Mua bán súng rồi ẩu đả, dù là súng giả cũng vi phạm pháp luật

Đối với hành vi mua bán vũ khí như súng ống thì cả người mua và người bán đều phạm tội, nhưng nếu là súng nhựa thì tội chưa hoàn thành.

Theo luật sư Phạm Thái Sơn, Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm”.

Trường hợp cụ thể, Nguyễn Chí C. (SN 1983) nhờ Trịnh Xuân H. (SN 1978) mua cho mình khẩu súng ngắn K59. Sau đó, H. đã liên lạc với Nguyễn Quốc T. (SN 1990) mua súng nhựa với giá 1 triệu đồng cho C. nhằm kiếm tiền chia nhau.

Đưa cho H. 10 triệu đồng để nhận hộp đựng súng, về nhà C. mới phát hiện là súng giả nên gọi điện đòi H. trả lại tiền. H. đã gọi cho T. để giải quyết nhưng không được.

Sau đó, C. gọi điện thoại trực tiếp cho T. hẹn gặp tại quán cà phê của Vũ Việt A. (SN 1983). Tại đây C. đã yêu cầu T. phải trả lại mình số tiền đã mua súng giả.

Vũ Việt A. sau khi biết Nguyễn Quốc T. bán súng giả nên đã tát và dùng điếu cày đánh vào đầu T. chảy máu.

A. còn dùng dao dí vào cổ yêu cầu T. phải trả C. số tiền đã mua súng.

Thấy T. chảy máu nên C. và A. bảo T. vào nhà tắm để rửa và mua bông băng về băng bó vết thương. Sau đó C. và A. yêu cầu T. gọi cho H. đem tiền đến trả mới cho về và yêu cầu T. vào trong nhà bếp chờ.

Khi H. đến quán cà phê thì bị A. mắng chửi, đánh và bắt vào ngồi trong bếp cùng với T. Sau đó các đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ.

Theo luật sư Sơn, các đối tượng trên không phạm tội Mua bán trái phép vũ khí quân dụng vì súng nhựa không thể được sử dụng như vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, trong vụ việc này Trịnh Xuân H. và Nguyễn Quốc T. đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của Nguyễn Chí C., do đó hành vi của các đối tượng này đã có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hơn nữa, về hành vi của A. dùng điếu cày đánh vào đầu T. chảy máu, dùng dao dí vào cổ yêu cầu phải trả số tiền mà C. đã mua súng. Đây là hành vi có tính chất côn đồ, có thể bị buộc tội theo khoản i, Điều 134 Bộ luật Hình sự về tội Cố ý gây thương tích.

Minh Khôi (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/mua-ban-sung-roi-au-da-du-la-gia-cung-vi-pham-phap-luat-a302043.html