Mua danh bạ tống tiền lãnh đạo Đoàn ĐBQH: Không xâm phạm

Đại biểu quốc hội cho rằng việc đối tượng tống tiền mua quyển danh bạ các đại biểu Quốc hội không phải là xâm phạm thông tin cá nhân.

Mới đây Bộ Công an đã thông báo về việc bắt giữ 2 đối tượng nhắn tin khủng bố, đe dọa nhiều lãnh đạo Văn phòng đoàn ĐBQH, cùng cách thức tiến hành của 2 nghi phạm này.

Được biết các đối tượng này đặt mua trên mạng 1 quyển “Niên giám Quốc hội - Chính phủ khóa XIV, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2020”, sau đó nhắn tin tống tiền.

Nhận định về trường hợp trên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp) cho rằng những đối tượng nhắn tin đe dọa lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH của một số địa phương là hành vi khủng bố đe dọa, mặc dù lời de dọa không có gì nghiêm trọng nhưng cần phải làm rõ những đối tượng này làm vậy xuất phát từ đâu để xử lý thích đáng, phòng ngừa răn đe đối tượng sau này.

"Tôi đọc qua tin nhắn của những đối tượng kia gửi cảm giác giống như trẻ con nhắn tin, nói bâng quơ, những lời đe dọa không có giá trị. Những cán bộ bị đe dọa không phải lo lắng bởi những tin nhắn này không có giá trị" -Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.

Theo ông Hòa, những số điện thoại của các đại biểu Quốc hội không phải là bí mật. Trong danh bạ của văn phòng Chính phủ, Quốc hội cũng có công khai số điện thoại của các đại biểu, tuy nhiên trên mạng không bán những quyển danh bạ như thế này.

Văn phòng sẽ phát cho đại biểu một quyển danh bạ, vậy nên những ai muốn tìm hiểu vẫn có thể biết được số điện thoại của đại biểu.

Đơn trình báo của ông Hoàng Đức Cường - Chánh văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

"Nếu danh bạ bí mật, ai cung cấp danh bạ thì là xâm phạm thông tin cá nhân nhưng đây là danh bạ công khai không có gì bí mật cả.

Số điện thoại của đại biểu Quốc hội không nên giữ bí mật mà cần cho người dân biết để người dân thông tin cho đại biểu nếu gặp vấn đề gì.

Tuy nhiên có một số kẻ xấu lợi dụng việc đó nhắn tin khủng bố, đe dọa sẽ làm ảnh hưởng tới đại biểu" -ông Hòa nêu quan điểm.

Nhận xét về những đối tượng nhắn tin đe dọa tống tiền lãnh đạo các Văn phòng ĐBQH trên, ông Hòa cho rằng những đối tượng này hành động thiếu chuyên nghiệp.

Thông thường những đối tượng tống tiền họ dùng sim rác nhắn tin, sau đó họ bỏ đi không dùng nữa. Ở đây những đối tượng này vẫn dùng sim cũ nhắn tin cho nhiều đại biểu Quốc hội dẫn đến việc nhanh chóng bị phát hiện.

Trong những trường hợp này, các cán bộ không nên lo lắng mà phải bình tĩnh phân tích xem tin nhắn có mức độ tính chất như thế nào, cần thiết để báo công an họ vào cuộc điều tra xử lý.

Mấy ngày trước, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH của một số địa phương (Hà Nội, Quảng Trị, Bắc Ninh, Sóc Trăng, Hà Tĩnh…) nhận được tin nhắn đến điện thoại di động với mục đích đe dọa nhằm chiếm đoạt tiền.

Ngay sau khi phát hiện thông tin trên với nội dung nhắn: “Có người muốn lấy mạng ông với giá 100 triệu. Nếu ông đưa tôi 100 triệu, tôi sẽ gửi danh tính người muốn hại ông và bằng chứng cho ông. Tôi cho ông 03 ngày và số tài khoản này cho ông chuyển khoản vào, nếu ông chuyển tiền tôi sẽ đi khỏi đất này và giữ lời. Số tài khoản: 060195701256 mở tại Ngân hàng Sacombank”.

Qua điều tra, công an đã làm rõ và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp các đối tượng có liên quan do có hành vi nhắn tin đe dọa nhằm chiếm đoạt tiền, gồm: Ngô Xuân Tùng, 30 tuổi, HKTT tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, hiện trú tại phố Nguyễn Thượng Hiền, phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM;

Lê Văn Thành, 30 tuổi, HKTT tại Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hiện trú tại Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thương mại, Dịch vụ Đại Thắng Lợi, ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Các đối tượng trên là những đối tượng nghiện ma túy. Do cần tiền sử dụng ma túy, Ngô Xuân Tùng nảy sinh ý định nhắn tin đe dọa nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.

Tùng đã đặt mua trên mạng 1 quyển “Niên giám Quốc hội - Chính phủ khóa XIV, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2020”, sau đó thuê Lê Văn Thành mở tài khoản tại Ngân hàng Sacombank nhằm mục đích sử dụng tài khoản này để người bị hại chuyển tiền vào.

Liên tiếp trong các ngày 15 và 16/10, Tùng đã sử dụng nhiều sim và máy điện thoại nhắn tin đến 100 người có tên trong quyển “Niên giám Quốc hội - Chính phủ khóa XIV, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2020” để đe dọa nhằm chiếm đoạt tiền.

Thanh Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/mua-danh-ba-tong-tien-lanh-dao-doan-dbqh-khong-xam-pham-3367673/