Mưa đá đêm Giao thừa và mùng 1 Tết, hàng nghìn nhà dân thủng mái

Theo báo cáo của các tỉnh, TP Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng và TP Hà Nội, thiên tai làm 5.298 nhà bị hư hại, tốc mái.

Đêm 30 sang đến ngày mùng 1 Tết xuất hiện hiện tượng mưa đá bất thường tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

Các nơi xuất hiện mưa đá: TP Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng và Hà Nội, làm 5.298 nhà bị hư hại, tốc mái (Bắc Kạn: 3.284; Lạng Sơn: 2.000 (sơ bộ ban đầu); Cao Bằng: 13; Thái Nguyên: 1; Hà Nội xảy ra mưa đá tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ nhưng không có thiệt hại).

Mưa đá bất thường tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc đêm Giao thừa và ngày mùng 1 Tết.

Mưa đá bất thường tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc đêm Giao thừa và ngày mùng 1 Tết.

Theo báo cáo của các tỉnh, TP Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng và TP Hà Nội, thiên tai làm 5.298 nhà bị hư hại, tốc mái.

Tại tỉnh Bắc Kạn, lượng mưa đo được ở các trạm dưới 30mm, mưa đá với mật độ dày, đường kính phổ biến từ 0,5 đến 3cm, có nơi lớn hơn 5cm, Vietnamnet thông tin.

Nhiều xe ô tô vỡ kính vì mưa đá.

Theo báo cáo nhanh, đợt mưa đá đã gây thiệt hại trên 3.200 ngôi nhà với mức độ hư hỏng trên 50% mái nhà. Trong đó, huyện Ngân Sơn bị thiệt hại nặng nhất với 2.035 nhà; huyện Chợ Mới 568 nhà, huyện Bạch Thông 583 nhà... Về hoa màu, bị ảnh hưởng chủ yếu là cây thuốc lá mới trồng, cây khoai tây đang trong thời kỳ thu hoạch.

Theo báo Tuổi trẻ, trước tình hình trên, ngay trong đêm giao thừa, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phải họp khẩn cấp chỉ đạo khắc phục thiệt hại do mưa đá.

Mưa đá gây hư hỏng hàng nghìn mái nhà.

Ông Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động khắc phục hậu quả theo phương châm bốn tại chỗ, nỗ lực cao nhất, không để bất cứ một người dân nào phải chịu cảnh màn trời chiếu đất hay thiếu đói.

Ngay trong sáng 25/1 (mùng 1 Tết), đoàn công tác của Ban Chỉ đạo TWPCTT do Bộ trưởng - Phó trưởng Ban Thường trực Nguyễn Xuân Cường làm trưởng đoàn trực tiếp lên Bắc Kạn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả đảm bảo người dân đón xuân, ổn định nơi ở.

Trước mắt, những hộ bị hỏng toàn bộ mái nhà cần di chuyển tới nhà người thân gần nhất hoặc nhà họp thôn, đồng thời cấp bạt, chăn để tạm thời ổn định chỗ ở cho người dân trong những ngày Tết. Về lâu dài, để ổn định chỗ ở, đảm bảo an toàn cần thay thế, lợp lại mái che bằng tôn; ước tính kinh phí để thực hiện lợp lại 2.542 mái nhà này vào khoảng 30 tỷ đồng.

Đường kính các viên đá phổ biến từ 0,5 đến 3cm, có nơi lớn hơn 5cm.

Do nguồn kinh phí của tỉnh hạn hẹp, trong khi nhu cầu khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra lại lớn, UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai xem xét, báo cáo Thủ tướng hỗ trợ nguồn kinh phí khoảng 30 tỷ đồng để tỉnh Bắc Kạn khắc phục ngay hậu quả mưa đá, sớm ổn định chỗ ở của trên 2.542 hộ dân.

Sáng nay, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến xem xét tình hình thiệt hại do mưa đá đối với đời sống của bà con nhân dân tại xã Dương Quang, TP Bắc Kạn. Bộ trưởng đã chỉ đạo tại cuộc họp, tỉnh Bắc Kạn cần huy động mọi lực lượng xung kích tại chỗ, khẩn trương khắc phục ngay hậu quả của mưa đá để nhân dân đón Tết; nhất quyết không được để hộ dân nào không có nhà đón Tết.

Tỉnh Bắc Kạn cũng cần thống kê hết sức cụ thể để không bỏ sót bất cứ hộ dân nào, trước mắt hỗ trợ bạt, sau đó hỗ trợ tôn cho bà con để mái nhà bền hơn và chống được mưa đá.

Thông tin trên báo Lao động Thủ đô, theo dự báo, hiện tượng mưa rào theo từng đợt sẽ còn xuất hiện tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc và kéo dài đến hết ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý, sang đến ngày mùng 2 và mùng 3 Tết Nguyên đán chỉ có mưa phùn, mưa nhỏ về đêm và sáng sớm, trời rét.

Lê Lan (Tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mua-da-dem-giao-thua-va-mung-1-tet-hang-nghin-nha-dan-thung-mai-a463836.html