Mưa, lũ gây nhiều thiệt hại tại các địa phương

Mưa lớn kéo dài đến chiều 9-8 ở Phú Quốc (Kiên Giang) khiến nhiều nơi nước ngập sâu 2 đến 3 m. Ðây là cơn lũ thứ hai xuất hiện trên đảo Phú Quốc chỉ trong một tuần. Ðã có hàng nghìn căn nhà, đường giao thông khu vực thị trấn Dương Ðông, xã Cửa Dương bị ngập sâu trong nước. Bộ đội Biên phòng đã phải huy động thuyền thúng của các chủ tàu đánh cá để di chuyển nhiều gia đình ở khu vực ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương đến chỗ an toàn. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng đã chung tay với chính quyền và bộ đội trên đảo chăm lo cơm, mì gói, nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ người dân gặp cảnh lũ lụt. Trước đó, từ ngày 2 đến 5-8, tại đây đã xảy ra mưa lớn, lượng mưa đo được trong bốn ngày lên đến 501,2 mm.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân sơ tán khỏi các điểm bị ngập sâu trong nước trên đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: THANH TIẾN

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân sơ tán khỏi các điểm bị ngập sâu trong nước trên đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: THANH TIẾN

Ðây là lượng mưa lớn kỷ lục diễn ra trong một thời gian ngắn. Có 34 km đường trên đảo bị ngập sâu từ 0,6 - 1,5m, 3.874 căn nhà bị ngập, 14 nhà bị tốc mái, nhiều tài sản bị hư hỏng, một số cơ sở sản xuất bị thiệt hại nặng. Huyện đảo Phú Quốc đã huy động gần 700 người và nhiều phương tiện tham gia cứu hộ.

* Chiều 9-8, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ðồng Nai cho biết, mưa lớn trong những ngày qua, cộng với ảnh hưởng từ việc xả lũ của Thủy điện Ðồng Nai 5 và sự cố công trình Thủy điện Ðăk Kar, đã khiến khu vực ven sông Ðồng Nai thuộc địa bàn hai huyện Tân Phú, Ðịnh Quán bị ngập nặng, phải di dời 1.700 hộ dân. Trước đó, từ tối 8-8 đến sáng 9-8, nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt tại nhiều nơi trên địa bàn hai huyện Tân Phú và Ðịnh Quán. Hậu quả, anh Phạm Văn Lâm (58 tuổi, ngụ xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú), bị nước lũ cuốn mất tích. Về tài sản, nước lũ đã làm 32 căn nhà, hơn 1.600 ha cây trồng bị ngập. Ngoài ra, hàng chục bè cá nuôi trên sông Ðồng Nai của người dân cũng bị chìm, ước thiệt hại hàng tỷ đồng. Tại xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, trang trại gà Miền Ðồng do bị ngập trong nước lũ đã khiến hơn 100 nghìn con gà bị chết.

* Sáng 9-8, đại diện UBND huyện Ðạ Huoai (Lâm Ðồng) cho biết, trước tình hình mưa lũ đang tiếp tục diễn biến phức tạp, huyện đã huy động tối đa lực lượng, với hàng trăm người, tỏa đi nhiều nơi phối hợp các địa phương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp người dân. Thống kê sơ bộ, tại đây đã có gần 40 căn nhà bị ngập chìm trong lũ. Mưa lớn, lũ quét còn làm ngập và chia cắt hai thôn Phước Trung và Phước Dũng (xã Phước Lộc) hơn 10 giờ.

* Sáng 9-8, trên khu vực đèo Bảo Lộc (Lâm Ðồng) mưa lớn gây sạt lở nhiều điểm, phương tiện lưu thông bị tắc nghẽn. Ðèo Bảo Lộc có tới sáu điểm sạt lở, lực lượng chức năng đã điều động nhiều xe máy xúc tới hiện trường và khắc phục cơ bản bốn điểm sạt lở. Tại TP Bảo Lộc, theo thống kê, có hơn 700 căn nhà bị ngập nước; ba căn nhà bị sập một phần; 50 ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; cầu số 3 thôn Tân Ninh, xã Lộc Châu và cầu thôn 7 Ðại Lào bị ngập nặng.

* Ngày 9-8, Ðoàn công tác của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên đã làm việc với tỉnh Bình Thuận về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và tình hình sạt lở, xây dựng kè ngăn xâm thực trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, bờ biển Bình Thuận bị sạt lở hơn 22 km trong tổng số chiều dài 192 km, có những nơi biển xâm thực sâu vào bờ hàng trăm mét. Từ năm 2015 đến đầu năm 2019 đã có 407 hộ dân phải di dời do sạt lở. Tỉnh đề nghị T.Ư hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cùng ngày, Ðoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi cũng tổ chức kiểm tra an toàn hồ, đập tại tỉnh Ðác Lắc; đề nghị địa phương cần tiếp tục rà soát tổng thể thực trạng các hồ chứa nước trên địa bàn, nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

* Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bù Ðăng (Bình Phước) ngày 9-8 cho biết, sau khi xảy ra sự cố tại đập thủy điện Ðăk Kar (Ðác Nông) chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 4.000 người dân bốn xã Ðồng Nai, Phước Sơn, Thống Nhất và Ðăng Hà từ khu vực có nguy cơ ảnh hưởng đến nơi an toàn. Trước đó, vào tối 8-8, huyện Bù Ðăng cũng đã tổ chức di dời 200 hộ dân với gần 1.000 người. Hiện sự cố tại đập thủy điện Ðăk Kar vẫn chưa được khắc phục xong. Tuy nhiên, trong đêm 8-8 và sáng 9-8 lượng mưa trên địa bàn hai tỉnh Ðác Nông và Bình Phước giảm cho nên nước ở đập thủy điện đã trở về mức an toàn. Tỉnh Lâm Ðồng cũng chủ động triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó sự cố. Cụ thể, đã có 300 hộ dân tại khu vực hạ du sông Ðồng Nai sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nếu xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Ðăk Kar.

* Ðể bảo đảm người dân trong vùng bị ngập lụt tại huyện Ea Súp, Ðác Lắc, không bị thiếu đói, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 1.500 phần nhu yếu phẩm cho các hộ dân gặp khó khăn .

* Những ngày qua, tại tỉnh Bạc Liêu liên tục xảy ra mưa to, dông lốc trên diện rộng, đã làm hơn 60 căn nhà bị sập và tốc mái, 500 m bờ kênh bị sạt lở, gần 70 ha lúa và hơn 170 ha hoa màu bị ngập úng, 10 trụ điện bị ngã đổ… Ðáng chú ý, địa bàn TP Bạc Liêu được xem là vựa rau màu lớn trong tỉnh, đã có hơn 179 ha hoa màu bị ngập úng.

* Ngày 9-8, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 9-8, mưa lũ tại Gia Lai, Lâm Ðồng, Ðác Nông, Ðác Lắc, Kom Tum đã làm tám người chết; 1.495 nhà bị ngập; 10.199 ha lúa, hoa màu bị ngập úng. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, nhất là tình hình xả lũ nhằm bảo đảm an toàn hạ du.

* Nhiều tháng qua, tại Quảng Trị không có mưa, nhiều sông suối bị cạn kiệt. Sông Vĩnh Phước, nơi cung cấp nguồn nước cho hàng chục nghìn hộ dân TP Ðông Hà đang khô hạn nặng, nếu tiếp tục không mưa, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho gần 30.000 hộ dân ở TP Ðông Hà sẽ bị thiếu trầm trọng.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cho nên trong đêm nay (10-8) khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa; riêng Ðác Nông, Lâm Ðồng, Bình Phước có mưa to. Từ ngày 11-8, mưa lớn ở Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần. Ngoài ra, ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

* Ngày 9-8, các tỉnh bắc và trung Trung Bộ đã xuất hiện nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất khoảng 35 đến 360C, có nơi hơn 380C. Từ hôm nay (10-8), vùng áp thấp nóng phía tây có xu hướng phát triển trở lại cho nên nắng nóng sẽ mở rộng ra các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Cảnh báo, đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài ba đến bốn ngày ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ, các tỉnh bắc và trung Trung Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

* Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh cho nên hôm nay (10-8), trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái-lan và khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Biển động mạnh.

* Tại Cà Mau, dông lốc trong đêm 8-8 và rạng sáng 9-8 trên địa bàn huyện Ngọc Hiển và TP Cà Mau đã làm sập và tốc mái 28 nhà dân, khiến một người chết, hư hỏng hai trường học.

Trong khoảng một tuần qua, dông lốc, thời tiết cực đoan và triều cường bất thường ở Cà Mau đã làm một người chết, hai người bị thương, chìm hai tàu cá; hơn 970 nhà dân bị sập và tốc mái; sáu nhà dân hư hỏng vì sạt lở đất; 1.845 căn nhà, hơn 108 ha lúa hè thu bị ngập.

* Ngày 9-8, do thời tiết xấu, đường băng bị ngập, sân bay Phú Quốc buộc phải tạm đóng cửa tới 1 giờ ngày 10-8, ảnh hưởng nhiều chuyến bay của các hãng hàng không. Theo đó, hai hãng Vietnam Airlines (VNA) và Vasco hủy toàn bộ các chuyến bay đến, đi từ sân bay Phú Quốc trong ngày 9-8; Jetstar Pacific hủy bốn chuyến giữa TP Hồ Chí Minh và Phú Quốc, hai chuyến giữa Ðà Nẵng - Phú Quốc. Nhiều chuyến bay nội địa khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Các hãng sẽ lên kế hoạch bay bù đến Phú Quốc trong ngày 10-8 nếu điều kiện thời tiết cho phép. Hãng Vietjet phải ngừng khai thác 14 chuyến bay giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Phú Quốc; chuyển hướng hạ cánh và lùi giờ nhiều chuyến khác.

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo Phú Quốc

Tối 9-8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai có Công điện khẩn gửi: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang và một số cơ quan thông tin đại chúng về việc ứng phó với mưa lũ trên đảo Phú Quốc.

Theo đó, đề nghị:

1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:

- Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo, tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, canh gác, hướng dẫn, phân luồng bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua những nơi nguy hiểm, ngập sâu, chia cắt.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, thông tin kịp thời, đầy đủ đến chính quyền, người dân trên đảo để chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

- Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để tổ chức cứu trợ tại những nơi bị ngập lụt, chia cắt, không để người dân bị đói rét, dịch bệnh.

- Thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai.

- Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút, khử độc, tẩy trùng, không để xảy ra dịch bệnh.

2. Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến thiên tai và tình hình ngập lụt để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41162302-mua-lu-gay-nhieu-thiet-hai-tai-cac-dia-phuong.html