Mua Greenland không phải ý tưởng 'vui đùa': Đây sẽ là 'vùng đất chiến lược' giúp ông Trump 'thắng' Nga và Trung Quốc?

Greenland sẽ là 'quân bài' thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong nền công nghiệp đất hiếm của thế giới và giúp ngăn chặn kế hoạch mở rộng quân sự của Nga.

Tổng thống Trump tỏ rõ ý định muốn mua Greenland.

Tổng thống Trump tỏ rõ ý định muốn mua Greenland.

Lý do đến từ Nga và Trung Quốc

Greenland đang là chủ đề mua bán được thảo luận tích cực trong Phòng Bầu dục của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ý định tưởng chừng như kỳ quái này đã thu hút sự chú ý của truyền thông trong vài ngày qua, theo The Guardian.

Cho đến lúc này, không ít người tự hỏi, rốt cuộc thì điều gì khiến một trong những nơi hoang vắng nhất thế giới trở thành một “mặt hàng” hấp dẫn như vậy?

Đối với ông Trump, mua được Greenland là một thỏa thuận bất động sản để đời, một hợp đồng sẽ bảo đảm có thêm phần lãnh thổ bằng một phần tư nước Mỹ.

Bên cạnh đó, thương vụ thế kỷ này cũng củng cố vị thế của ông sánh vai với các nhà lãnh đạo Mỹ khác trong lịch sử, như Tổng thống Andrew Johnson, người đã mua Alaska từ Nga vào năm 1867 và Thomas Jefferson, người lấy được Louisiana từ Pháp vào năm 1803.

Tuy nhiên, lý do thực tế hơn đối với các cố vấn của Tổng thống Trump đó là kế hoạch tiếp quản “vùng đất vàng” này sẽ thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong nền công nghiệp kim loại của thế giới và giúp ngăn chặn kế hoạch quân sự của Nga.

Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Trump đã nêu cao giá trị của Greenland trước cuộc họp vào tháng tới với Kim Kielsen – lãnh đạo Greenland và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen.

Greenland là một khu vực tự trị hoạt động hiệu quả trong khi Đan Mạch quản lý về chính sách quốc phòng và đối ngoại.

Ba nhà lãnh đạo đã thảo luận về các đóng góp trong NATO của Copenhagen, mà từ lâu Washington tin rằng có thể sẽ có thể tăng thêm nhiều hơn.

Điều này bao gồm cả đóng góp bằng hiện vật, chẳng hạn như cho phép các căn cứ không quân tại đây thay vì chỉ đóng góp về mặt tài chính, qua đó nêu rõ vị trí chiến lược của Greenland nằm giữa Mỹ và Nga.

Tuy nhiên, hơn tất cả, các cố vấn của Tổng thống Trump đã hạ thấp mối lo ngại về tham vọng quân sự của Nga để nhấn mạnh hơn khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc .

Greenland là khu vực có nguồn tài nguyên dồi dào và phong phú, đặc biệt là đất hiếm, bao gồm neodymium, praseodymium, dysprosium và terbium, cùng với uranium và các sản phẩm phụ của kẽm.

Các tập đoàn Mỹ từ trước đến nay vẫn coi Trung Quốc là nhà cung cấp đất hiếm tốt nhất cho các sản phẩm điện thoại di động, máy tính và gần đây là ô tô điện.

Chính phủ Mỹ từ lâu không để tâm đến việc các công ty Trung Quốc bắt đầu khai thác các mỏ trên khắp miền trung và miền nam châu Phi để đảm bảo sự thống trị đất hiếm trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy ngày càng lớn của Trung Quốc, cùng lập trường chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, đã khiến nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ bắt đầu lo ngại. Nhu cầu độc lập kinh tế lớn hơn đã thúc đẩy chương trình mua Greenland trở thành vấn đề nghiêm túc.

Ám ảnh

Là nơi có mỏ đất hiếm lớn, Greenland có thể là quân át chủ bài trong cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc.

Mục tiêu của Mỹ được cho là Greenland Minerals, một công ty Australia đã tạo dấu ấn kể từ khi bắt đầu hoạt động trên bán đảo phía tây nam của Greenland vào năm 2007 để phát triển mỏ Kvanefjeld, nơi có nhiều kim loại đất hiếm.

Hơn 100 triệu tấn quặng tại đây sẽ giúp dự án trở thành một trong những nơi sản xuất đất hiếm lớn nhất toàn cầu, bên ngoài Trung Quốc.

Trước khi lên đường dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pháp, Tổng thống Trump đã làm sáng tỏ hơn viễn cảnh mua vùng đất này, khi cho rằng Greenland cũng giống như mọi mặt hàng khác, đều sẽ có một cái giá và Đan Mạch có thể sẵn sàng bán lại.

“Chúng tôi bảo vệ Đan Mạch giống như đã làm với phần lớn thế giới. Vì vậy, đề xuất đó đã được ra khá chắc chắn. Về mặt chiến lược, điều đó thật thú vị. Đó thực chất là một thỏa thuận bất động sản lớn”, ông nói.

Nghệ thuật thương thảo chính là phát hiện ra điểm yếu của đối thủ. Ông Trump cho biết Greenland đã khiến Đan Mạch tiêu tốn khoảng 700 triệu USD mỗi năm ngân sách.

Chỉ ra gánh nặng về mặt tài chính công, nhà lãnh đạo Mỹ rõ ràng thấy rằng đó là một quân bài thương lượng tốt có thể được sử dụng để thuyết phục người nộp thuế Đan Mạch.

Tờ Financial Times đã đưa ra mức giá giả định là 1,1 nghìn tỷ USD dựa trên giá trị kết hợp của các tài sản khoáng sản và quốc phòng của Greenland.

Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Frederiksen đã tìm cách dẹp tan mọi cuộc thảo luận về giá cả, nói rằng: “Greenland không phải để bán. Greenland không phải của người Đan Mạch. Greenland thuộc về Greenland. Tôi rất hy vọng rằng điều này không phải là thứ gì đó nghiêm túc”.

Tổng thống Trump nói rằng mua Greenland không phải là ưu tiên số một, nhưng dường như nó cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những vấn đề ám ảnh ông, tờ The Guardian nhận định.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mua-greenland-khong-phai-y-tuong-vui-dua-day-se-la-vung-dat-giup-ong-trump-thang-nga-va-trung-quoc-a446241.html