Một vòng phố cổ vùng cao!

Nói đến vùng cao thì đầu tiên và chủ yếu là nói đến phong cảnh điệp trùng, hùng vĩ với sông sâu, núi cao, thác ghềnh... Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì e rằng chưa đủ... Chỉ xét riêng về phố cổ, nhà cổ vùng cao thôi cũng cho chúng ta thấy vô vàn những điều độc đáo.

Một đoạn phố cổ Co Sầu (Trùng Khánh, Cao Bằng)

Một đoạn phố cổ Co Sầu (Trùng Khánh, Cao Bằng)

Bức tranh chung nhà cổ, phố cổ vùng cao...

Trong những năm gần đây, đi vùng cao Tây Bắc hay Đông Bắc, chúng ta khó tìm được những dãy phố cổ hoặc những bản làng vùng cao còn thực sự nguyên bản.

Trước đây, ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao được xây dựng bằng vật liệu hoàn toàn tự nhiên, cột, xà dầm, vì kèo, sàn được làm bằng gỗ. Tường nhà được trình bằng đất, xây bằng đá hoặc thưng ván gỗ, mái lợp bằng rơm rạ, cỏ, gỗ pơ mu hay ngói lòng máng...

Ngày nay, nói chung là khá hiếm những công trình kiến trúc còn nguyên bản như thế... Cách đây, chỉ trên chục năm thôi, nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý vẫn còn nguyên bản. Tường được trình bằng đất, mái lợp rơm rạ hoặc cỏ tranh. Những ngôi nhà hình chữ nhật, tường đất, mái tranh nhọn hình kim tự tháp phủ rêu phong ở các thôn bản như Lao Chải, Choản Thẻn... luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt...

Rồi còn nhiều nơi nữa như các bản quanh thị trấn Sa Pa (Lào Cai), quanh thị trấn Sìn Hồ (Lai Châu), hay như Tà Xùa, Háng Đồng, Hang Chú, Hồng Ngài (Bắc Yên, Sơn La)... đều có rất nhiều những ngôi nhà cổ mang đậm dấu ấn về văn hóa, kiến trúc của đồng bào các dân tộc thiểu số... Cao nguyên đá Hà Giang cũng là vùng có nhiều nhà cổ của người Mông, người Lô Lô, người Hoa... còn nguyên bản.

Một ngôi nhà cổ bản Lao Xa (Sủng Là, Đồng Văn) còn khá nguyên bản

Không chỉ nhà cổ rải rác trong các bản làng mà các khu phố cổ cũng tạo nên dấu ấn đặc biệt về cảnh quan và kiến trúc của vùng cao. Đến Trùng Khánh (Cao Bằng) đa phần du khách chỉ biết đến thác Bản Giốc, ít người biết và khám phá những dãy phố cổ trong cái thị trấn biên viễn nhỏ xinh này.

Trải qua năm tháng với bao thăng trầm, biến cố, thật may mắn là thị trấn Trùng Khánh vẫn gìn giữ được khá nhiều nhà cổ trên mặt phố. Đó là nét đẹp mang màu sắc cổ kính không dễ gì đánh đổi được. Các gia đình sở hữu những ngôi nhà cổ này đã ý thức được việc giữ gìn. Nếu buộc phải cải tạo, họ chỉ nâng nhà sau, còn ngôi nhà sát mặt phố vẫn được giữ nguyên cấu trúc, vẫn là tường đá, trát vữa, quét vôi, trầm mặc rêu phong mưa nắng...

Tạm biệt Cao Bằng, hành trình qua Bảo Lạc, Bảo Lâm, sang Cao nguyên đá Hà Giang chúng ta sẽ bắt gặp một khu phố cổ rất nổi tiếng, đó là phố cổ Đồng Văn nằm ngay trung tâm thị trấn. Có lẽ cái độc đáo nhất của phố cổ Đồng Văn là phố cổ nằm sát bên chợ cổ...

Gian nan bảo tồn nhà cổ, phố cổ...

Bảo tồn phố cổ ở hầu hết các tỉnh vùng cao đều gặp vô vàn khó khăn. Nhiều năm trở lại đây, sự phát triển của kinh tế thị trường đã làm thay đổi rõ nét và nhanh chóng diện mạo vùng cao. Nhà sàn, nhà trình tường hay nhà vách gỗ cổ của đồng bào vùng cao dần được thay thế bằng những ngôi nhà xây kiên cố, thậm chí hiện đại, vài ba tầng. Ở mức độ thay đổi ít hơn thì nhà vẫn là nhà trình tường bằng đất, nhưng mái đã được lợp bằng tôn xanh tôn đỏ hoặc tấm lợp fibro xi măng...

Có nhà chỉ trừ lại khung nhà bằng gỗ còn tường được xây bằng gạch xỉ... Chúng tôi từng chứng kiến, chỉ trong vài ba năm mà những ngôi nhà lợp mái gỗ pơ mu có tuổi đời 60 -70 năm của người Mông bản Phình Hồ, xã Hang Chú (Bắc Yên, Sơn La) nhanh chóng chuyển sang mái tôn hoặc fibro xi măng...

Hỏi dân, mái gỗ đẹp thế, quý thế, sao lại thay? Họ trả lời rằng: Mái gỗ lợp lâu rồi, nó cong vênh, nắng thì xiên, mưa thì dột. Hoặc người Hà Nhì ở Y Tý lý giải việc họ thay mái cỏ tranh bằng fibro xi măng, rằng: Mái cỏ thì mát đấy, có điều, một vài năm nó hỏng, lợp lại tốn rất nhiều thời gian và công sức, thay bằng tôn hay fibro xi măng bền hơn...

Phố cổ Phó Bảng giờ nhà cổ xen lẫn nhà hiện đại

Các dãy phố cổ ở Co Sầu hay Phó Bảng giờ đây cũng không còn thuần chất kiến trúc cổ nữa... Nhiều khi, vài ba nhà liền nhau trên mặt phố lại có 1 nhà dỡ nhà cũ xây nhà mới hiện đại... May chăng, chỉ có phố cổ Đồng Văn là được bảo tồn khá nguyên vẹn... Tuy nhiên, về phần chợ cổ thì từ năm 2006, đã chia thành từng gian cho thuê kinh doanh quán nhậu, quán cà phê... Như vậy, chợ cổ đã không còn mang hơi thở cuộc sống, không còn sắc màu và sự nhộn nhịp đặc trưng của chợ phiên vùng cao...

Có thể khẳng định rằng, việc bảo tồn nhà cổ, phố cổ vùng cao ngày càng khó khăn. Với sự bào mòn của thời gian mưa nắng, nhà cổ trên các phố bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi các chính sách bảo tồn chưa được thực hiện đồng bộ, nguồn kinh phí cần thiết cho công tác hỗ trợ bảo tồn chẳng đáng là bao. Người dân - chủ nhân của những ngôi nhà cổ đó thì không thể hàng ngày vẫn phải sống và sinh hoạt trong những ngôi nhà xuống cấp trầm trọng được. Họ phải cải tạo, thậm chí phá dỡ những ngôi nhà cũ để xây mới, đáp ứng nhu cầu ăn ở sinh hoạt của gia đình...

Ở một số quốc gia có điều kiện kinh tế, có nguồn ngân quỹ lớn cho công tác bảo tồn, họ tiến hành xây dựng những khu nhà ở mới cách khu bảo tồn không xa. Mỗi gia đình có nhà cổ sẽ được nhận miễn phí một căn hộ hiện đại gần đó với điều kiện, hàng ngày họ vẫn phải đến ngôi nhà cổ để buôn bán hoặc sản xuất các đồ thủ công, mỹ nghệ như họ vẫn làm khi còn ở đây... Do vậy, họ đã giữ nguyên trạng được những làng cổ, những phố cổ cho đến tận bây giờ. Với Việt Nam, bây giờ đã là quá muộn, song nếu không bắt tay vào làm một cách đồng bộ và quyết liệt thì e rằng chỉ dăm năm nữa thôi, nhà cổ, phố cổ vùng cao sẽ mai một hết...!

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/mot-vong-pho-co-vung-cao-3944076-b.html