Bộ trưởng Công thương: Quy định mua điện mặt trời mái nhà 0 đồng gây hiểu lầm

Một trong những nội dung gây tranh cãi ở dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là do cách hiểu về việc 'mua điện dư thừa phát lên lưới điện quốc gia với giá 0 đồng', đang được giới chuyên môn 'mổ xẻ'.

Dự thảo này này đang được Bộ Công thương tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện.

Bộ Công thương đề xuất, nếu không nối lưới điện quốc gia thì loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được phát triển không giới hạn công suất, còn nếu nối lưới sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng trong khoảng công suất giới hạn là 2.600 MW.

Nếu được đấu nối với hệ thống điện quốc gia được hưởng nhiều ưu đãi như: miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật; thủ tục thực hiện đơn giản…

Nếu đấu nối lưới nhưng không muốn phát điện lên, thì cần lắp thiết bị chống phát ngược.

"Có thể giá dương, giá âm chứ không có khái niệm giá 0 đồng"

Đánh giá về dự thảo, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, có nhiều vấn đề trong dự thảo này gây tranh cãi, khó hiểu.

"Ngay cả khi chúng tôi tham gia vào mạng lưới của những chuyên gia điện lực họ cũng cảm thấy khó hiểu", ông Việt nói. Cách dùng từ "mua 0 đồng", theo ông Việt dứt khoát phải bỏ, vì không phổ quát với kinh tế thị trường. Ông nhấn mạnh: "Ở nước ngoài có thể giá dương, giá âm chứ không có khái niệm mua 0 đồng".

Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng,tiềm năng điện mặt trời mái nhà của Việt Nam rất lớn, trên 140.000 MW (theo dự thảo về Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam do Cục Điện lực & NLTT phối hợp với DEA đang hoàn chỉnh). Nếu chỉ tính riêng các khu công nghiệp hiện có thì tiềm năng ước tính gần 20.000 MW, nếu mỗi khu công nghiệp cho đặt 50 MWp (theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam).

Trong khi đó, phạm vi của dự thảo nghị định này tập trung vào cơ chế quản lý điều hành và khuyến khích cho 2.600 MW điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đồng tình với ban soạn thảo là giới hạn công suất trên đảm bảo theo quyết định 500 của Thủ tướng về quy hoạch điện VIII, tuy nhiên, ông góp ý, cơ chế khuyến khích cần đảm bảo quản lý điều hành trong ngắn và trung hạn, nhưng cần có tầm nhìn bao quát, có thể phát huy tác dụng trong dài hạn và tránh các hiểu lầm về ý nghĩa "khuyến khích".

Theo ông Tuấn, các nước khác vẫn cho phép bán vào lưới với các mức giá cao, giá thấp, thậm chí giá âm (muốn phát lên lưới nhà đầu tư phải trả tiền) tùy thời điểm, chứ không có giá 0 đồng.

Do đó, ông cho rằng, sau khi có kinh nghiệm thực tế, dự thảo này nên nghiên cứu tính toán đầy đủ lợi ích chi phí về mặt kỹ thuật để mua với giá phù hợp, tránh lãng phí tiềm năng và cũng không gây hiểu nhầm về giá 0 đồng.

Vị chuyên gia cũng phân tích, xét theo tính kỹ thuật, văn bản ghi "giá 0 đồng", xong lại dùng từ "không thanh toán". Theo ông, hai cụm từ này cùng ý nghĩa theo cách hiểu là "đơn vị điện lực ghi nhận với giá không đồng và đơn vị điện lực không được thanh toán cho bên bán".

"Cách viết 2 cụm từ trên không rõ nghĩa", ông Tuấn kiến nghị thống nhất cách ghi "không mua bán", chứ không ghi như trên.

Chủ trương của loại hình này là cho mục đích tự dùng, không mua bán.

Dứt khoát không mua bán

Về những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, trong dự thảo có quy định "nhà nước mua với giá 0 đồng với sản lượng vượt công suất, hay nói cách khác là vượt nhu cầu của đối tượng sử dụng điện". Điều này theo ông đã làm cho một số người hiểu lầm.

"Với tư cách bộ trưởng, tôi thấy ban soạn thảo cần rút kinh nghiệm nghiêm túc chỗ này", ông Diên nói và nhấn mạnh việc truyền thông cũng phải thận trọng tránh hiểu nhầm chính sách của Chính phủ về chủ trương tự sản tự tiêu.

"Dứt khoát không mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu ở thời điểm này, còn trong tương lai, nếu chúng ta đã có thực tiễn vận hành theo cơ chế chính sách đặc biệt này thì chúng ta sẽ có thể có sự điều chỉnh chính sách cho điện mặt trời mái nhà", ông Diên nói.

Đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công thương,PGS Nguyễn Việt Dũng, Phó Hiệu trưởng trường cơ khí Đại học Bách Khoa nói rằng, về mặt kỹ thuật ông hoàn toàn ủng hộ không có việc mua bán và thương mại trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà. Việc đấu nối chỉ diễn ra trong điều kiện điện áp mái không đủ để dùng trong những giờ không có nắng, những hôm thời tiết không ủng hộ.

Ông Dũng dẫn chứng, nước Nhật mất 40 năm để phát triển năng lượng tái tạo và đến nay, tổng công suất của năng lượng tái tạo của Nhật trong lưới điện quốc gia mới dao động trong khoảng 30-40%. Nhưng chúng ta chỉ trong vòng 6 năm, tổng công suất của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt 28,5%... Do vậy ông Dũng nhấn mạnh "một áp lực khủng khiếp lên lưới điện quốc gia và EVN không thể nào điều độ được do năng lượng mặt trời là năng lượng phi tuyến, chỉ cần một đám mây đi qua là lập tức tải tụt xuống ngay".

Còn về lo ngại chủ trương không mua điện dư thừa sẽ gây lãng phí khi đầu tư, chuyên gia năng lượng Lã Hồng Kỳ gợi ý, các tổ chức, cá nhân nên tham khảo các cơ quan độc lập để tính toán đơn vị mình lắp đặt công suất bao nhiêu là hợp lý với mức tiêu thụ điện năng của mình để không dư thừa nhiều.

Làm rõ vấn đề bên thứ 3 tham gia

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách

Hiệp hội dệt may thống kê, hiện nay đã có khoảng 50% mái nhà của các doanh nghiệp dệt may đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. 50% này tôi tin là không phải tất cả đều tự lắp. Tôi đi khảo sát thực tế, rất nhiều doanh nghiệp nói tôi rằng họ chỉ tập trung chuyên môn của mình (là dệt may - PV) còn việc lắp đặt có bên thứ 3 tham gia.

Khi lắp đặt, doanh nghiệp tiếp cận được hai thứ quan trọng, đó là tín chỉ "xanh" và có những quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc quỹ đầu tư giá rẻ hỗ trợ chi phí trong chương trình chuyển dịch năng lượng công bằng. Rõ ràng họ đang thuận lợi hơn so với việc tự lắp đặt.

Trên thực tế, nhu cầu như vậy rất nhiều. Ví dụ, một trạm sạc xe điện rất cần hệ thống điện mặt trời mái nhà để cung cấp điện "sạch" tại chỗ. Khi họ đầu tư ngay ở khu sạc, và bán điện ở trụ sạc. Đây có gọi đó là mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu hay không.

Qua 2 ví dụ trên cho thấy chúng ta phải ghi nhận những gì đang diễn ra trên thực tế. Tôi mong những điều trên được làm rõ trong chính sách này.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/mua-dien-mat-troi-mai-nha-tu-san-tu-tieu-gia-0-dong-dut-khoat-phai-bo-quy-dinh-nay-192240506201136477.htm