Mùa khô 2013: Hạn hán, thiếu nước tiếp tục kéo dài

Mưa ít, nguồn nước ngầm cạn kiệt, hạn hán đến sớm hơn thường lệ ở nhiều địa phương và được cảnh báo sẽ kéo dài trong những tháng tới.

Những tuần qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt. Điều mà các địa phương quan tâm là vấn đề hạn hán đã và đang lan tỏa trên diện rộng, gây thiếu nước, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và vụ mùa.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó phòng khí tượng hạn vừa-hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương), cho biết dù mùa mưa năm nay đến sớm, nhưng tình hình hạn hán sẽ còn kéo dài ở miền Trung và Tây Nguyên. Do vậy, nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi.

Đặc biệt, do lượng mưa từ mùa lũ năm 2012 không cao, nước ở thượng nguồn đổ về ít đã làm cho lượng nước ngọt cung cấp cho người dân sử dụng trong mùa khô càng trở nên khan hiếm.

- Năm nay được đánh giá là hạn hánđến sớm, khiến nhiều vùng bị thiếu nước nghiêm trọng, ông có thể điểm qua tình hình khô hạn, cũng như thiếu nước đầu mùa khô này?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Từ đầu năm đến nay, hạn hán và thiếu nước đã liên tiếp xảy ra tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Mặc dù, đã có một vài đợt mưa trái mùa do ảnh hưởng của bão số 1 và áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện, nhưng do diện mưa không rộng, lượng mưa ít và không đồng đều đã khiến nhiều nơi bị khô hạn nghiêm trọng.

Tính đến cuối tháng 3, tổng lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, khu vực bắc Tây Nguyên từ đầu năm đến nay không có mưa nên tình hình khô hạn rất đáng lo ngại. Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Tây Nguyên lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 10-30%. Riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận lượng mưa thiếu hụt từ 30-70%.

Cùng với đó, trên một số con sông, giai đoạn này đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ như sông Trà Khúc giảm 0,45m (ngày 25/2), sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng giảm 3,62m (ngày 20/2), sông Srêpok tại Bản Đôn giảm 163,30m (ngày 25/2). Riêng sông Đắk Bla tại Kon Tum đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc là 514,98m (ngày 4/3).

Riêng tại khu vực Nam Bộ, tình trạng hạn hán đã xảy ra ở nhiều vùng thuộc đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với đó, xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn khoảng 1 tháng so với trung bình nhiều năm, khiến độ mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng 40-50km. Một số nơi như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng cao hơn từ 50-60km với độ mặn giao động từ 3-4%.

Về tình hình hồ chứa nước thì đến cuối tháng 2, phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam còn từ 80-100% so với dung tích thiết kế. Riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận chỉ còn từ 20-30%...

- Dự báo tình hình hạn hán, thiếu nước trong những tháng tới sẽ diễn biến như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thì mùa khô năm nay sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 5. Riêng khu vực miền Trung và một số tỉnh Tây Nguyên sẽ kéo dài đến tháng 7, tháng 8. Dù những tháng tới, các khu vực này có mưa xuất hiện, nhưng lượng mưa không đáng kể. Bởi vậy, tình hình khô hạn, thiếu nước sẽ tiếp tục kéo dài, gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Theo đó, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận và Tây Nguyên dự báo sẽ tiếp tục giảm và luôn ở mức hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10-30%. Tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt và rộng hơn ở Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai...

Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông tiếp tục giảm chậm và ở mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tình hình khô hạn còn tiếp tục xảy ra và có xu hướng mở rộng ở đồng bằng Sông Cửu Long. Xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng sẽ nghiêm trọng hơn, có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4.

Bên cạnh đó, do lượng mưa ít, dòng chảy trên các sông đều thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, dung tích nước ở các hồ đang xuống thấp. Lượng dòng chảy về các hồ giảm nên tình hình khô hạn, thiếu nước sẽ tiếp tục gia tăng trên diện rộng, xâm nhập mặn cũng sẽ lấn sâu vào các vùng cửa sông, ven biển.

- Trước tình hình hạn hán và thiếu nước tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, ông có khuyến nghị gì đối với các tổ chức và người dân trong việc điều tiết, cũng như sử dụng nguồn nước hiệu quả?

Ông Nguyễn Đức Hòa: Mặc dù nguy cơ thiếu nước chưa khẩn cấp như điện nhưng nếu hạn hạn kéo dài, lượng mưa nhỏ và mực nước các con sông tiếp tục xuống thì nguồn nước ngầm bị cạn kiệt là điều khó tránh khỏi.

Thực tế thì mạch nước ngầm bị cạn kiệt sẽ rất nguy hiểm, vì khi có mưa cũng phải mất một thời gian dài, nước mới thấm xuống lòng đất. Vì vậy, để tránh tình trạng “khát” nước kéo dài, gây ảnh hưởng nặng nề tới sinh hoạt, vụ mùa, các địa phương và các ngành liên quan cần chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn ở các khu vực trên.

Bên cạnh đó, các nhà máy thủy nông cần điều tiết nguồn nước phù hợp để bà con phục vụ sản xuất, đặc biệt là các địa phương bị khô hạn nặng như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông. Riêng về nguồn nước sinh hoạt, người dân cần tích trữ và tận dụng thêm từ nguồn nước mưa.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/mua-kho-2013-han-han-thieu-nuoc-tiep-tuc-keo-dai/20134/190416.vnplus