Mưa lớn làm cho nhiều nơi ở Khánh Hòa bị ngập

Mưa lớn kéo dài trong suốt mấy ngày qua, cùng với một số hồ, đập xả lũ đổ về khu vực hạ lưu đã gây ngập lụt cục bộ ở một số địa phương thuộc TP Nha Trang. Cũng như nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị ngập sâu, nhiều tuyến đường bị chia cắt….

Tuyến đường 2310 TP Nha Trang bị ngập.

Tính đền chiều ngày 30/11, lượng mưa tại TP Nha Trang đo được từ 150 đến 250 mm, riêng TP Cam Ranh là 206 mm, Am Chúa huyện Diên Khánh là 336 mm...làm cho nhiều tuyến đường thuộc các xã Vĩnh Phương, Vĩnh Trung, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc và Vĩnh Thạnh bị ngập, có nơi ngập sâu, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn, việc đi lại gặp nhiều trở ngại như: Khu vực xã Vĩnh Trung bị ngập tại cầu Xuân Sơn và một số tuyến đường liên thôn (gần sông Cái) thuộc thôn Võ Cạnh, Võ Cang và một số khu dân cư trũng thấp.

Tại xã Vĩnh Phương, hầu hết các tuyến đường tại 4 thôn (thôn Trung, thôn Tây, thôn Xuân Phong, thôn Xuân Phú) đều ngập từ 30-50 cm; riêng tuyến đường Lương Bằng (đoạn trũng nhất) ngập sâu hơn 60 cm; giao thông từ Quốc lộ 1 vào trung tâm xã và một số khu dân cư trũng thấp tạm dừng.

Tại xã Vĩnh Ngọc, do nước sông Cái lên cao, UBND xã đã bố trí lực lượng chốt chặn ở khu vực cầu gỗ Phú Kiểng, không cho người qua lại. Xã Phước Đồng cũng bị ngập cục bộ trên đường Nguyễn Tất Thành (đoạn qua khu vực Khu du lịch Hoàn Cầu).

Xã Vĩnh Thạnh bị ngập tại các khu dân cư thôn Phú Bình 1, Phú Bình 2 và thôn Phú Trung. Mương thoát nước thôn Vĩnh Châu (xã Vĩnh Hiệp) giáp khu Mỹ Gia bị cản dòng chảy do đơn vị thi công để đất đá, địa phương đã đề nghị chủ đầu tư khơi thông. Xã Vĩnh Thái cũng bị ngập tại khu vực dân cư hiện trạng (thôn Thủy Tú) giáp khu đô thị Mỹ Gia, hiện nay dự án đang thực hiện bơm nước thoát.

Nhà dân ven sông Cái Nha Trang.

Mưa lớn kéo dài đã làm cho hàng 100 hộ dân trên địa bàn TP Nha Trang, ở vùng trũng, thấp, nhất là các hộ dân sống ở ven sông Cái Nha Trang, sông Quán Trường, và một số sông khác đã bị ngập rất sâu. Do vậy ngay trong đêm chính quyền địa phương, cùng với các lực lượng chức năng đã khẩn trương xuống giúp dân đi sơ tám đến nơi an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, do chủ động về việc phòng chống thiên tai của tỉnh, với phương châm 4 tại chỗ, nên trong mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn rà soát các khu vực xung yếu để có biện pháp ứng phó, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tất cả các vị trí ngập nước cục bộ đều được UBND các xã triển khai lực lượng dân quân chốt chặn, không cho người qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

Các lực lượng đã tổ chức trực ban 24/24. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn duy trì trạng thái sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi có yêu cầu. Hiện trên nhiều tuyến đường và một số đập tràn ở huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, nước từ trên núi chảy tràn xuống mặt đường, nhiều nơi đã bị ngập sâu, gây khó khăn cho người dân đi lại. Do đó, cơ quan chức năng cảnh báo người dân không lưu thông qua khu vực này, nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Trước đó, khoảng 9h cùng ngày, khi cùng hai người khác trở về sau khi đi rừng kẹp trái đác tại khu vực Thác Bay- Kèo Chò thuộc xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, anh Trần Văn Quốc (24 tuổi, ngụ xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) bị lũ cuốn mất tích, đến giờ vẫn chưa tìm thấy. Tối 29-11, Sở Giáo dục và đào tạo Khánh Hòa gửi văn bản đến các phòng giáo dục và đào tạo và các đơn vị trực thuộc sở về việc tập trung ứng phó với mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh.

Sở yêu cầu các đơn vị cho học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh được nghỉ học ngày 30/11 để phòng, tránh mưa lũ và tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ để chủ động cho học sinh nghỉ trong các ngày tiếp theo (nếu mưa lũ lớn tiếp tục xảy ra).

Hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện, thị rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động triển khai các phương án ứng phó, sơ tán dân đến nơi an toàn.

Thùy Trang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mua-lon-lam-cho-nhieu-noi-o-khanh-hoa-bi-ngap-545326.html