Một vụ kiện qua 6 phiên tòa, người dân vẫn phải mòn mỏi trông chờ

Ông Nguyễn Văn Của (SN 1955, ngụ KP.Ông Nhiêu, P.Long Trường, quận 9, TPHCM) là nguyên đơn, khởi kiện các ông, bà: Châu Hồng Hoàng (SN 1961, ngụ KP.4, P.Phước Long A, quận 9), Châu Thị Hồng (SN 1958, ngụ KP.1, P.Phước Long A, quận 9), Châu Thị Nga (SN 1971, ngụ KP.Ông Nhiêu, P.Long Trường, quận 9), Châu Hồng Mùi (SN 1969, ngụ KP.Ông Nhiêu, P.Long Trường, quận 9); yêu cầu 4 người trên trả lại ông Của hơn 1.000 m2 đất tại KP.Ông Nhiêu, P.Long Trường, quận 9.

Ông Nguyễn Văn Của là con của cụ Nguyễn Văn Lung, cụ Lung là chồng cụ Thạch Thị Lài (không đăng ký kết hôn), cụ Lài về sống với cụ Lung từ những năm sau giải phóng, hai người không có con chung. Cụ Lài có các con riêng gồm: ông Châu Hồng Hoàng, bà Châu Thị Hồng, bà Châu Thị Nga và ông Châu Hồng Mùi.

Theo đơn khởi kiện năm 2007 của ông Của, ông đang sử dụng phần đất nông nghiệp diện tích 1195 m2 (thuộc thửa 405 và một phần các thửa: 403, 404, 444 và 445, tờ bản đồ số 12, tọa lạc lại KP.Ông Nhiêu, P.Long Trường, quận 9).

Nguồn gốc đất trên do cha ruột là cụ Lung đứng tên địa bộ, ông Của canh tác từ 1975 đến nay theo giấy cho đất vào năm 1999. Ông Của cũng đã đăng ký phần đất trên với chính quyền địa phương vào năm 1993 và 1999.

Năm 1999, ông Của phát hiện khu đất này đã được UBND quận 9 cấp giấy chứng nhận cho hộ cụ Thạch Thị Lài gồm một phần các thửa: 403, 404, 445 và trọn thửa 405 tờ bản đồ số 12, còn một phần thửa 444 nằm ngoài giấy chứng nhận của cụ Lài.

Ông Của khiếu nại việc quận 9 cấp sổ đỏ cho hộ cụ Lài các thửa đất trên. Tại các buổi hòa giải ngày 26-2-2002 và 2-1-2003 tại UBND P.Long Trường, cụ Lài đồng ý trả cho ông Của các thửa đất này, nhưng sau đó cụ Lài thay đổi ý kiến. Hiện cụ Lài đã qua đời. Vì vậy ông Của kiện yêu cầu các con của cụ Lài là Hoàng, Hồng, Nga, Mùi phải trả cho ông 1195 m2 đất trên.

Ông Nguyễn Văn Của trên phần đất đang tranh chấp

Ông Nguyễn Văn Của trên phần đất đang tranh chấp

Các ông, bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi trình bày, các thửa đất tranh chấp có nguồn gốc của cụ Lung, nhưng vào năm 1978 – 1979 toàn bộ phần đất của cụ Lung được đưa vào tập đoàn sản xuất. Sau đó tập đoàn cấp lại cho cụ Lài canh tác, đến năm 1994 thì kê khai đăng ký theo Chỉ thị 02/CT-UB và đến năm 1998 thì được cấp sổ đỏ tổng diện tích 2188m2 (gồm cả nhà ở). Các ông, bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi không đồng ý trả lại đất cho ông Của vì đây là đất nông nghiệp cấp cho hộ gia đình chứ không cấp riêng cho cụ Lài.

Trong khi đó nhiều nhân chứng cho biết, khu đất đang tranh chấp là đất có nguồn gốc của cụ Lung, sau giải phóng được đưa vào tập đoàn sản xuất; nhưng cũng có nhân chứng cho rằng do khu đất này là đất gò, không canh tác được nên không đưa vào tập đoàn, mà giao cho ông Của làm kinh tế phụ gia đình…

Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 30-12-2011, TAND quận 9 tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Của, buộc các ông/bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi trả lại 1115,3 m2 đất nông nghiệp cho ông Của.

Sau đó các ông/bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi kháng cáo. Bản án phúc thẩm ngày 6-12-2012 của TAND TPHCM quyết định: chấp nhận yêu cầu kháng cáo của các ông/bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi; không chấp nhận yêu cầu đòi đất của ông Của.

Sau đó ông Của có đơn xin xem xét giám đốc thẩm. Tại quyết định kháng nghị số 468/2013/KN-DS ngày 3-10-2013, Chánh án TAND tối cao cũng đã kháng nghị bản án phúc thẩm trên của TAND TPHCM, đề nghị Tòa dân sự - TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm này và bản án sơ thẩm của TAND quận 9, giao hồ sơ cho TAND quận 9 xét xử lại.

Sau đó, tại quyết định giám đốc thẩm số 81/2014/DS-GĐT ngày 4-3-2014, Hội đồng Giám đốc thẩm Tòa dân sự - TAND tối cao đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm trên, giao hồ sơ cho TAND quận 9 xét xử sơ thẩm lại.

Ông Của đang mòn mỏi trông chờ tòa án sớm xét xử lại vụ việc

Tiếp nhận hồ sơ, ngày 31-7-2015, TAND quận 9 mở phiên xét xử sơ thẩm (lần 2) và tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn Nguyễn Văn Của (giống như sơ thẩm lần 1), công nhận 1098,5 m2 cho ông Của, buộc các ông/bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi giao trả đất cho ông Của.

Các ông/bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi kháng cáo. Viện KSND quận 9 cũng có kháng nghị bản án này.

Ngày 31-12-2015, TAND TPHCM mở phiên xét xử phúc thẩm (lần 2), tuyên không chấp chận yêu cầu kháng cáo của các ông/bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi và không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND quận 9, công nhận quyền sử dụng đất cho ông Của đối với diện tích 1098,5 m2 đất trên.

Sau phiên xét xử phúc thẩm này, các ông/bà Hoàng, Hồng, Nga, Mùi có đơn xin xém xét giám đốc thẩm. Sau đó Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM có kháng nghị lên Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM đề nghị hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm (lần 2), giao hồ sơ về cho TAND quận 9 xét xử lại.

Tại quyết định giám đốc thẩm số 253/2016/DS-GDT ngày 29-9-2016, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM, xét thấy lời khai các bên, nhân chứng còn một số mâu thuẫn, các cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa làm rõ một số vấn đề như phần đất cụ Lung cho ông Của diện tích bao nhiêu, tứ cận thế nào? Phần đất tranh chấp này (có nguồn gốc của cụ Lung) có được đưa vào tập đoàn sản xuất không (vì lời khai các nhân chứng còn một số mâu thuẫn)… nên đã quyết định hủy bản án sơ thẩm (lần 2) của TAND quận 9 và phúc thẩm (lần 2) của TAND TPHCM, giao hồ chơ cho TAND quận 9 xét xử lại.

Từ đó, ông Của chờ mãi vẫn chưa thấy TAND quận 9 đưa vụ việc ra xét xử. Đến tháng 11-2018, ông Của được tin TAND quận 9 đã chuyển hồ sơ vụ việc lên TAND TPHCM giải quyết theo thẩm quuyền, vì trong đơn khởi kiện ông Của có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BR 569844, do UBND quận 9 cấp ngày 24-1-2014. Thế nhưng cũng đã hơn một năm rưỡi qua từ khi TAND quận 9 chuyển hồ sơ lên TAND TPHCM, đến nay vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử theo đơn khởi kiện của nguyên đơn.

Ông Của cho biết: “Vụ tranh chấp đã kéo dài mười mấy năm rồi, qua 6 cấp tòa xét xử, vậy mà vẫn bị trả hồ sơ xét xử sơ thẩm lại từ đầu. Tôi đã mòn mỏi mong chờ, nhưng gần 4 năm qua kể từ khi có quyết định giám đốc thẩm lần 2, đến nay tôi vẫn chưa nhận được quyết định đưa vụ việc ra xét xử lại. Tôi đã quá mệt mỏi, rất mong các cấp tòa án quan tâm, sớm đưa vụ việc ra xét xử công tâm, đúng pháp luật, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân”.

Nguyễn Tấn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mot-vu-kien-qua-6-phien-toa-nguoi-dan-van-phai-mon-moi-trong-cho_96748.html