Mùa mưa lũ, đề phòng tai nạn đường thủy

Với nhiều tuyến sông, hồ đập lớn, giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tuy vậy, khi tham gia giao thông, nhiều người vẫn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm quy định về an toàn.

Xử lý nghiêm

Bắc Giang có ba tuyến sông chính gồm sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và nhiều hồ đập, trong đó có hai hồ lớn có hoạt động thủy là Khuôn Thần và Cấm Sơn. Vào mùa mưa lũ, hoạt động giao thông trên tuyến đường thủy luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn bất ngờ bởi lưu lượng dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều luồng lạch nguy hiểm.

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra, xử lý tàu vận chuyển vật liệu xây dựng vi phạm trên sông Thương (đoạn qua địa bàn huyện Yên Dũng).

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra, xử lý tàu vận chuyển vật liệu xây dựng vi phạm trên sông Thương (đoạn qua địa bàn huyện Yên Dũng).

Theo rà soát của các địa phương, toàn tỉnh có 35 bến khách ngang sông, 11 cầu phao đang sử dụng (10 cầu trên sông Lục Nam và một cầu trên hồ Cấm Sơn). Hoạt động vận chuyển hành khách chủ yếu tập trung trên tuyến sông Cầu với 24 bến và bến phà Đồng Việt, một số bến trên tuyến sông Thương. Đáng chú ý là trong số đó chỉ có 5 bến có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, 22 bến có giấy phép nhưng đã hết hiệu lực, 8 bến không có giấy phép hoạt động.

Khảo sát một số bến đò trên sông Cầu và sông Thương, đa số khách đi đò đều không mặc áo phao, không để ý đến an toàn của chính bản thân. Đơn cử trên địa bàn huyện Hiệp Hòa - một trong những địa phương có số lượng bến đò lớn nhất tỉnh. Dọc sông Cầu có 12 bến đò ngang sông nhưng hầu hết chưa được cấp phép mở bến, không đủ điều kiện hoạt động, nguy cơ cao mất ATGT. Vậy mà hằng ngày những bến đò này vẫn hoạt động, đưa đón khách sang tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hà Nội để làm việc, học tập, giao thương.

Khi được hỏi tại sao không mặc áo phao, anh N.V.T ở xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) nói: “Từ nhiều năm nay, gần như ngày nào tôi cũng đi đò sang Bắc Ninh để làm việc từ sáng đến chiều về. Vì khoảng cách từ bờ bên phía Hiệp Hòa sang Bắc Ninh và ngược lại không lớn, chỉ vài chục mét, thời gian đi chỉ mấy phút nên tôi ngại mặc. Hơn nữa chủ đò cất áo phao trong khoang, tôi và nhiều hành khách khác cũng không yêu cầu đưa áo phao để mặc”.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản hơn 90 trường hợp vi phạm; xử phạt 550 triệu đồng. Trong đó lập biên bản đối với 12 bến thủy nội địa, 12 phương tiện thủy và người điều khiển phương tiện thủy có liên quan; phối hợp bắt giữ 2 trường hợp khai thác cát trái phép.

Trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, bến bãi trên các tuyến sông cũng còn nhiều tồn tại, vi phạm quy định an toàn. Sáng 24/5 vừa qua, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phối hợp cùng một số lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện tại bến thuyền thuộc đê tả sông Thương, anh Phan Thế Việt (SN 1985) ở xã Xuân Phú (Yên Dũng) là chủ quản lý bến có hành vi tổ chức cho phương tiện vào neo đậu, xếp dỡ hàng hóa tại vị trí chưa được công bố hoạt động bến thủy nội địa.

Tiếp đó, đội công tác phát hiện anh Đặng Văn Dũng (SN 1994) ở xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) điều khiển tàu BKS VP - 0718 trọng tải hơn 540 tấn đang neo đậu, xếp dỡ hàng hóa tại vị trí chưa được công bố hoạt động bến thủy nội địa. Ngoài ra, qua kiểm tra còn phát hiện thuyền viên trên tàu không có giấy chứng nhận chuyên môn theo quy định pháp luật.

Nâng ý thức chấp hành

Ðể bảo đảm ATGT đường thủy mùa mưa lũ năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh có công văn số 2408/UBND-KTN về tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa. Thực hiện chỉ đạo này, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đã phối hợp cùng với các địa phương, cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các biện pháp.

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến sông, hồ, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trực tiếp tuyên truyền các quy định của pháp luật, phát tờ rơi cho lái tàu, chủ phương tiện, hành khách, người dân ven sông để biết và thực hiện. Sử dụng các nền tảng mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin, hình ảnh về ATGT đường thủy nội địa, tiếp cận nhanh hơn với nhiều người.

Trung tá Nguyễn Đức Dũng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: “Đội yêu cầu 35/35 chủ quản lý bến khách ngang sông, 11/11 chủ cầu phao ký cam kết bảo đảm an toàn vận chuyển hành khách, trang bị đủ áo phao, dụng cụ cứu sinh, thiết bị an toàn theo quy định. Kết hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện như chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện vào hoạt động”.

Bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động các bến khách ngang sông chưa được cấp phép, không đủ điều kiện an toàn. Quản lý chặt hoạt động của phương tiện thủy; bến, bãi chứa vật liệu xây dựng ven sông; khai thác cát, sỏi; bến thủy nội địa và bến khách ngang sông. Qua đó đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại bằng đường thủy của nhân dân, bảo đảm thông suốt, an toàn, không để xảy ra tai nạn giao thông trên đường thủy.

Về phía các địa phương có các tuyến sông, hồ, chính quyền tăng cường quản lý, củng cố điều kiện hoạt động bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, cầu phao, cải thiện điều kiện an toàn đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Đặc biệt chú trọng tại khu vực bến khách có đông người dân, trẻ em, học sinh qua lại hằng ngày, phương tiện thủy trong vùng lòng hồ…

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/405687/mua-mua-lu-de-phong-tai-nan-duong-thuy.html