Mùa hè và nỗi lo đuối nước

Năm 2017, theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%. Và tai nạn đuối nước thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh đối với phụ huynh, các cơ quan chức năng đặc biệt vào thời điểm mùa hè.

Dạy bơi cho trẻ em để tránh đuối nước.

Nhiều vụ đuối nước thương tâm

Thời gian gần đây tại nhiều địa phương, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm. Theo báo cáo sơ bộ của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), từ đầu năm 2018 đến nay, các vụ đuối nước đã cướp đi sinh mạng hàng trăm trẻ em trên cả nước.

Tại tỉnh Hòa Bình, chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2018, toàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ đuối nước, làm 8 người tử vong ở các huyện: Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lương Sơn. Tất cả nạn nhân đều là trẻ em sinh các năm 2003, 2005, 2006, 2007, 2010, 2014, 2016.

Còn mới đây, tại Quảng Nam,vào khoảng 16h ngày 24/6, hai chị em ruột là Lê Thị Cẩm Lệ (18 tuổi) và Lê Thị Cẩm Lê (13 tuổi), ở thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên ra bờ sông Thu Bồn bắt nghêu.Trong lúc bắt nghêu, không may hai em bị trượt chân ngã xuống vùng nước sâu bị đuối nước. Bà Nguyễn Thị Lợi (39 tuổi), mẹ của hai em không thấy con về đã ra bờ sông tìm và phát hiện Lệ nằm dưới nước nên gọi mọi người đến cứu nhưng nạn nhân đã tử vong. Đến 17h cùng ngày, thi thể em Lê cũng đã được tìm thấy.

Trước đó, tại Hải Phòng, vào trưa ngày 23/6, các cháu Nguyễn Văn Đ. (10 tuổi) và Nguyễn Bá Bảo H. (7 tuổi) cùng trú xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên cùng một số bạn rủ nhau ra khu vực dưới chân cầu Kiền tại khu vực thôn 3, xã Kiền Bái để chơi. Trong lúc chơi đùa, hai bé trai bị rơi xuống hố nước sâu gần chân cầu Kiền và tử vong.

Trước nữa, tại tỉnh Đắk Nông, vào chiều ngày 9/5, một vụ tai nạn đuối nước xảy ra tại địa bàn xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức khiến 4 em học sinh tử vong. Theo đó, nhóm 6 em học sinh đang chơi tại bờ sông, một em bị trượt chân ngã xuống nước, những em còn lại nhảy xuống cứu bạn nhưng tất cả đều đuối nước theo. Khi người dân gần đó nghe tiếng kêu cứu đã chạy tới thì 4 em đã tử vong, 2 em còn lại trong tình trạng nguy kịch.

Còn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2018, có đến 27 trường hợp do đuối nước, trong đó đa số là học sinh. Những trường hợp đuối nước trên có điểm chung là thường gặp nạn ở các ao, hồ do người dân đào để phục vụ tưới hoa màu.

Chia sẻ với báo chí, BS Nguyễn Trọng An- nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), cho biết, trong độ tuổi hiếu động, việc các em xuống nước nô đùa, té nước, dìm nhau... đều khiến tình trạng đuối nước dễ xảy ra. Hơn nữa, nhiều gia đình để các em đi bơi lội tự do, sự tự do cùng với thiếu kinh nghiệm thực tế về bơi lội cũng dễ dẫn đến những nguy hiểm.

Thậm chí có vụ học sinh biết bơi, tắm ở hồ bơi vẫn bị chết đuối do không có kỹ năng thoát hiểm như phân tích của cô Nguyễn Thị Nhung- giáo viên thể dục Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu trẻ không những cần biết bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước mà còn cần nắm được kỹ năng cứu đuối. Bởi khá nhiều vụ đuối nước tập thể là do các em hoảng loạn cứu nhau không được nên cùng bị chìm.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tại 4 quốc gia Bangladesh, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan, cứ 4 trẻ em tử vong, thì có 1 trẻ bị tử vong do đuối nước. Con số thống kê từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 6.500-7.000 người bị chết đuối, trong đó hơn 50% là trẻ em. Con số này cao gấp 8-10 lần so với các nước đang phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn đường thủy; sơ ý bị rơi xuống nước; trẻ em đi tắm biển, sông, hồ không có người lớn đi cùng hoặc rơi xuống hố công trình xây dựng... Đặc biệt, đại bộ phận những người chết đuối là do không biết bơi.

Chú trọng dạy bơi và kỹ năng thoát hiểm

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, để giảm thiểu tình trạng đuối nước thì việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em được cho là một trong những giải pháp cơ bản. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra khá băn khoăn khi thực tế, nhiều năm qua, bơi lội chưa bao giờ được đưa vào nhà trường như một môn học chính thức để dạy học sinh, mặc dù nước ta có tới 3.260 km đường bờ biển, mật độ sông ngòi dày đặc và thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt. Khảo sát của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho thấy, hiện mới chỉ có 35% trẻ em ở Đồng bằng sông Cửu Long và 10% trẻ em khu vực đồng bằng sông Hồng biết bơi. Tỷ lệ này càng thấp hơn nữa với vùng miền núi.

Đồng quan điểm, nhiều giáo viên thể dục cho rằng việc đưa môn bơi vào các trường học là cần thiết. Song trên thực tế, rất nhiều trường từ hệ giáo dục tiểu học đến đại học đều không có bể bơi để giảng dạy nên không thể áp dụng môn bơi vào giảng dạy chính khóa được.

Nói như ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GDĐT), khó khăn lớn nhất hiện nay là bể bơi. Đầu tư hệ thống bể bơi trong các trường học là khó khả thi do kinh phí tốn kém. Cũng đã có nhiều giải pháp khác được đưa ra, tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Ông Bá cũng chia sẻ, chủ trương Bộ Giáo dục và Đào tạo kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học, liên kết giữa trường học và cơ sở có bể bơi tại địa phương để học sinh học bơi.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2015-2017, trên toàn quốc có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Bà Hà cho rằng tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong về tai nạn thương tích ở trẻ em, ảnh hưởng tới quyền trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ em. Nếu cứ chờ đủ cơ sở vật chất mới tiến hành dạy bơi thì phải mất nhiều năm nữa việc phổ cập bơi cho trẻ mới có thể thực hiện được.

* Thống kê từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 6.500-7.000 người bị chết đuối, trong đó hơn 50% là trẻ em. Con số này cao gấp 8-10 lần so với các nước đang phát triển. Nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn đường thủy; sơ ý bị rơi xuống nước; trẻ em đi tắm biển, sông, hồ không có người lớn đi cùng hoặc rơi xuống hố công trình xây dựng... Đặc biệt, đại bộ phận những người chết đuối là do không biết bơi.

* Nhằm giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, Bộ LĐTBXH đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Quyết định số 234/ QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Có tất cả 9 bộ, ngành sẽ cùng triển khai kế hoạch phòng, chống đuối nước trẻ em; triển khai dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và các biện pháp giám sát trẻ, trông trẻ tại gia đình, cộng đồng.

Thùy Linh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xa-hoi/mua-he-va-noi-lo-duoi-nuoc-tintuc408756