Mưa lũ sau bão số 3 gây thiệt hại ở nhiều địa phương

Chiều 3-8, theo báo cáo, mưa lũ đã gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản cho các huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát ở vùng thượng du Thanh Hóa. Mưa to kéo dài hiện gây sạt lở tại 13 điểm trên tuyến Quốc lộ 15C nên đường lên thị trấn huyện Mường Lát bị tắc.

Nước mưa dồn xuống nền đường giao thông lên thị trấn Mường Lát. (ẢNH: MAI LUẬN)

Nước mưa dồn xuống nền đường giao thông lên thị trấn Mường Lát. (ẢNH: MAI LUẬN)

Mưa lớn làm sạt lở ta-luy dương và ta-luy âm khiến đoạn Quốc lộ 15C từ xã Trung Lý đến xã Pù Nhi; tuyến đường 15D từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý và đường tỉnh 15E từ xã Tén Tằn đi xã Quang Chiểu, xã Mường Chanh bị tắc.

Tại huyện Quan Hóa mưa lớn và lũ từ sông Luồng đổ sang gây ngập, tắc hai điểm trên Quốc lộ 15C ở xã Nam Tiến và xã Nam Xuân nhưng đã thông đường vào 18 giờ ngày 3-8.

Mưa lũ còn gây sạt lở đường ở Thiên Phủ, Nam Động; làm hư hỏng hoàn toàn hai nhà ở của hai hộ dân, thiệt hại một số hoa màu, lâm sản của nhân dân. Thủy điện Trung Sơn đang xả lũ, lưu lượng 1.800 m3/giây, bảo đảm an toàn công trình và tiếp tục xả lũ theo lưu lượng nước về hồ thủy điện. Hiện các huyện miền núi tiếp tục ứng phó với mưa, lũ; trợ giúp nhân dân các xã, thôn bản khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 15 giờ cùng ngày, Thanh Hóa có một người ở huyện Mường Lát tử vong do mưa lũ, 13 người ở huyện Quan Sơn, Mường Lát còn mất tích; 29 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 200 ngôi nhà bị thiệt hại một phần đến rất nặng; năm điểm trường bị ảnh hưởng; một nhà văn hóa thôn bị hư hỏng.

Mưa lũ cuốn trôi ba ô-tô; xô đổ hai cột điện hạ thế; ngập 11ha lúa, làm thiệt hại hơn 20ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây trồng hàng năm.

Tuyến Quốc lộ 15C, 16, 217 bị ngập bảy điểm, sạt lở 87 điểm; đường tỉnh bị sạt lở 22 điểm; 600m3 đất đá vùi lấp ao thủy sản. Các địa phương đã di dời, sơ tán 148 hộ dân đến nơi an toàn.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện yêu cầu các huyện miền núi phân công cán bộ xuống ngay các xã, địa bàn trọng điểm, vùng nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, chỉ đạo sơ tán dân đến nơi an toàn; tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, nhất là huyện Quan Sơn phối hợp với Bộ đội Biên phòng, lực lượng tại chỗ nỗ lực tìm kiếm những người còn mất tích; kịp thời thăm hỏi, trợ giúp gia đình có người gặp nạn do thiên tai gây ra. Các địa phương đang huy động nhân lực, phương tiện tại chỗ phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải Thanh Hóa khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông, bảo đảm lưu thông thông suốt.

* Tại tỉnh Sơn La, mưa lớn làm ngập úng nhiều điểm tại huyện Mộc Châu, trong đó tại thị trấn Nông Trường Mộc Châu, tuyến đường khu vực Khách sạn Mường Thanh, ngã 3 quốc lộ 43 rẽ đi Tân Lập và khu vực ngã tư Trường Giang, tiểu khu Bó bun nước làm ách tắc giao thông nhiều giờ.

Mưa lũ sối nước qua khu dân cư ở thị trấn huyện Mộc Châu. (ẢNH: ĐỨC TUẤN)

Lực lượng CSGT Công an huyện Mộc Châu đã phải kịp thời phân luồng, hướng dẫn các phương tiện qua lại an toàn. Bản Lả Mường, tiểu khu 7, xã Chiềng Sơn sạt lở tà luy dương phía sau nhà của 04 hộ gia đình, khối lượng bùn đất vùi lấp khoảng 330m3.

Tỉnh lộ 102, tuyến đường liên xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu đi xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ vị trí tiểu khu 8 bị sạt trượt đất đá, cây cối phía ta luy dương sạt xuống mặt đường khối lượng khoảng 500m3, gây ắc tắc cục bộ.

Mưa lũ gây ngập úng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân; theo thống kê làm chết 350 con gà; 03 con lợn; vỡ ao cá khoảng 2,58ha.

* Theo dự báo, ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ 100-300mm/đợt, Riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt. Đặc biệt mưa lớn tại khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, trọng tâm là Thanh Hóa, khả năng gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương tổ chức ứng trực theo quy định, đồng thời chủ động theo phương châm bốn tại chỗ.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ ngành và địa phương cần triển khai một số nội dung chủ yếu như sau: Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, tiếp cận hỗ trợ các khu vực bị chia cắt tại Thanh Hóa. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, công trình xung yếu, bị sự cố, và đang thi công. Vận hành tiêu úng sản xuất nông nghiệp phù hợp với diễn biến mưa, lũ. Sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở.. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.

MAI LUẬN; ĐỨC TUẤN, THẢO LÊ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41089502-mua-lu-sau-bao-so-3-gay-thiet-hai-o-nhieu-dia-phuong.html