Mùa chụp đìa

Đứa cháu gái bên vợ gả về nhà chồng tận quận Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nên ít có dịp về lại Cần Thơ. Nghe tin tôi trở về, hai vợ chồng cháu lên thăm, mang cho một số cá lóc còn sống và một ký lô khô cá sặc rằn. Gia đình nghe tôi nói ở nước ngoài thèm khô cá sặc, cá lóc nướng.

Vợ tôi cùng mấy đứa cháu đi chợ mua thêm bánh tráng, bún và rau trái các loại, chế biến món khô cá sặc rằn trộn gỏi dưa leo, cá lóc nướng trui, gói bánh tráng, bún, rau thơm các loại, chuối chát, khế, khóm… Tất nhiên ngồi ăn trong bầu văn hóa sum họp gia đình và cũng khá lâu không được thưởng thức món khô, cá nướng thì còn gì ngon bằng. Nhưng tôi vẫn có cảm giác chưa vừa ý, hương thơm, vị ngọt của thịt cá và độ dai hình như không giống cái vị ngon của ngày xưa. Tôi hỏi cháu, cá này do nhà chồng con tát đìa hay mua ngoài chợ.

Cháu tôi cười, rồi nói: “Dễ gì có cá tát đìa mà ăn dượng ơi, giờ rất hiếm những gia đình họ nuôi, dưỡng cá thiên nhiên trong đìa, người ta đào ao, nuôi theo công nghiệp hết rồi! Mẹ chồng con kể hồi trước những năm bảy lăm thì nhiều đìa lắm, sau giải phóng cũng duy trì một thời gian, nhưng giờ thì không còn. Ngay cả việc nuôi ong cũng vậy, rừng bị khai phá, người ta không còn gát kèo thiên nhiên để lấy mật từ các con ong hút nhụy hoa tràm, mà họ nuôi theo công nghiệp, cho chúng hút mật đường.

Cá này do cha mẹ chồng con nuôi ở ao nhà, nhưng ít thôi để dành ăn trong gia đình và bán cho bạn hàng cá một mớ để mua gạo, thức ăn khác hằng ngày. Còn khô cá sặc, con mua ngoài chợ, nhưng nghe đâu, giờ người ta cũng nuôi nữa đó”. Nghe cháu nói mà chạnh buồn, chạnh nhớ những ngày xưa. Nhớ lại khoảng năm bảy mươi mốt, tôi có dịp xuống quận U Minh, tỉnh Cà Mau.

Tuy thời ấy còn chiến tranh, nhưng đời sống sinh hoạt, làm ruộng, gác kèo ong, đánh bắt cá, thưởng thức ẩm thực… còn mang nhiều nét đặc thù của văn hóa miệt vườn, gần gũi, thân thiện, sẻ chia tình làng nghĩa xóm. Kỷ niệm nhớ mãi luôn theo tôi từ thời nhỏ cũng giống như thú thưởng thức ẩm thực với hương vị ngon của cá thật tuyệt trần. Hương vị ấy, luôn thèm nhớ trên đầu lưỡi, cùng với hình ảnh, bức tranh đồng quê đẹp ấy luôn hoài nhớ trong lòng, theo tôi trong bước trưởng thành và những năm tháng xa quê.

Nhớ thời đó, vào tháng Ba, Tư Âm lịch, đồng ruộng khô cạn nước, hoa tràm nở trắng rừng, bà con vùng U Minh vào mùa chụp đìa. Đìa nhà nào cũng dài vài ba chục mét, nên bà con có lệ “vạn dần đổi công”, với quy định chung chỉ nộp cho chủ đìa cá lóc, cá sặc rằn. Công việc nặng nhọc giao cho cánh đàn ông, thanh niên. Phụ nữ lựa cá, làm cá, luộc mỡ, xẻ khô, nhận mắm. Đặc biệt, các ông lão không làm gì cả, họ ngồi trên mâm rượu, khề khà kể chuyện xưa, chuyện nay và… chỉ đạo công việc.

Vào mùa này, bà con hàng xóm tụ tập về nơi sân nhà chủ đìa rất đông, vui. Không những cánh đàn ông, phụ nữ, thanh niên, trai gái mà có cả lũ con nít. Mọi người ai nấy đều bận rộn với công việc của mình. Chủ nhà đem lưới ra vá lại những lỗ rách, kê lò, gom củi, chuẩn bị thau, thùng, đốn sậy… trẻ con ra đồng gom rơm khô, đội trên đầu vào chất trên sân, các ông lão, ngồi nhâm nhi rượu, hay uống nước trà, đánh cờ. Chụp đìa được tiến hành theo một trình tự nhất định.

Trước tiên, người ta dùng một chiếc lưới có tay lưới lớn thích hợp để tránh đánh bắt cá còn quá nhỏ. Lưới được phủ khắp mặt đìa hơi cao hơn mặt nước, dùng cây sậy hoặc đế dài khoảng một mét, bẻ gập hình chữ V, ghim dọc theo diềm lưới. Bước một ghim thưa, cách mỗi cây độ chừng một mét đến một mét năm mươi. Đàn ông, thanh niên bắt đầu giậm chân thật mạnh từ phía đầu đìa, chân giậm, miệng hô to “hù… hù…” thật nhịp nhàng, đồng điệu.

Công việc này là nhằm gây ra nỗi sợ hãi cho cá gom về giữa lưới. Khi phần giữa lưới trũng, người ta cho lưới hạ thấp dần xuống, rồi tiếp tục ghim thêm đợt hai, khoảng cách nhặt hơn. Cá bị ngộp tìm những nơi có lỗ hổng trồi lên. Lúc này, cá đã đầy lưới, người ta cuộn dần lưới từ phía đầu đìa, cá gom hết về phần lưới trũng. Bốn năm người dùng vợt xúc cá lên chuyền cho cánh phụ nữ, trẻ con. Các chị lựa những con cá lớn, rộng lại để xuất tỉnh. Những con cá nhỏ, bị ngộp, đánh vảy, xẻ khô hay nhận mắm. Số cá còn lại giao cho những bạn hàng làm mắm, họ từ các tỉnh xa đổ xuống, neo ghe đợi sẵn.

Phương thức mua bán, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, hoặc trao đổi hai chiều từ những thuận lợi của chủ đìa và người mua. Chẳng hạn như theo phương thức, chủ đìa giao cá và người bạn hàng trả bằng một toa mua hàng, dụng cụ thiết yếu. Đặc biệt, cá sặc rằn là món hàng khô chiến lược bán ra ngoài tỉnh, nên thường được xẻ làm khô liền tại chỗ, không dành để bán cá tươi sống. Những đứa trẻ sau khi lựa cá, nộp cho chủ đìa xong, xí phần cho mình.

Đứa thì dùng rổ, thau, thùng để đựng cá, đứa dùng dây chuối khô, xỏ mang cá, buộc vào một sợi dây chuối khác được thắt nơi lưng quần như một sợi dây nịt, chúng hớn hở, bước lăn tăn với tấm lưng trần đen sạm, chân nhịp nhàng theo nhịp đong đưa của sợi dây buộc cá cột bên hông. Các ông lão chọn điểm tốt dưới bóng tràm, bẻ nhánh cây, trải làm chiếc chiếu. Giữa chiếu đào một cái lỗ tròn có đường kính bằng với đáy bình. Đặt xuống bên dưới một con “cúi” se bằng rơm, bật quẹt châm lửa, con cúi cháy ngún đỏ, đặt bên trên miệng lỗ một cái bình bằng đất nung, bên trong chứa một loại rượu cao độ, trong vắt như mắt mèo, được cất bằng thứ nếp thơm và thêm vào đó vài miếng đương quy, mua ở các tiệm thuốc bắc ngoài chợ huyện.

Các ông lão ngồi, phì phà điếu thuốc rê chánh hiệu Gò Vấp, kể chuyện kháng chiến, chuyện vui bác Ba Phi, công việc gác kèo, làm lúa, cưới hỏi… Rượu nóng dần lên theo câu chuyện kể, mùi thơm của nếp trong rượu hòa với hương thơm của đương quy bốc lên từ miệng bình bay hòa huyện trong làn khói mỏng manh của con cúi ngún cháy âm ỉ cùng với hương khói rơm đốt trở thành làn gió thơm. Rót một cốc chuyền tay nhau, đưa lên môi nút nghe cái ót. Chất cay, ngọt vừa nóng vừa thơm của rượu hòa huyện hương tràm, rơm rạ, lục bình thật sảng khoái, tuyệt trần.

Thấy đứa bé nào đi ngang, bên hông có xâu cá đánh đong đưa, một trong các lão gọi: “Ê, thằng nhỏ, con rô, con dày đó của tao nhe, bây mang lại đây!”. Đứa bé nghe tiếng gọi giật thót người, trong lòng tiếc hùi hụi, dù vậy cũng đâu dám làm trái ý, phật lòng. Nó khúm núm, bước đến lễ phép dâng cả hai tay. Buồn! Tiếc! Nhưng ngu sao làm phật lòng các lão, lỡ sau này nếu có nhà ai chụp đìa thì đừng hòng có cơ hội tham gia hôi cá. Lấy cá xong, tội nghiệp cho thằng nhỏ, đã mất của còn bị các lão sai chạy ra bờ kênh hái rau cải trời, rau má. Ở xứ biển rất hiếm rau, chủ yếu là hai thứ rau chiến lược này, nên thường nồi canh của họ cá nhiều hơn rau. Cá rô, thát lát, chẽm nấu canh với số rau vừa hái.

Còn cá dày để nguyên cả vảy, dùng một cây que bằng tre, xuyên từ cổ họng tới đuôi rồi ghim đầu que phía đuôi cá xuống đất, phủ rơm lên vun ngọn. Một người cao tuổi nhất, được xem như vị trưởng làng, châm lửa, một cách trịnh trọng như người ta thắp ngọn đuốc khai mạc lễ hội Olympic. Phải châm từ trên đỉnh cây rơm cháy dần xuống. Theo quan niệm của các ông, thì cá phải nướng trên đầu trước, vì tất cả những thứ ngon nhất trong con cá đều tập trung từ đầu trở xuống, nên cần chín trước. Còn phần đuôi, lỡ có thiếu lửa cũng chả sao. Đặc biệt, ruột cá dày ăn bùi bùi, beo béo chứ không có vị đắng lắm như các loại cá khác.

Mấy đứa trẻ cùng tham gia hôi cá, thấy thằng nhỏ bạn mình bị "trạm kiểm soát" thu cá, thì nhanh chân tìm cách vượt qua cho lẹ để tránh “họa” xui lây. Khi đã an toàn, chúng nói cười vui rôm rả cùng những lời trêu chọc thằng nhỏ đáng thương, tội nghiệp kia. “Mấy tụi bây ơi, hôm nay thằng Bảy Bò, ăn chay cầu phước, đem chuối dâng cho Lục rồi tụi bây ơi”. Bọn nhỏ chỉ được phép đến thùng nước luộc, lựa những đùm ruột tròn béo mỡ có trứng, vớt lên cùng nhau bày mâm. Ăn ngon hả hê! Chụp đìa xong, sáng hôm sau, bọn trẻ có nhiệm vụ nhặt những con cá chết sót dưới đìa để tránh cho nguồn nước bị ô nhiễm.

Bây giờ, ngồi đây nhớ chuyện xưa mà buồn, mà tiếc theo như tâm lý chung của mọi người hay hoài niệm những kỷ niệm đã qua của thời tuổi nhỏ và trai trẻ, chứ hiếm hoi lắm mới tìm lại được quang cảnh và cảm giác khoái lạc của bức tranh quê “Mùa Chụp Đìa” với vị thơm ngon của cá lóc đồng nướng rơm. Tùy theo sở thích và thú thưởng thức của từng người khác nhau. Riêng tôi luôn bảo vệ ý tưởng, con cá tự thân lớn lên từ ao, hồ, kênh rạch ăn vẫn ngon và thú vị hơn con cá nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Bởi vì ăn không phải chỉ để no bụng mà chính là một sinh thú, thưởng thức văn hóa ẩm thực.

Huỳnh Duy Lộc

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mua-chup-dia-35402.html