Mùa mưa bão cận kề, người Sài Gòn lại nơm nớp mỗi khi ngang quận 7

Nằm trong danh mục bị cấm trồng trong khu đô thị và thành phố vì rất dễ gãy đổ, song cây Điệp phèo heo (tên khoa học Enterolobium cyclocarpum) lại được trồng khá nhiều tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng khi mùa mưa bão đang cận kề.

 Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Được biết, vào thời điểm mùa mưa vài năm trước, cơn mưa to kèm theo gió mạnh vào buổi chiều tối khiến hàng loạt các loại cây xanh trong khu đô thị (KĐT) Phú Mỹ Hưng bị gãy đổ, bật gốc.

Khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu ở Mỹ Viên, Mỹ Cảnh, hồ Bán nguyệt... hay tại khu Mỹ Thái II ngã đè gãy trụ đèn chiếu sáng. Tuy không có thương vong về người nhưng nhiều cây đổ ngổn ngang khiến người dân lo sợ.

Sau sự việc hàng loạt cây xanh bị gãy đổ gây hậu quả nghiêm trọng, cuối năm 2013, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục 28 cây cấm trồng trên đường phố, khu đô thị trong thành phố.

Hình ảnh cây đổ ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng năm 2013. (Ảnh tư liệu)

Nguyên nhân được đưa ra là do 28 loài cây đó là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho con người, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường.

Trong đó, có một số cây khá phổ biến nhưng lại có đặc tính nguy hại như: Bàng, bồ kết, các loại cây ăn quả, sung, dừa, gòn, keo tai tượng, mò cua (sữa), sọ khỉ (xà cừ), trứng cá, trúc đào,... Đặc biệt là cây Điệp phèo heo, có đặc tính rễ ăn ngang, lồi trên mặt đất (gây hư vỉa hè, mặt đường có thể ảnh hưởng đến giao thông) cành cây nhánh giòn, dễ gãy.

Theo một số chuyên gia thực vật học, cây Điệp phèo heo tuy là cây dễ sống, phát triển rất nhanh, sớm cho bóng mát, thế nhưng lại có nhược điểm là dễ gãy, rễ lồi, ăn ngang và mau bung rễ, dễ bật gốc. Vì thế, việc ban hành danh mục cấm trồng loại cây trên trong các khu đô thị, thành phố là hợp lý, giảm bớt nguy hiểm cho người dân và người tham gia giao thông.

Sau một trận mưa kèm giông lốc năm 2013, hàng loạt cây Điệp phèo heo tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã gãy đổ, bật gốc. (Ảnh tư liệu)

Trước những lo lắng có cơ sở của người dân sống quanh khu vực, ngày 19.4, PV Báo Lao Động đã có mặt tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng để cận cảnh tìm hiểu.

Trên nhiều tuyến đường trong KĐT Phú Mỹ Hưng đang được phủ xanh bằng rất nhiều hàng cây Điệp phèo heo. Do được trồng từ nhiều năm nay, nên cả tuyến đường được phủ mát bằng hàng cây hai bên. Đứng cạnh cây Điệp phèo heo, thân cây to đến nỗi hai người lớn ôm không xuể, chiều cao ước chừng 25 - 35m.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Mạnh Tuấn (SN 1963, người dân sống nhiều năm tại KĐT Phú Mỹ Hưng) cho hay, việc cây xanh trồng nhiều trong khu dân cư là rất tốt, giúp cuộc sống người dân cảm thấy dễ chịu, mát mẻ hơn.

Tuy nhiên, nhiều cây Điệp phèo heo cao lớn được trồng từ nhiều năm, khiến ông và nhiều người dân bất an, do cây này rất giòn, cành dễ gãy, gốc không ăn sâu trong đất, nếu gặp mưa to gió lớn sẽ rất nguy hiểm cho người đi đường.

Cùng quan ngại trên, anh Trần Đức Thắng (SN 1986) nói: "Mùa mưa năm ngoái, trong lúc mưa to gió lớn, tôi lái xe qua đây thì bất ngờ bị 1 cành cây to rơi xuống vỡ cả kính xe, thay mất hơn 20 triệu. Trước đây, cây Điệp phèo heo từng bị bật gốc, cành cây ngã đè vô nhà, may mắn là gia đình không bị làm sao. Tôi và nhiều cư dân nơi đây rất mong Ban quản lý KĐT Phú Mỹ Hưng có biện pháp thay thế, trồng mới cây khác an toàn hơn cây Điệp phèo heo".

Phản hồi trước thông tin này, ông Vũ Xuân Đức - Phó TGĐ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cho biết, năm 1995, KĐT này được phát triển từ vùng đất trống. Sau đó, công ty đã đưa vào trồng cây Điệp phèo heo. Khi ấy, TPHCM chưa có quy định cấm trồng loại cây này.

Cũng theo vị lãnh đạo công ty, hiện tại khu độ thị đang được trồng nhiều loại cây xen kẽ và sẽ cho thay thế dần những cây Điệp phèo heo.

Long Nguyễn - Trần Khanh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/mua-mua-bao-can-ke-nguoi-sai-gon-lai-nom-nop-moi-khi-ngang-quan-7-728894.ldo