bình an mỗi khi đọc thơ Bích Khê. Bởi thơ ông đã “ăn vào” nhân dân mình bằng một tâm thế bình an Ta nhịp nhàng ý nhị nhịp theo Ta (Duy tân). Vâng, nhịp theo Ta chứ không nhịp theo Tây, dù không bao giờ bài xích những thành tựu mà văn minh và văn học phương Tây mang tới cho nhân loại, trong đó có bản thân mình. Như Bích Khê đã từng. Và đã tới. Một trăm năm. Và hơn nữa.

Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi đã hoàn thành khâu chuẩn bị nhằm tổ chức kỷ niệm một cách trang trọng 100 năm ngày sinh nhà thơ Bích Khê (1916 - 2016) vào ngày 14.6. Các hoạt động chính trong chương trình kỷ niệm là viếng mộ và dâng hương tưởng niệm, khánh thành Vườn thơ Bích Khê (giai đoạn 1) tại quê hương nhà thơ (thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, H.Tư Nghĩa) và Liên hoan trình diễn thơ Bích Khê trong khuôn viên Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Thanh Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/mot-tram-nam-bich-khe-712574.html