Mưa lũ bất thường ở hàng loạt nước chỉ quen với khô hạn

Nhiều nơi vốn nổi tiếng khô hạn như Dubai, Pakistan, Afghanistan... gần đây hứng chịu những trận mưa bão có sức tàn phá nặng nề, gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và của.

Mưa lụt bất thường tấn công thành phố sa mạc Mưa lớn đổ bộ Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã làm tê liệt nhiều tuyến đường, sân bay Dubai cũng như khiến nhiều người và xe mắc kẹt trong ngập lụt.

Hôm 16/4, Dubai hứng chịu lượng mưa một ngày tương đương hai năm khiến các con đường đồng loạt biến thành sông, nhiều phương tiện ngập trong nước và riêng máy bay bỗng chốc hóa thành... thuyền trong sân bay quốc tế Dubai - sân bay bận rộn bậc nhất thế giới về du lịch quốc tế. Mùa mưa đang diễn ra ở Dubai nhưng cảnh tượng khi ấy thực sự bất thường.

CBS News đưa tin lượng mưa trên 120,65 mm đã tràn ngập Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong tối hôm đó khiến phần lớn trường học đóng cửa, công chức nhà nước phải làm việc từ xa. Những ai mạo hiểm ra khỏi nhà đều gặp sự cố với phương tiện giao thông bị chết máy trong những vũng nước sâu.

Trước đó, Ủy ban Quốc gia Ứng phó tình trạng khẩn cấp (NCEM) của nước láng giềng Oman thông báo ít nhất 18 người đã thiệt mạng trong các trận lũ quét xảy ra trên khắp cả nước kể từ ngày 14/3. 10/18 nạn nhân là học sinh đã bị cuốn trôi trong xe cùng với một người lớn.

Lượng mưa hôm 15/4 ở Pakistan và Afghanistan. Ảnh: Aljazeera.

Trong khi đó, Pakistan và Afghanistan ghi nhận hàng trăm người chết do sét và mưa lớn diện rộng, theo Al Jazeera.

Hầu hết trường hợp tử vong ở Pakistan được ghi nhận từ tỉnh Khyber Pakhtunkhwa - nơi mưa xối xả gây ra sạt lở đất, hư hại nhà cửa và làm bật gốc cây cối. Nhà chức trách cũng đã ban hành tình trạng khẩn cấp ở khu vực Tây Nam.

Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Afghanistan (ANDMA) hôm 16/4 cho biết lũ lụt cũng đã khiến ít nhất 50 người thiệt mạng ở Afghanistan và 36 người khác bị thương trong những ngày gần đây.

Điểm chung của các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão là có khí hậu nóng và khô. Mưa thường ít xảy ra ở những nơi này và lượng mưa trung bình khoảng vài chục mm/năm. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng các nước không sẵn sàng để đối phó hiện tượng mưa lụt cực đoan như thế này.

Mưa lớn do đâu?

Theo The New York Times, những đợt mưa lớn bất thường bỗng trở nên thường xuyên hơn là vì biến đổi khí hậu do con người gây ra. Khi bầu không khí tiếp tục ấm lên, nó có thể hấp thụ nhiều hơi ẩm như một chiếc khăn, sau đó tỏa ra dưới dạng những cơn mưa lũ cực đoan hơn. Nhìn chung, trận mưa lịch sử xen kẽ với hạn hán khốc liệt đã trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Dự báo thời tiết cho thấy trận mưa ở Dubai hình thành do tác động của cơn bão lớn di chuyển qua bán đảo Arab và vịnh Oman. Bahrain, Qatar, Arab Saudi và Oman cũng hứng chịu mưa lớn kéo dài.

Quan sát từ sân bay Dubai, lượng mưa hôm 16/4 tương đương lượng mưa trong 18-24 tháng tại "thành phố sa mạc". Mưa hình thành đợt đầu tiên trước khi mặt trời mọc và kéo dài cả ngày hôm đó do sự kết hợp giữa vùng áp thấp và không khí lạnh dị thường trên cao.

Sân bay ở Dubai trông giống hồ nước sau trận mưa lớn bất thường. Ảnh: Sky News.

Hậu quả là phần lớn thành phố bị đọng nước; mưa dâng nhanh và dữ dội khiến người dân không còn nơi nào để đi lại trong khu vực bằng phẳng và khô ráo. Những trận mưa như trút nước đi kèm với sét thường xuyên. Mỗi cơn bão mới sẽ cung cấp nhiều nước hơn cho những địa điểm vốn đã bão hòa. Một loạt thảm họa như lở đất, sập đường, ngưng trệ hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm... khiến tình cảnh ở Dubai càng thêm hỗn loạn.

Bên cạnh đó, FlyDubai đã chứng kiến hơn 50% chuyến bay bị hủy trong ngày 16/4. Máy bay tại sân bay khi ấy được mô tả giống như chiếc ca nô đệm khí khổng lồ, với động cơ phản lực làm tung tóe nước mưa tạo thành một màn sương trắng xóa. Các chuyến bay lượt về buộc chuyển hướng vì thời tiết xấu, còn những chuyến bay lượt đi có thể khởi hành vào thời điểm đó.

Sau một ngày thảm họa, Trung tâm Khí tượng Quốc gia nhận định mưa lớn có thể tiếp diễn tại khu vực vào ngày 17/4 và có nguy cơ lan rộng sang Tây Nam Pakistan. Mưa lớn kèm theo sấm sét cũng đã khiến ít nhất 49 người thiệt mạng tại Pakistan trong 3 ngày qua, theo Reuters.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif khẳng định chính quyền sẽ nhanh chóng gửi viện trợ đến các vùng chịu ảnh hưởng.

Rafay Alam, chuyên gia môi trường Pakistan, cho biết tình trạng mưa lớn kéo dài trong tháng 4 như hiện nay là rất bất thường. "Hai năm trước, Pakistan đã hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 3, tháng 4. Giờ đây, những trận mưa lớn lại xảy đến. Tất cả đều do biến đổi khí hậu", ông nói.

Mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều nơi tại Pakistan. Ảnh: Xinhua.

Còn tại Afghanistan, 200 gia súc đã chết, gần 600 km đường bộ bị hỏng, 800 ha đất nông nghiệp chìm trong nước là những con số thiệt hại được ông Janan Sayeq, người phát ngôn Cơ quan Quản lý thiên tai của chính quyền Afghanistan, cung cấp cho tờ Al Jazeera. Mưa lớn sau mùa đông khô hạn bất thường vừa qua đã gây ngập úng ruộng đồng, buộc nông dân ở 20/34 tỉnh của Afghanistan hoãn việc trồng trọt.

Liên Hợp Quốc vào năm 2023 từng cảnh báo rằng nước này đang trải qua những biến động lớn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mà điều này lại được thúc đẩy bởi tình trạng nóng lên toàn cầu. Sau khi bị tàn phá bởi 4 thập kỷ của xung đột và thảm họa thiên nhiên, Afghanistan được xếp trong danh sách các quốc gia có ít sự chuẩn bị nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công nghệ gieo hạt trên mây có liên quan gì?

Các chuyên gia đặt giả thuyết trận mưa lớn gây lũ lụt trên diện rộng ở Dubai và các khu vực khác của UAE một phần xuất phát từ việc gieo hạt trên đám mây.

UAE nằm ở một trong những khu vực nóng khô nhất trên Trái Đất, đồng thời là một trong những quốc gia tiên phong sử dụng công nghệ gieo hạt trên đám mây vào năm 2002 để tăng lượng mưa - vốn chỉ duy trì ở mức dưới 100 mm hàng năm, India Today đưa tin.

Mục đích chính của việc triển khai công nghệ này là đáp ứng nhu cầu về nước trong bối cảnh dân số ngày càng tăng và nền kinh tế đa dạng hóa. Ngoài UAE, Saudi Arabia và Oman cũng triển khai công nghệ tương tự để tăng lượng mưa ở quốc gia họ.

Kỹ thuật gieo hạt trên mây có khả năng làm giảm nhiệt độ khắc nghiệt ở những khu vực khô cằn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Quá trình gieo hạt trên mây liên quan đến việc đưa các chất như bạc iodide hoặc kali iodide vào đám mây bằng máy bay hoặc trực thăng. Những hạt này giúp ngưng tụ hơi nước, hình thành mưa hoặc tinh thể (nước) đá, rồi dẫn đến sự hình thành đám mây và lượng mưa tiếp theo. Thành công phụ thuộc các điều kiện khí tượng cụ thể, ví dụ như mây chứa không khí ẩm bão hòa và kiểu gió phù hợp.

Bất chấp lợi ích nhất định của gieo hạt trên đám mây, việc làm này từ lâu đã gây tranh cãi - các nhà phê bình bác bỏ nó vì xem đây là nỗ lực phản tự nhiên hoặc có khả năng gây hại cho môi trường, sức khỏe cộng đồng. Khi ấy, các nhà khoa học chưa tìm ra bằng chứng củng cố cho luận điểm này.

Suốt 22 năm, UAE luôn đi đầu trong công nghệ tăng lượng mưa để giải bài toán khí hậu khô hạn. Ảnh: Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE.

Nhưng giờ đây, Bloomberg cho rằng hoạt động gieo hạt trên mây của UAE đã góp phần trực tiếp vào lượng mưa lớn đổ xuống khu vực trong tuần này. Trùng hợp là Ahmed Habib, nhà khí tượng học chuyên nghiệp tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia UAE, cho biết hai máy bay đã tiến hành gieo hạt trên đám mây vào ngày 15, 16/4.

Một giả thuyết khác gây lo ngại là "sự trả thù" của thiên nhiên khi con người áp dụng những phương pháp phi tự nhiên nhằm đạt mục đích của mình. Trong điều kiện thời tiết đặc biệt như bão và mưa lớn hiện tại, một số người cảnh báo không nên can thiệp vào trật tự tự nhiên, theo NDTV.

Tuy nhiên, trận mưa lịch sử ở Dubai nói riêng và UAE nói chung liệu có thực sự liên quan đến công nghệ nhân tạo này hay không còn là câu hỏi bị bỏ ngỏ.

Mai Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mua-lu-bat-thuong-o-hang-loat-nuoc-chi-quen-voi-kho-han-post1470629.html