Mưa lũ triền miên, lo loạt đê điều gặp sự cố

Trong bối cảnh mưa lũ còn diễn biến vô cùng phức tạp, điều các địa phương lo ngại nhất hiện nay là hệ thống đê điều gặp sự cố.

Ông Nguyễn Đức Quang (giữa), Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) chủ trì cuộc họp

Ông Nguyễn Đức Quang (giữa), Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) chủ trì cuộc họp

Theo Bộ NN&PTNT, hiện toàn quốc có tổng số 9.080km đê, trong đó trên 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lớn, dân số tập trung đông và nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng tập trung ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Phát biểu tại cuộc họp thông tin về tình hình lũ lụt ở Trung Quốc, tình hình mưa lũ ở miền Bắc Việt Nam và lũ lụt trên hệ thông sông Hồng, sông Thái Bình do Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức chiều tối nay, 21/8, ông Trần Công Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) cho biết: Hệ thống đê điều ở nhiều địa phương đang bị xuống cấp do những tác động của thiên tai và con người.

Theo thống kê, các tuyến đê từ cấp III trở lên còn 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 482 cống cũ, hư hỏng; 158km kè sạt lở, hư hỏng. 230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.

“Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 23 sự cố; đặc biệt, trong những đợt mưa lũ vừa qua, có một số sự cố nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn đê”, ông Tuyên cho biết.

Đáng chú ý, do mưa lũ phức tạp cộng với việc Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng khiến mực nước ở nhiều hệ thống đê vượt mức báo động và gây ra những sự cố nghiêm trọng.

Cụ thể, tại tỉnh Phú Thọ xảy ra sự cố sạt mái đê phía đồng tại K87+200, K95+100 đê tả Thao, huyện Lâm Thao vào ngày 19/8, xuất hiện 3 cung sạt mái đê phía đồng, tổng chiều dài 50m.

Hiện địa phương đang theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố. Sau đó, dàn van cống Bún tại K62+500 đê hữu Thao (đê chưa phân cấp), huyện Tam Nông bị sập đổ, nước chưa chảy vào đồng, địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng vật tư để hoành triệt khi nước sông lên cao.

Ngoài ra, bờ sông tại K1+200 đê hữu Thao (đê chưa phân cấp), huyện Hạ Hòa bị sạt lở với chiều dài cung sạt 30m, cách chân đê 100m. Hiện địa phương đang tiến hành xử lý giờ đầu bằng giải pháp thả đá hộc hộ chân.

Tại TP Hà Nội, xảy ra sự cố sụt, sạt cống trạm bơm Tảo Khê, trên đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Đây là cống xây dựng năm 1986, khẩu độ (1,8x2)m, tường xây đá hộc, trần bê tông cốt thép.

Ngày 19/8, thượng lưu cống và một phần thân cống bị sạt, sụt. Đến 10h30 ngày 20/8, toàn bộ thân đê hữu Đáy phía trên cống bị sụt thành hố sâu 8m, đường kính 10m. Địa phương đã tiến hành xử lý giờ đầu đắp lấp hố sụt và hoàn trả phần thân đê bị sụt, hoàn thành trong ngày 20/8.

“Những sự cố đê điều này là vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, các địa phương cần huy động nguồn lực, tập trung xử lý các sự cố đê điều đã xảy ra, đảm bảo chống lũ; thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Ngoài an toàn hệ thống đê điều, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) chia sẻ thêm, hiện có nhiều nguy cơ rủi ro từ tai biến địa chất.

Cụ thể, do ảnh hưởng của bão số 4, các đợt mưa lớn, một số nơi lượng mưa lên tới trên 400mm; đã có 8 người chết và 1 người mất tích tại các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng của đợt thiên tai này. Những ngày tới, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 sẽ tiếp tục xảy ra đợt mưa tiếp theo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro từ tai biến địa chất gây sạt lở đất, lũ quét...

Trong 3 ngày (19h/17/8 đến 19h/20/8): Khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Sa Pa (Lào Cai) 160,4 mm; Thông Nguyên (Hà Giang) 83,2mm; Ngòi Hút (Yên Bái) 110mm; Ngòi Thia (Yên Bái) 148mm; Phú Yên (Sơn La) 86mm; Ba Vì (Hà Nội) 94mm; Chúc Sơn (Hà Nội) 101,2 mm…

Từ nay đến ngày 22/8, ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông (phổ biến 20-50mm/24h, có nơi trên 100mm/24h); riêng khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (phổ biến 50-100mm/24h, có nơi trên 120mm/24h); trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ: Cấp 1.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/mua-lu-trien-mien-lo-loat-de-dieu-gap-su-co-132279.html