Mù Cang Chải chú trọng công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững

Những năm qua, công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành địa phương với phương châm coi rừng là một trong các tài nguyên quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch bền vững.

 Rừng là một trong các nguồn tài nguyên quan trọng để Mù Cang Chải đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch theo hướng bền vững. Ảnh: Văn Dũng

Rừng là một trong các nguồn tài nguyên quan trọng để Mù Cang Chải đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch theo hướng bền vững. Ảnh: Văn Dũng

Giữ vững những cánh rừng xanh nơi vùng cao

Mù Cang Chải là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn lên tới trên 98.626 ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 80.435 ha, diện tích rừng trồng 20.256 ha… nên việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được đặc biệt chú trọng. Qua đó, góp phần bảo vệ và phát triển tốt diện tích rừng hiện có, mỗi năm trồng mới hàng nghìn ha rừng, giữ ổn định và không ngừng tăng độ che phủ rừng cho toàn huyện; ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân đã nâng lên, nhiều mô hình nông lâm nghiệp được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Nơi đây còn có Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, là sinh cảnh sống của loài Vượn đen tuyền - một trong những loài linh trưởng quý hiếm trong sách đỏ…

Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu khô hanh tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, huyện Mù Cang Chải luôn chủ động các phương án phòng chống, ứng phó, nhằm hạn chế mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường các hoạt động bảo vệ tài nguyên rừng, đảm bảo độ che phủ rừng trên địa bàn. Ngoài xử lý nghiêm các vi phạm lâm luật, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra, kiểm soát, bố trí lực lượng chốt trạm ở các cửa rừng và trực 24/24 giờ để kiểm soát người ra vào rừng, tuần tra kiểm tra ở các khu vực trọng điểm cháy rừng, bảo đảm sẵn sàng chữa cháy trong mọi thời điểm.

Đồng thời, Hạt kiểm lâm cũng đã phối hợp với Đài truyền thanh – truyền hình huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ và phát triển rừng… Ngoài ra còn sử dụng pa-nô, áp phích, kẻ vẽ các khẩu hiệu tuyên truyền trực quan về công tác này, góp phần nâng cao nhận thức và nghiệp vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho các tầng lớp nhân dân… Tiếp đó, còn chỉ đạo các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng tổ chức kiện toàn 16 Ban Chỉ huy PCCCR tại 14 xã, thị trấn và chủ rừng với 426 thành viên; thành lập 99 tổ, đội xung kích bảo vệ rừng tại thôn, bản với 563 người tham gia. Tăng cường công tác tuần tra, bố trí lực lượng trực tại các điểm cao 24/24 giờ trong thời gian cao điểm.

Cùng với việc thành lập các tổ bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm, phối hợp với UBND huyện Mù Cang Chải còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao hiểu biết cho người dân; phối hợp với các xã đến từng khu dân cư ký cam kết bảo vệ và không xâm hại trái phép tài nguyên rừng. Song song với đó, Hạt kiểm lâm tổ chức hướng dẫn các chủ rừng về công tác vệ sinh, chăm sóc rừng trồng và thu dọn thực bì, các vật liệu dễ cháy ra khỏi phạm vi rừng. Kiểm tra, đôn đốc, vận động các hộ dân sống gần rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng…

Những năm qua, công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải được đặc biệt chú trọng. (Ảnh: Xuân Hiền)

Tổ chức ký cam kết với các đơn vị, chủ rừng, hộ nhận giao khoán đất trồng rừng và người dân sinh sống khu vực ven rừng. Tiến hành xử lý dứt điểm, kịp thời và nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đốt rừng làm nương rẫy nhằm tăng tính răn đe, giáo dục...

Thời gian qua, địa phương đã huy động nhân dân tu sửa 171,17 km đường băng cản lửa phân chia ranh giới giữa các bản, giữa các loại rừng, làm mới 27,9 km hệ thống đường ranh cản lửa trong rừng giao khoán bảo vệ. Tu sửa, làm mới hệ thống, bảng biểu phục công tác quản lý bảo vệ rừng với 22 bảng nội quy bảo vệ rừng; đồng thời huyện thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân có động lực và trách nhiệm trong bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR.

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng - Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải cho biết: "Chúng tôi thường xuyên sâu sát chỉ đạo kiểm lâm địa bàn trên toàn huyện tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, tổ bảo vệ rừng ở các thôn bản, tăng cường kiểm tra nắm bắt phát hiện sớm trường hợp vi phạm để ngăn chặn xử lý những tình huống mới chớm xảy ra, nhờ vậy ý thức của người dân vùng cao đã được nâng lên rõ rệt, không còn tình trạng chặt phá rừng bừa bãi, thay vào đó là tập trung trồng, chăm sóc, trồng mới và bảo vệ rừng".

Phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm từ rừng

Cùng với việc đẩy mạnh công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và PCCCR gắn với phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm với bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Mông, thời gian gần đây, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo các địa điểm du lịch, đáp ứng xu hướng du lịch sinh thái cộng đồng trải nghiệm rừng của du khách.

Một địa điểm quen thuộc khi đến Mù Cang Chải ngắm lúa chín phải kể đến đồi Mâm Xôi, xã La Pán Tẩn. Trước đây, cung đường hơn 2 km từ đường lớn lên đến đồi Mâm Xôi là đường đất nhỏ hẹp, trơn trượt mỗi khi trời mưa. Nhưng đến nay đã được thay thế bằng con đường bê-tông khang trang với tổng đầu tư 3,7 tỷ đồng.

Cán bộ, công chức cơ quan phụ trách hưởng ứng phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân" tham gia trồng rừng tại bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải). (Ảnh: Trần Chiến)

Huyện còn khuyến khích, vận động nhân dân trong xã xây dựng các khung cảnh đẹp từ thiên nhiên xung quanh địa điểm này như: trồng hoa, tạo hình lúa… nhằm tạo thêm nhiều điểm đến, thu hút khách du lịch. Các tổ, đội xe ôm chuyên nghiệp cũng được hình thành, tổ chức tập huấn trước mỗi mùa du lịch, phục vụ nhu cầu đi lại của du khách.

Rừng trúc ở bản Háng Sung, xã Mồ Dề cũng đang hút khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh bởi khung cảnh hùng vĩ được ví không kém phim cổ trang. Đầu mùa du lịch năm nay, huyện đã tổ chức khảo sát thực địa để có những định hướng quy hoạch, phát triển du lịch cho địa điểm mới này.

Từ đó, chính quyền địa phương và nhân dân đã tổ chức cải tạo, tu sửa đường vào rừng trúc, làm lan can bằng trúc, xây dựng chỗ để xe cho khách du lịch. Bản cũng đã nhanh chóng thành lập đội xe ôm phục vụ việc đi lại cho du khách với thái độ văn minh lịch sự, không tự ý nâng giá. Các cơ quan chức năng xây dựng biển chỉ dẫn lên rừng trúc để hướng dẫn du khách đến đây tham quan.

Trong những năm qua, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, đường điện và các điều kiện cần thiết khác để khai thác các điểm du lịch, đặc biệt là tại các xã có ruộng bậc thang dọc quốc lộ 32, đường đến các điểm du lịch sinh thái của các khu bảo tồn sinh cảnh kết hợp với du lịch văn hóa đồng bào Mông của các xã; lập dự án, đầu tư kéo điện lưới lên đèo Khau Phạ phục vụ cho phát triển du lịch; bổ sung một số trạm phát sóng tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch và dịch vụ; cải tạo và trồng mới hệ thống cây xanh dọc các trục quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn và trồng tập trung một số khu vực trong huyện phục vụ cho khách tham quan, du lịch.

Đến nay, huyện cũng khuyến khích thực hiện chủ trương xã hội hóa thực hiện mục tiêu phát triển du lịch như: mở rộng đường đến rừng trúc Mồ Dề, cải tạo đường khu vực rừng thông, thác Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình... Với cách đầu tư, cải tạo, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các địa điểm du lịch, lượng khách du lịch đến với Mù Cang Chải ngày càng tăng.

Đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, cho biết: "Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương, đặc biệt tiềm năng từ rừng đem lại trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi đang tiếp tục nâng cao các điều kiện để phát triển du lịch nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách, chứ không chỉ là trải nghiệm đơn thuần mà còn tham quan, khám phá, thưởng thức các sản vật địa phương bằng loại hình du lịch Homestay, tham gia sâu vào các chuối sự kiện văn hóa... Để đáp ứng nhu cầu đó, huyện đang tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả các địa điểm du lịch có tiềm năng, cảnh quan đẹp; đầu tư trọng tâm các địa bàn có nhiều rừng sinh thái nguyên sinh với phương châm khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của địa phương đi đôi với việc bảo tồn sinh thái tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững”./.

Trần Chiến – Xuân Hiền

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/mu-cang-chai-chu-trong-cong-tac-bao-ve-rung-gan-voi-phat-trien-kinh-te-du-lich-ben-vung-615356.html