Mưa dông tiếp diễn, nhiều khu vực nguy cơ cao sạt lở

Mưa dông kéo dài dẫn đến nguy cơ cao sạt lở đất ở nhiều địa phương. Cơ quan khí tượng cho biết, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa kéo dài ngày và đêm 22/5, đề phòng nguy cơ sạt lở.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm qua đến sáng sớm hôm nay (22/5), ở khu vực Thanh Hóa - Nghệ An và từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 21/5 đến 07h ngày 22/5 có nơi trên 60mm như: Vạn Xuân (Thanh Hóa) 77.2mm, Mường Lống (Nghệ An) 62.0mm, Cam Chính (Quảng Trị) 111.6mm, Hội An (Quảng Nam) 91.6mm, Diên Điền (Khánh Hòa) 67.4mm...

Mưa lớn liên tục dẫn đến nguy cơ cao sạt lở ở nhiều khu vực.

Mưa lớn liên tục dẫn đến nguy cơ cao sạt lở ở nhiều khu vực.

Dự báo, chiều và đêm 22/5, khu vực Trung Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 100mm. Chiều và tối ngày 22/5, khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm. Ngày và đêm 22/5, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông cục bộ.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.

Mưa dông kéo dài dẫn đến nguy cơ cao sạt lở đất ở nhiều địa phương. Cơ quan khí tượng cho biết, trong 3 giờ qua (từ 05 giờ đến 08 giờ ngày 22/05), khu vực các tỉnh Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Đắk Dục 40,4mm, Mô Rai 24,4mm, Đắk Tơ Kan 23,6mm,...

Trong 6 giờ tới, khu vực tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 40-50mm, có nơi trên 70mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Đắk Hà, TP Kon Tum.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.

Văn phòng Ban Chỉ huy về Phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn, khoảng 0 giờ ngày 22/5, tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) xảy ra vụ sạt lở đất đá vào một nhà dân.

Đất đá đã vùi lấp một phần ngôi nhà thuộc hộ nghèo này, trong nhà có ba người: Anh H.T.H, sinh năm 1996 (chồng); chị L.T. S.M, sinh năm 1997 (vợ) và con là H.L.B.A, sinh năm 2022. Ngay từ sáng sớm 22/5, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn đã có mặt tại hiện trường, tiếp cận các nạn nhân...

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, dấu hiệu của sạt lở đất là mưa nhiều ngày, mưa lớn; xuất hiện vết nứt tường nhà, sườn đồi; cây cối nghiêng; nước sông suối chuyển màu đục; mặt đất phồng lên, mặt đất rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất.

Khi có những dấu hiệu trên, người dân cần theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt ở đất, thông báo cho chính quyền và những người xung quanh. Các lực lượng địa phương cần theo dõi và tiến hành di dời nếu có nguy cơ lớn, cần bảo vệ tính mạng trước tiên.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mua-dong-tiep-dien-nhieu-khu-vuc-nguy-co-cao-sat-lo-169240522100019364.htm