Mưa lũ gây hậu quả nặng nề

Tính đến ngày 4-9, mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ đã làm 14 người chết, 4 người mất tích; 375 nhà bị sập đổ, 828 nhà phải di dời khẩn

Trong ngày 4-9, tỉnh Thanh Hóa khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra những ngày vừa qua. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và chính quyền, nhân dân các cấp đã được huy động để nhanh chóng khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi, cầu cống bị gãy đổ, cuốn trôi, nước lũ còn chia cắt nhiều nơi nên việc xử lý hậu quả sau mưa lũ tại 2 huyện Mường Lát và Quan Hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Ngô Sỹ Tâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Quan Hóa, cho biết địa phương có hơn 600 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có gần 120 nhà bị đổ sập, cuốn trôi hoàn toàn. Hiện nhiều xã của huyện Quan Hóa cũng đang bị cô lập, mất điện. "Lũ đã làm 2 cầu treo bắc qua sông Mã tại các xã Phú Xuân và Trung Thành bị gãy đổ, hư hỏng; hàng chục nhà xưởng, cột điện cao và hạ thế bị sạt đổ… Công tác khắc phục không thể ngày một ngày hai được" - ông Tâm thông tin.

Đường sá ở huyện Quan Hóa bị hư hỏng do mưa lũ gây ra Ảnh: TUẤN MINH

Tại huyện Mường Lát, nước rút đến đâu, các lực lượng chức năng giúp bà con khắc phục đến đó. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, bày tỏ lo lắng trước tình hình huyện vẫn đang bị cô lập với miền xuôi, trong khi lương thực (gạo) tại thị trấn Mường Lát đã sắp hết, lượng xăng dầu cũng cạn kiệt, khoảng 400 nhân khẩu của bản Lát, bản Poọng của xã Tam Chung không có nhà cửa đang ở nhờ trong các nhà của quân đội, biên phòng. Toàn huyện mất điện từ hôm 28-8 đến giờ vẫn chưa có trở lại. "Nếu vài ngày tới mà lương thực tiếp tế không tới được thì nguy cơ thiếu gạo sẽ xảy ra, lượng xăng dầu cũng cạn kiệt sẽ ảnh hưởng việc tiếp tế cho máy móc sửa đường" - ông Thông nói.

Cũng theo ông Thông, dự báo Mường Lát sẽ còn bị cô lập khoảng 7-10 ngày nữa do đường vừa sửa, khơi thông thì đất đá ở trên núi lại tụt xuống. "Hôm nay, chúng tôi đã đi xuồng từ thị trấn theo sông Mã xuống cầu Chiềng Nưa (xã Mường Lý), từ địa điểm này sẽ đi xe máy tới xã Trung Lý để khảo sát mở đường đưa nhu yếu phẩm lên Mường Lát. Huyện đang cùng bộ đội tính phương án chở gạo bằng xe máy lên cầu Chiềng Nưa rồi đưa xuống xuồng chở lên Mường Lát. Tuy nhiên, 2 đoạn đường này dài tới 25 km, trong đó đường sông khoảng 13 km, nước sông Mã đang chảy xiết nên vận chuyển bằng xuồng chỉ chở được rất ít" - ông Thông nói.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, mưa lũ trên địa bàn đã làm 9 người chết, 3 người mất tích. Để khắc phục hậu quả, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho gia đình có người chết, gia đình khó khăn có nhà bị sập; cứu trợ khẩn cấp 3.360 thùng mì tôm, 130 thùng nước khoáng, 200 áo phao tại các huyện Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Quan Hóa, Yên Định.

Các tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ, sạt lở vừa qua như Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An… cũng đang khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định cuộc sống.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến ngày 4-9, mưa lũ đã làm 14 người chết, 4 người mất tích; 375 nhà bị sập đổ, 828 nhà phải di dời khẩn.

Thanh Tuấn - Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/mua-lu-gay-hau-qua-nang-ne-20180904223501205.htm