MSCI tăng tỷ trọng tại Việt Nam - Nhiều cuộc họp ĐHĐCĐ quan trọng

Thị trường Việt Nam đang được chú ý bởi các dòng vốn lớn của các quỹ do đang là ứng cử viên tiềm năng của quá trình nâng hạn.

Câu hỏi gần đây được đưa ra nhiều nhất là “Vì sao thị trường khỏe thế?” – Giá trị giao dịch, điểm số đều tăng với mức độ tham gia cao hơn của nhà đầu tư nước ngoài vào những cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, PLX, SSI. Điều này cho thấy đây không phải là câu chuyện lựa chọn cổ phiếu thuần túy theo các phương pháp thông thường như: top-down, stock picking… mà liên quan đến chuyển động của toàn thị trường.

Chính phủ Việt Nam sau khi lựa chọn các tiêu chuẩn phân hạn thị trường của 3 nhà cung cấp chỉ số lớn là S&P, FTSE, MSCI đã lựa chọn cách phân loại thị trường của MSCI là đích đến cho Việt Nam. Hiện nay, cơ quan quản lý TTCK đang làm việc cùng với các chuyên gia của MSCI để giúp thị trường Việt Nam tiếp cận được các tiêu chuẩn phân loại của tổ chức này.

MSCI thông báo chỉ số MSCI Frontier Market bị xáo trộn trong kỳ xem xét tháng 5/2017 bởi sự kiện thị trường Pakistan nâng hạn từ Thị trường cận biên (FM) lên Thị trường mới nổi (EM) do MSCI FM phải loại 16 cổ phiếu trong MSCI FM Index và thêm vào 4 cổ phiếu mới của Argentina, Bahrain, Croatia và Mauritius. Đây là những bước phát triển tích cực tiếp theo cho thị trường Việt Nam theo cách phân hạn thị trường của MSCI.

Chỉ số đại diện cho MSCI FM là MSCI FM 100 Index (MSCI FM 100). Quỹ Blackrock’ IShares MSCI Frontier 100 ETF hiện đang quản lý tổng tài sản 601,7 triệu USD (theo số liệu ngày 15/5/2017) đang sử dụng chỉ số MSCI FM 100 làm cơ sở. Hiện tại, tỷ trọng thị trường Việt Nam trong ETF này đứng thứ 4, chiếm 7,42% sau Parkistan (trước khi nâng hạn) là 11,4% đứng thứ 3. Hai thị trường đứng đầu là Argentina và Kuwait đang đứng trước ngưỡng 20% thì Việt Nam đang có cơ hội gia tăng tỷ trọng trong Index này.

Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ có thêm cổ phiếu đạt được tiêu chuẩn vào chỉ số này ngoài các cổ phiếu đang có trong MSCI FM100 là VNM, VIC, MSN, HPG, VCB, STB.

Trong công bố lúc 9h sáng ngày 22/5 theo giờ Hongkong, MSCI FM 100 Index đã nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 12,63% so với 8% trước quyết định này. Có đến 9 cổ phiếu được thêm vào với tỷ trọng lần lượt là: ROS (0,83% - 730.000cp); HSG (0,23% - 650.000cp); TCH (0,19% - 1,22trcp); KBC (0,19%-1,59trcp); NVL (0,68%-1,36trcp); DPM (0,2%-1,19trcp); PVS (0,18%-1,46trcp); SAB (0,3% - 220.000cp); SSI (0,41% - 2,15trcp) ( số liệu ước tính tương đối so với thị giá hiện tại)

Tổng số tiền MSCI FM 100 phân bổ vào Việt Nam sẽ tăng thêm khoản 27,7 triệu USD ( tăng từ 48 triệu USD lên 75,8 triệu USD), thực hiện trong 4 giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8/2017 với khối lượng phân bổ từng tháng lần lượt là 40%, 20%, 20% và 20%.

Kỳ xem xét lớn tiếp theo nâng hạn thị trường hằng năm MSCI 2017 Annual Classification Review vào giữa tháng 6 có nhiều khả năng Argentina ( hiện đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong FM 100 Index) sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) trong khi Nigeria đang đứng thứ 8 sẽ bị loại khỏi chỉ số này.

Nếu dự báo này là đúng cùng với nhiều công ty vốn hóa lớn niêm yết như PLX, VPBank, Techcombank thị trường Việt Nam có nhiều khả năng được tiếp cận với những tiêu chuẩn của thị trường mới nổi (EM). Thị trường được dự báo sẽ nâng hạn tiếp theo là Saudi Arabia hay điều bất ngờ hơn nếu là thị trường Việt Nam trong năm nay?

Đây chính là dấu hiệu cho thấy thị trường Việt Nam đang được chú ý bởi các dòng vốn lớn của các quỹ do đang là ứng cử viên tiềm năng của quá trình nâng hạn này. Thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm dựa trên chủ đề lớn nhất là nâng hạn thị trường trong 1 năm tới, do vậy, nhóm 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong đó những cổ phiếu còn room cho nhà đầu tư nước ngoài cần được chú ý:

MBB – Ngân hàng đang được định giá lại bởi thị trường – Giá mục tiêu 26.600

Các nhà phân tích tại SSI vừa cập nhật ước tính thay đổi lợi nhuận tích cực thêm 9,2% của MBB trong năm 2017 so với lần báo cáo gần nhất: lợi nhuận đạt 4.637 tỷ, tăng 27% cùng kỳ. Thay đổi lớn nhất là do ước tính trích trước dự phòng là 2.156 tỷ, giảm 11,6% so với lần ước tính gần nhất là 2.439 tỷ. Đồng thời, MBB cũng ghi nhận gần 1.000 tỷ hoàn nhập dự phòng từ trái phiếu của VAMC trong năm 2016, cao hơn con số ước tính là 666,8 tỷ.

Tại mức giá hiện tại 18.300, MBB đang giao dịch tại P/E 2017 9,3 lần và P/B 2017 1,2 lần. Với triển vọng sau khi hoàn nhập toàn bộ trái phiếu VAMC trong giữa năm 2018, MBB sẽ có danh mục tài sản chất lượng hơn nhờ chiến lược phát triển theo ngân hàng lẻ, chỉ số NIM đang cải thiện từ 3,41% (quý 2/2016) lên 4,10% (quý 1/2017) cùng lúc với chỉ số ROE 2017 và ROE 2018 lần lượt ước tính là 14% - 16% so với trung bình 12% trog năm 2015 – 2016. Các ngân hàng khác đang có chỉ số ROE năm 2017 và 2018 lần lượt là VCB 16%-18%; ACB 12%-18%; Techcombank 19%-22%.

Điểm chú ý khác là giá cổ phiếu OTC của các ngân hàng cùng ngành là Techcombank đang là 32-34.000đ/cp, VPBank 34-36.000đ/cp.

VPBank đang thực hiện roadshows chào bán tại Singapore, Hong Kong, Thái Lan và Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2/6-13/6 theo phương pháp dựng sổ ( book building). Dự kiến hoàn tất vào ngày 27/6 và niêm yết đầu tháng 9 năm nay. VPBank thuộc nhóm ngân hàng và tài chính tiêu dùng, số lượng chào bán 200 triệu USD với vốn hóa dự kiến 2 tỷ USD. ROE/ROA gần nhất là 26%/1,9%.

Một công ty chứng khoán chuyên về hoạt động ngân hàng đầu tư là chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng sẽ thực hiện chào bán cho các nhà đầu tư tổ chức với quy mô dự kiến là 20 triệu USD, vốn hóa ước tính 220 triệu USD, với ROE 34% ( số liệu từ VCSC). Thời gian thực hiện từ 22/5-15/6, niêm yết đầu tháng 8/2017. Giá ước tính khớp lệnh quanh 46.000 - 50.000đ/cp.

Như vậy, ngành tài chính bao gồm ngân hàng và chứng khoán đang có những thương vụ chào bán “ngầm” mà nhà đầu tư thông thường khó tiếp cận được. Theo tâm lý, thị trường sẽ định giá lại các cổ phiếu dẫn đầu ngành đang niêm yết như MBB (giá mục tiêu 26.600), BID, CTG hay SSI ( giá mục tiêu 29.100)

Hướng đến những ĐHCĐ quan trọng trong tuần này (22-26/5/2017): BHS, SBT, GMD

SBT (25/5) và BHS (26/5): Hai công ty lớn nhất ngành đường dự kiến thực hiện thương vụ Hợp nhất trong năm nay bằng cách xin ý kiến cổ đông tại ĐHCĐ bất thường cuối tháng này với các nội dung sau:

- SBT sẽ phát hành thêm 303,8 triệu cổ phiếu đổi lấy số lượng cổ phiếu BHS tương ứng đang lưu hành.

- Cổ đông sở hữu 1 BHS lấy được 1,02 cổ phiếu SBT dựa trên kết quả định giá BHS 21.356 và SBT là 20.944. Đây được gọi là thương vụ hợp nhất (Consolidate) ( khác với M&A)

- Công ty sau sát nhập SBT sẽ có vốn điều lệ 5.570 tỷ.

- Thời gian thực hiện trong vòng 90 ngày sau khi được ĐHCĐ thông qua và UBCK chấp thuận.

Hiện tại, SBT đang giao dịch tại P/E khá cao 19,9 lần trong khi BHS đang giao dịch tại P/E hợp lý hơn là 11,2. Cần lưu ý thêm là P/E của ngành đường Thái Lan đang giao dịch tại P/E 22,x

GMD (26/5) với nội dung chính công bố việc thoái vốn tại những ngành nghề không cốt lõi tại các công ty con đang chiếm chi phối để thu về dòng tiền tập trung vào mảng kinh doanh chính là cảng biển và Logistic. GMD dự định thoái vốn tại các mảng sau:

- Công ty cao su: bán từ 51-100% vốn. GMD đã đầu tư 1.562 tỷ vào tổng diện tích đất là 28.138ha trong đó 10.000ha cao su bắt đầu khai thác.

- Liên doanh Cảng Hoa Sen – Gemadept: bán 51% vốn. GMD 51%, HSG 45%, vốn điều lệ 140 tỷ đầu tư xây dựng cảng Vũng Tàu với công suất 350.000 TEUs, diện tích 55 ha, cầu cảng dài 300m với sức chứa cầu 70.000 DWT.

- Cảng Cái Mép Gemalink: bán 25% vốn. GMD đang chiếm 70%, CMA-CMG chiếm 25%, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

- Công ty TNHH Vận tải biển: bán 51% vốn ( GMD đang chiếm 100%)

- Công ty TNHH Logistic Gemadept Holding: bán 51% vốn. GMD đang chiếm 100% vốn điều lệ 200 tỷ. Công ty này trong năm 2016 ước tính đã đóng góp 32% doanh thu cho GMD tương đương 1.185 tỷ, và 65 tỷ lợi nhuận chiếm 15% lợi nhuận sau thuế của GMD. Thu nhập trên mỗi cổ phần của công ty này ước tính 3.255đ/cp

- Bán toàn bộ 15% còn lại trong CJ Vietnam Limited đang sở hữu 15% Gemadept Tower: Năm 2014, GMD đã thực hiện bán 85% cổ phần tại đây thu về lợi nhuận trước thuế 617 tỷ. Giá trị 15% còn lại trong liên doanh này ước tính có giá trị trước thuế 127 tỷ, tương đương 102 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Giá trị bán và đối tác mua chưa được tiết lộ nên những thông tin trong ngày ĐHCĐ này là rất quan trọng với những cổ đông hiện hữu/ tiềm năng.

Chuỗi bài “Góc nhìn môi giới” được thực hiện bởi ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 tại Hội Sở CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI. Các bài viết của ông Thạch sẽ xoay quanh các chủ đề nóng của thị trường và các vấn đề nhà đầu tư quan tâm.

Các nội dung trong bài viết là quan điểm cá nhân và chỉ mang ý nghĩa tham khảo, chúng tôi không chịu trách nhiệm với các quyết định mua bán của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cần thêm thông tin hoặc trao đổi có thể liên hệ thachnn@ssi.com.vn.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/goc-nhin-moi-gioi-msci-tang-ty-trong-tai-viet-nam-nhieu-cuoc-hop-dhdcd-quan-trong-20170524095040467p4c146.news