Mùa mưa bão - ứng phó sự bất thường của thời tiết

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, mùa mưa bão năm nay tại khu vực phía Nam, lượng mưa sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm, khoảng 20%-30%, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan...

Có thể nói mùa mưa 2018 đã bắt đầu ở khu vực phía Nam. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, giai đoạn đầu mùa mưa cho đến tháng 6, lượng mưa sẽ cao hơn mức trung bình nhiều năm, khoảng 20%-30%, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá vào thời kỳ đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa. Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị vào mùa mưa bão…

Lốc xoáy, mưa lớn, triều cường, sạt lở

Đó là các loại thiên tai thường xuyên xuất hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống người dân và các doanh nghiệp tại TPHCM và khu vực phía Nam vào mùa mưa bão hàng năm.

Tại Hội nghị Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2018, Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP cho biết, năm 2017 TP xuất hiện 9 đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp 3, trong đó, đợt triều lúc 5 giờ ngày 6-12 đã lên mức 1,71m (tại Trạm Phú An) là đỉnh triều cao nhất trong chuỗi số liệu ghi nhận được từ năm 1960 đến nay.

Có thể do được chuẩn bị khá tốt nên dù đỉnh triều đạt mức kỷ lục mới nhưng không xảy ra sự cố bể bờ bao như nhiều năm trước đó. Đặc biệt là khu vực ven sông Sài Gòn thuộc các quận Thủ Đức, 12 và huyện Hóc Môn.

Đây là điều đáng biểu dương khi những năm trước đó tình trạng vỡ bờ bao hay xảy ra vào cuối năm, dọc theo sông Sài Gòn như huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Thủ Đức.

Nhiều năm qua, đỉnh triều cường có xu hướng dâng cao hơn, khi sự cực đoan của thời tiết do tác động của biến đổi khí hậu làm nắng hạn gay gắt, khi mưa lại tập trung với lưu lượng cao.

Diễn tập cứu người dân bị nạn ra khỏi nhà khi có bão Ảnh: CAO THĂNG

Trong khi đó, hiện tượng dông và lốc xoáy xảy ra 3 đợt tại các quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân và huyện Bình Chánh làm sập 2 nhà; tốc mái và hư hỏng một phần của 278 căn nhà, 12 trường học, 281 phòng trọ; hư hỏng 7 ô tô, làm gãy 30 trụ điện, ngã đổ 392 cây xanh, khiến 6 người bị thương. Một dạng thiên tai khác gây ám ảnh người dân sống khu vực ven sông, nhất là tại khúc cua các con sông lớn, là hiện tượng sạt lở.

Năm 2017 xảy ra 14 vụ sạt lở tại 4/5 huyện ngoại thành là Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và quận 12, làm hơn 5.500m2 đất, 215m kè đá và 25m hệ thống đường giao thông bị ảnh hưởng, gây hư hỏng hoàn toàn 1 căn nhà và hư hỏng một phần 10 nhà khác, đồng thời làm chìm 1 chiếc ghe.

Ngoài ra, vào tháng 5-2017 tại khu vực bờ phải rạch Tôm (đoạn thượng lưu cầu rạch Tôm) thuộc tổ 8, ấp 3, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè xuất hiện vết nứt dài khoảng 40m, rộng 10-20cm, có nguy cơ ảnh hưởng đến 7 hộ dân sống chung quanh.

Sau khi sự cố xảy ra, các địa phương lắp rào chắn phong tỏa hiện trường, nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản người dân, cũng như cảnh báo người dân sống quanh khu vực có nguy cơ cao về sạt lở; vận động, hỗ trợ khẩn cấp di dời người dân khu vực có thể bị sạt lở tiếp đến nơi tạm cư an toàn.

Hiện tượng thời tiết luôn bất ngờ

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cần đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan như giông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá vào thời kỳ đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.

Thời kỳ kết thúc mùa mưa thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to xảy ra trong thời đoạn ngắn, dễ gây ra tình trạng ngập cục bộ nhiều nơi.

Trong khi đó, khu vực Đông Nam bộ, hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, đỉnh triều cao hơn báo động 3 khoảng 0,15 - 0,20m, tại Phú An 1,65 - 1,70m xuất hiện đầu tháng 11, 12.

Năm 2018 có khoảng 12-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Cần đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới những tháng cuối mùa (tháng 10, 11, 12) ảnh hưởng đến Nam bộ.

Năm 2017 có đến 16 cơn bão xuất hiện biển Đông (con số kỷ lục, 3 cơn bão đe dọa đến huyện Cần Giờ, TPHCM là số 12, 14 và 16), cùng 6 cơn áp thấp nhiệt đới và 6 vùng thời tiết nguy hiểm, gây biển động mạnh.

Mặc dù các tỉnh Nam bộ không phải là vùng đất thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng yếu tố bất ngờ của thời tiết luôn có thể xảy ra.

Cơn bão Linda năm 1997 càn quét các tỉnh ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, kể cả Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Cần Giờ TPHCM, làm trên 3.000 người chết và mất tích trên biển, cùng sự thiệt hại của khối tài sản rất lớn, vẫn còn ám ảnh bao người.

Đầu thập niên 2000 cũng đã từng có thêm vài cơn bão tác động trực tiếp đến Nam bộ, TP đã phải chủ động di dời người dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ nhằm bảo đảm sự an toàn tính mạng người dân.

Xu hướng càng về cuối năm, các cơn bão ở biển Đông lại có xu hướng dịch chuyển về phía Nam trùng với thời kỳ triều cường cao trong năm và tình trạng lưu lượng mưa thường tập trung vào giai đoạn cuối mùa, nay còn là sự tác động của biến đổi khí hậu tạo ra tổ hợp bất lợi (mưa lớn rơi vào giai đoạn đỉnh triều, bão xuất hiện ngoài biển Đông) luôn là điều có thể xảy đến và gây ra thiệt hại khó lường cho TPHCM và khu vực phía Nam.

CÔNG PHIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mua-mua-bao-ung-pho-su-bat-thuong-cua-thoi-tiet-519759.html