Chủ tịch nước: Giáo dục là mũi tiến công chủ lực để thay đổi Hà Giang

Trong các trụ cột của chính sách xã hội, Hà Giang cần tập trung vào chính sách giáo dục, xem đây là chìa khóa giải quyết nhiều điểm nghẽn phát triển khác, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Bản sắc văn hóa của các dân tộc Hà Giang là nguồn gen quý cho bản đồ gen văn hóa của Việt Nam

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Bản sắc văn hóa của các dân tộc Hà Giang là nguồn gen quý cho bản đồ gen văn hóa của Việt Nam

Sáng 8/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hà Giang, 30 năm tái lập Tỉnh và 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Giang

Vượt khó đi lên, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng chứng kiến sự phát triển và đổi thay của Hà Giang, nhất là kể từ khi tái lập tỉnh 30 năm trước. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc Hà Giang đã kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, chống lại các thế lực ngoại xâm. Không chỉ có nhân tai, đồng bào các dân tộc Hà Giang còn phải chiến đấu với sự khắc nghiệt của thiên tai, song như Bác Hồ đã từng dạy, "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Chủ tịch nước cho rằng, lịch sử 130 năm tỉnh Hà Giang đã tô vẽ thêm tinh thần yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, đó là minh chứng cho ý chí sắt đá của những người con sống nghìn đời trên Cao nguyên đá Hà Giang (Đồng Văn) – một kiến tạo địa chất đặc biệt của đất mẹ.

Với tinh thần 'khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba', Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó đi lên và đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Dù nền tảng và động lực tăng trưởng kinh tế chưa mạnh nhưng kinh tế tỉnh Hà Giang vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năng suất lao động tăng lên, hiệu quả sản xuất cải thiện, việc làm chính thức được mở ra ngày càng nhiều, thu nhập của người dân ngày càng cao, các nền tảng của kinh tế thị trường được định hình ngày càng rõ nét, đúng với định hướng XHCN.

Cùng với kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đạt được nhiều tiến bộ; nhiều hủ tục được bài trừ; giáo dục, y tế và chính sách phúc lợi cho nhân dân được tăng cường, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững. Đó không chỉ là giảm nghèo về thu nhập mà còn là giảm nghèo về tri thức, văn hóa tinh thần.

Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của COVID-19 vừa qua, đảng bộ chính quyền đã thực hiện tốt quan điểm 'không để ai bị bỏ lại phía sau của sự phát triển', củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng và củng cố vững mạnh.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, biểu dương và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang qua các thế hệ với những thành quả ý nghĩa đã đạt được.

Cách đây 60 năm, trong chuyến thăm 2 ngày đến Hà Giang, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Trước hết, tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay là nhỏ đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà", "Đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm, cơm no".

Chủ tịch nước nhìn nhận, lời dặn đó đã thấm nhuần trong tư tưởng không chỉ với các bậc lãnh đạo tiền bối của tỉnh Hà Giang lúc bấy giờ mà còn thể hiện qua nhận thức và hành động của các thế hệ lãnh đạo thời nay. Mục tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 đặt ra rất ý nghĩa. Đó là xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước.

Tập trung 6 nội dung

Cho rằng thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có những thời cơ, Chủ tịch nước đề nghị:

Một là, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân và trong các dân tộc anh em; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan ngang tầm nhiệm vụ; nâng cấp trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Muốn có được một nền kinh tế phát triển thì trước hết năng lực của đội ngũ cán bộ công chức phải nâng lên.

Hai là, đối với một tỉnh có điều kiện đặc thù như Hà Giang thì chính sách xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, tỉnh cần phải có những chính sách an sinh, thực hiện chính sách giảm nghèo, tăng cường đầu tư cho giáo dục, chăm sóc y tế, cung cấp phúc lợi cho người dân thật tốt. Các nguyên tắc cung cấp phúc lợi của Hà Giang không giống như các tỉnh/thành phát triển như TPHCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Đồng Nai. Thay vào đó, cần thiết kế những chính sách đặc thù, vừa mang tính trợ cấp, vừa hỗ trợ, vừa nâng đỡ, thúc đẩy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên của người dân, nhưng Nhà nước sẽ không bỏ rơi người yếu thế. Trong các trụ cột của chính sách xã hội, cần tập trung vào chính sách giáo dục, xem đây là chìa khóa giải quyết nhiều điểm nghẽn phát triển khác. Chính quyền và ngành giáo dục phải ra sức làm thay đổi căn bản trong chất lượng giáo dục, chú trọng việc xây dựng đội ngũ nhà giáo có tri thức và có tấm lòng. Giáo dục sẽ là đầu tàu kéo kinh tế và xã hội tăng tốc ổn định. Giáo dục là mũi tiến công chủ lực để thay đổi Hà Giang, giúp người dân tiếp cận tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nâng cao năng lực tự học hỏi, phát huy hiệu quả nhất tinh thần tự lực, tự cường.

Ba là, tiếp tục tìm kiếm mô hình và động lực tăng trưởng kinh tế mới trên cơ sở phát huy các tiềm năng và lợi thế riêng có; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; huy động các nguồn lực đầu tư của tư nhân dưới sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành trung ương; phát huy vai trò, sự lan tỏa và hiệu quả của các dự án đầu tư công. Ưu tiên nguồn ngân sách hạn chế được hỗ trợ của trung ương cho đầu tư cơ sở hạ tầng lõi; lựa chọn hỗ trợ đầu tư có trọng tâm đối với một số ngành có lợi thế, nhất là du lịch, một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và dược liệu gắn với chế biến sâu tại chỗ nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Triển khai thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số và thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Phấn đấu “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”.

Bốn là, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện; tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh biên giới, an ninh phi truyền thống, an ninh chính trị nội bộ. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Năm là, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng mỗi dự án, mỗi chính sách kinh tế phải đánh giá một cách nghiêm túc tác động tới môi trường, môi sinh. Giữ rừng và trồng rừng, tham gia chương trình trồng 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ trước đã phát động. Nghiên cứu và đưa vào trồng những loại cây thích ứng với sự biến đổi của thời tiết, khí hậu. Thay đổi thói quen tiêu dùng, chuyển từ đồ nhựa dùng 1 lần sang các loại vật liệu thân thiện với môi trường, tiến tới nói không với bao bì dùng 1 lần gây ô nhiễm. Chúng ta phải làm điều này để con cháu nhiều đời sau có đất để ở, có nước để uống, có cá để ăn.

Sáu là bảo tồn và phát huy những giá trị và chuẩn mực văn hóa của các dân tộc tỉnh nhà. Hà Giang là một tỉnh đa dạng về văn hóa. Bản sắc văn hóa của các dân tộc Hà Giang là nguồn gen quý cho bản đồ gen văn hóa đa sắc màu của Việt Nam. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch của Hà Giang và của nước ta. Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển và cũng là nguồn lưc để phát triển. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua rằng: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Chủ tịch nước nêu rõ, chúng ta tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc. Nếu một dân tộc không giữ được những gì đặc sắc văn hóa của mình, coi như dân tộc ấy đã bị cuốn đi trong toàn cầu hóa và kinh tế thị trường, “hợp lưu” vào dòng chảy văn hóa khác, và có thể bị lãng quên.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, lịch sử 130 năm thành lập, tinh thần đoàn kết, yêu nước và cần cù, vượt khó đi lên, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc và hùng cường.

Ngọc Mai

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/chu-tich-nuoc-giao-duc-la-mui-tien-cong-chu-luc-de-thay-doi-ha-giang-200468.html