Mưa lũ ở Nam Trung Bộ gây thiệt hại nặng về người và tài sản

Theo báo cáo nhanh ngày 20/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, số người bị thiệt mạng và bị thương do mưa lũ, sạt lở đất ở Khánh Hòa tiếp tục tăng.

Lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. (Nguồn: tuoitre.vn)

Lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. (Nguồn: tuoitre.vn)

Cụ thể, số người chết đã lên đến 16 người, tăng 04 người so với báo cáo nhanh sáng 18/11 (do 02 người mất tích đã tìm thấy thi thể, 01 người bị thương nặng tử vong và 01 người chết mới được phát hiện) ; số người mất tích 03 người, giảm 02 người so với báo cáo nhanh ngày 18/11/2018; người bị thương 28 người, tăng 17 người so với báo cáo nhanh ngày 18/11/2018.

Mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng về tài sản và sản xuất. Cụ thể, có 63 nhà bị sập, hư hỏng (TP Nha Trang: 40 nhà, huyện Cam Lâm: 7 nhà, Thị xã Ninh Hòa: 16 nhà) tăng 20 nhà so với báo cáo nhanh ngày 18/11/2018; nông nghiệp và chăn nuôi với hơn 308 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại và 8.900 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; hạ tầng với hơn 10.000 m3 đất đá và đường giao thông bị sạt lở, 1.500m kênh mương bị hư hỏng, 150m kè bị sạt lở.

Về tình hình thiệt hại do mưa, lốc xoáy, tại Phú Yên: Theo báo cáo số 05 ngày 19/11/2018 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, trong ngày 18/11, trên địa bàn thôn Phú, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An xảy ra lốc xoáy làm 01 người chết, 23 người bị thương, 6 nhà sập, 81 nhà bị tốc mái và sạt lở hơn 500m3 đất đá đường Quốc lộ, Tỉnh lộ.

Tại tỉnh Cà Mau: Theo báo cáo nhanh số 91 ngày 19/11/2018 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, ngày 19/11 trên địa bàn xã Tân Hải, huyện Phú Tân lốc xoáy làm 1 người bị thương và 3 nhà bị tốc mái.

Về tình hình sạt lở bờ sông: Theo báo cáo nhanh số 168 ngày 19/11/2018 của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang, lúc 05h ngày 19/11/2018 tại ấp Tây Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu, khu vực bờ sông kênh Xáng xảy ra sạt lở ăn sâu vào đất liền khoảng 1m, gây ảnh hưởng đến 3 hộ dân sống trong khu vực. Hiện địa phương đã vận động 3 hộ nêu trên di dời về nơi an toàn.

Về tình hình hồ chứa, tại khu vực Nam Trung Bộ, vận hành xả lũ của các hồ có cửa van: Hồ Tà Pao đang xả 185 m3/s, Tân Giang 12 m3/s, Trà Co 75 m3/s. Đặc biệt, do mưa lớn từ ngày 18-19 tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận một số hồ chứa mực nước tăng nhanh.

Cũng theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngày 19/11, trên vùng biển phía Đông Nam Phi-líp-pin có một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động. Hồi 19h ngày 19/11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 8,8 độ Vĩ Bắc; 130,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Phi-líp-pin khoảng 650km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 20/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 124,9 độ Kinh Đông, ngay khu vực miền Trung Phi-líp-pin, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và vào Biển Đông. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh lên. Cấp độ rủi ro thiên tai - cấp 3.

Để ứng phó với thiên tai, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 57/CĐ-TW ngày 17/11/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn về ứng phó với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, trong đó tập trung các nội dung sau:

UBND tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ. Tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng. Hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, rét.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ đang xuất hiện gần biển Đông để có biện pháp ứng phó phù hợp. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn.

Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết nguy hiểm, sớm phát hành các bản tin dự báo và cảnh báo để chủ động có các biện pháp ứng phó.

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng. Thường xuyên thông báo diễn biến mưa lũ để các địa phương, nhân dân, bộ, ngành biết, chủ động phòng tránh.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố và thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn.

Đặng Hiếu

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/mua-lu-o-nam-trung-bo-gay-thiet-hai-nang-ve-nguoi-va-tai-san-505569.html