Mùa cam Như Xuân

Đến huyện Như Xuân vào những tháng cuối năm, thật dễ dàng bắt gặp những vườn cam vàng, cam đường canh trĩu quả. Đây là thời điểm cam Như Xuân đang vào mùa chín rộ.

Cam Như Xuân đang vào mùa chín rộ.

Như Xuân là huyện miền núi của tỉnh, được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu đặc trưng và đất đai phù hợp với nhiều loại cây ăn quả. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Xuân, hiện toàn huyện có 982,86 ha cây ăn quả. Trong đó, có gần 260 ha cây ăn quả tập trung, gồm: Cam, bưởi ở các xã Xuân Hòa, Bãi Trành, Xuân Bình…

Đồi cam của gia đình các anh: Chử Thanh Hải, Nguyễn Anh Xuân, Nguyễn Văn Trương đã cho thu hoạch và hiệu quả kinh tế cao.

Tìm đến xã Xuân Hòa, men theo con đường đất gồ ghề, chúng tôi vào thăm đồi cây ăn quả của gia đình các anh: Chử Thanh Hải, Nguyễn Anh Xuân, Nguyễn Văn Trương, tại vùng đồi thuộc thôn 8. Đây là những hộ đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển của mô hình trồng cây ăn quả tập trung tại địa phương. Trao đổi với anh Nguyễn Văn Trương, được biết: Các anh vốn quê ở Hưng Yên, nhưng sau khi tìm hiểu về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất đồi xã Xuân Hòa, đã quyết định thuê đất, và mạo hiểm với dự định mới. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy đảng, chính quyền xã Xuân Hòa và UBND huyện Như Xuân, năm 2014, các anh đã thầu lại 14 ha đất trồng mía kém hiệu quả của các hộ dân ở thôn 8 để trồng cam xã Đoài, cam đường canh và bưởi da xanh. Thời gian đầu tương đối khó khăn, nhưng sau 3 năm, vườn cam đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 50 đến 70 kg/cây, tổng doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. Riêng mùa năm nay, dự kiến sản lượng đạt hơn 350 tấn, doanh thu khoảng 9 tỷ đồng.

Hơn 80% các vườn cam, bưởi trên địa bàn xã đã được thương lái trong, ngoài tỉnh ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Từ thành công của mô hình trồng cây ăn quả tập trung của những “vị khách” đến từ tỉnh ngoài, đã mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế vùng đồi cho các hộ dân xã Xuân Hòa. Tính đến hết tháng 11-2019, trên địa bàn xã Xuân Hòa đã có hàng trăm hộ dân trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô từ 1 ha trở lên, với tổng diện tích hơn 170 ha. Trong đó, có 48 ha đã cho thu hoạch, doanh thu bình quân đạt 500-650 triệu đồng/ha. Hơn 80% các vườn cam, bưởi trên địa bàn xã đã được thương lái trong, ngoài tỉnh ký hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Trên toàn huyện Như Xuân diện tích cây ăn quả đạt 982,86 ha; trong đó có 260 ha cam, bưởi

Nhờ giá trị kinh tế cao nên phát triển cây ăn quả có múi luôn được địa phương chú trọng, khuyến khích. Trong đó, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn tập trung hướng dẫn người dân không phát triển diện tích cây ăn quả có múi theo phong trào, mà cần quan tâm đến chất lượng giống cây bảo đảm nguồn gốc; đồng thời tập trung nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cam Như Xuân, bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp liên doanh liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân, UBND huyện đã thực hiện đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Cam Như Xuân, được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 1998/QĐ-UBND ngày 29-5-2019.

Đón du khách tham quan, dã ngoại, chụp ảnh lưu niệm và bán sản phẩm trực tiếp đang là hướng phát triển mới góp phần quảng bá thương hiệu cam Như Xuân

Vườn cam vào vụ thu hoạch đẹp như một bức tranh với sắc vàng, đỏ rực rỡ. Nên, những năm gần đây, các chủ vườn thường mở vườn đón du khách đến tham quan, dã ngoại, chụp ảnh lưu niệm và mua sản phẩm. Đây cũng là hướng phát triển mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển và khẳng định thương hiệu cho sản phẩm cam Như Xuân

Lê Hòa - Kim Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/mua-cam-nhu-xuan/111351.htm