Mua chung cư mini tại Hà Nội, 'tiền mất tật mang'

Nhà ở thương mại giá cao, nhà giá rẻ khan hiếm khiến nhiều người chọn chung cư mini. Tuy nhiên, lựa chọn này mang đến nhiều tình huống 'dở khóc dở cười', thậm chí 'tiền mất tật mang' cho chủ sở hữu.

Dở khóc dở cười

Chồng bộ đội, vợ kế toán làm trong trung tâm thành phố nên gia đình chị Hoàng Thu Trang chọn phương án vay mượn người thân và ngân hàng mua nhà chung cư mini. Tòa nhà được xây trên diện tích 150m2, ở sâu trong ngõ nhỏ đường Khâm Thiên, cầu thang siêu hẹp. Mỗi lần muốn mua sắm đồ, vận chuyển giường tủ, thợ vận chuyển phải tháo dỡ từng bộ phận rồi lắp lại. Mỗi lần đi lại 2 người tránh nhau phải lách nghiêng. Thang máy nhỏ chỉ 4 người đứng đã chất ních. Mỗi khi thang máy trục trắc, dân chuyển sang đi thang bộ xếp hàng chờ nhau cũng ùn tắc.

Chung cư mini không có ban quản lý, không có phòng bảo vệ, mọi thứ do các hộ gia đình tự quản, tự đề ra với nhau. Tầng 1 được dùng để xe, nhưng không có ai trông nom. Các hộ gia đình phải tự trang bị các thiết bị để bảo vệ như chăng dây xích, khóa cổ, khóa càng. Quy định đi ra, đi vào phải khóa cổng cẩn thận. Dẫu vậy, tâm trạng lo lắng mất xe vẫn cứ canh cánh trong lòng.

Theo chị Trang, cầu thang hẹp không lối thoát, nhiều gia đình vẫn nấu ăn bằng bếp gas, hệ thống điện chằng chéo khiến gia đình chị lúc nào cũng nơm nớp lo sợ hỏa hoạn.

Theo khảo sát của phóng viên trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các chung cư mini đều không có cầu thang thoát hiểm và hệ thống phòng chống cháy nổ. Trong khi đó, chiếc cầu thang duy nhất đi lại được thì quá chật hẹp, nếu xảy ra sự cố rất khó thoát thân.

Không chỉ không có bảo vệ, không hệ thống chữa cháy, tại các khu chung cư mini này, vấn đề vệ sinh cũng hết sức nhức nhối. Vì là không gian tập thể, nên trên các hàng lang, cầu thang và chiếu nghỉ luôn bừa bộn đồ đạc, tủ giầy dép... và rác. Vì không có lao công nên cũng không gia đình nào có ý thức dọn dẹp. Mặc dù các hộ tự đề ra quy định vệ sinh nhưng không mấy ai tuân thủ.

Bà Bùi Thị Hồng mua một căn hộ tại khu chung cư nằm trong ngách 25, ngõ 59, Lê Đức Thọ, Phường Mỹ Đình 2 - Quận Nam Từ Liêm - Hà Nôị̣. Bà Hồng cho biết, gia đình bà mua căn hộ từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa có sổ hồng. Điều đáng nói, bà mua nhà bởi tin tưởng chủ đầu tư và chủ đầu tư trước đó đã hứa hẹn, muộn nhất sau 2 năm mua nhà, bà Hồng sẽ có được sổ hồng sở hữu căn hộ. Tuy nhiên đến nay, cả chục năm trôi qua, sổ hồng chưa thấy đâu, chủ nhà cũng mất hút không liên lạc được, bà Hồng sống trong cảnh "dở khóc dở cười".

Chung cư mini thường được giới trẻ và người có thu nhập tầm trung lựa chọn

Nhiều rủi ro

Nỗi niềm của bà Hồng cũng là tâm trạng chung của nhiều người dân mua chung cư mini. Theo Luật sư Trần Minh Cường người mua chung cư mini đối mặt với 4 rủi ro chính sau:

Thứ nhất: Không có giấy chứng nhận quyền sở hữu. Chung cư mini núp bóng dưới công trình nhà ở riêng lẻ nên giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ được cấp cho cá nhân và chỉ có một sổ hồng. Hơn nữa, hầu hết các chung cư mini hiện nay đều không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu bởi các căn hộ này hầu hết đều vi phạm thiết kế, mật độ xây dựng... Do thiếu giấy tờ pháp lý nên quyền lợi của người mua sẽ khó được đảm bảo trong trường hợp phát sinh tranh chấp.

Thứ hai: Khó bán lại. Để sang nhượng cần có đầy đủ những giấy tờ pháp lý hợp lệ trong khi chung cư mini gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Hơn nữa, nguồn cung chung cư mini vẫn đang dư giả trên thị trường nên tính cạnh tranh cao, việc nhượng lại cũng khó khăn hơn.

Thứ ba: Vấn đề an ninh, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo. Chung cư mini thường có diện tích nhỏ từ 30-50m2 chưa kể chủ đầu tư cố tình cơi nới thêm và tận dụng tối đa diện tích để tăng số lượng căn hộ trong tòa nhà. Lượng người ở đông sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp như thiếu chỗ để xe, an ninh không đảm bảo… Và để giảm bớt chi phí nhằm tăng lợi nhuận, chủ đầu tư có thể cắt giảm nhiều hạng mục như phòng cháy chữa cháy, đây là mối nguy hiểm luôn rình rập người dân.

Thứ tư: Khó sửa chữa, nâng cấp. Nếu chung cư thông thường có hợp đồng ràng buộc và quy định chặt chẽ giữa người mua và chủ đầu tư hoặc có sự quản lý của ban quản trị thì với chung cư mini những quy định này khá lỏng lẻo. Trong trường hợp phát sinh hỏng hóc cần sửa chữa, nếu không quy định rõ trong hợp đồng, người mua khó có thể yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện như nghĩa vụ của mình mà sẽ phải tự lo chi phí thực hiện.

Theo chị Trang, vụ cháy chung cư mini 9 tầng ở số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình vừa xảy ra khiến cho những cư dân đang sống trong các khu chung cư mini vô cùng bất an. Phía dưới hầm là hàng trăm chiếc xe. Từ hầm dẫn lên các tầng không có cửa ngăn cách, nếu xảy ra cháy nổ thì khói đen không lối thoát tỏa lên nhanh vào các căn hộ rất nguy hiểm. Gia đình chị Trang cũng đang cân nhắc phương án vay mượn để chuyển chỗ ở, tránh "tiền mất tật mang" như vụ hỏa hoạn vừa xảy ra.

Minh Châu (t/h)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/mua-chung-cu-mini-tai-ha-noi-tien-mat-tat-mang-1899872.html