Mùa mưa Nam Bộ đến quá muộn, người dân làm gì để ứng phó?

Chuyên gia khuyến cáo với các khu vực không thường xuyên bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhất là vùng trồng cây ăn quả, người dân nên kiểm tra độ mặn khi sử dụng nước để tránh thiệt hại.

Mùa mưa Nam Bộ đến muộn 1 tháng

Ông Hoàng Văn Đại, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình và cùng kỳ năm 2023. Trong tháng 2 và tháng 3, khu vực này đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Các đợt xâm nhập mặn sâu nhất xuất hiện trong ngày 8-13/3 với ranh mặn 0,4% và 0,1% xâm nhập vào sâu 40-66km, có nơi sâu hơn. Đặc biệt, Bến Tre và sông Cổ Chiên xuất hiện xâm nhập mặn sâu hơn năm 2016 - năm diễn ra đợt hạn mặn lịch sử. Bên cạnh đó, các kênh rạch một số tỉnh đang gặp tình trạng khô cạn. Xâm nhập mặn năm nay diễn ra sớm, giữa tháng 11/2023 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, đợt mặn diễn ra ngày 8-13/3 có nồng độ mặn cao nhất năm.

Mùa mưa ở Nam Bộ năm nay đến muộn cả tháng khiến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân gây khô hạn, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trước hết là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên khu vực hầu như không mưa từ đầu năm đến nay. Số ngày nắng kéo dài làm một số lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi. Đồng thời, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, kết hợp với thời kỳ triều cường đã đẩy mặn vào sâu nội đồng.

Dự báo về xu hướng thời gian tới, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng đến muộn hơn so với trung bình. Theo đó, mùa mưa có thể bắt đầu ở Tây Nguyên vào đầu hoặc giữa tháng 5, trong khi Nam Bộ khoảng cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 mới xuất hiện. Vì vậy, tổng lượng mưa trong tháng 5 ở các khu vực trên nguy cơ thiếu hụt 15-30% so với trung bình.

Theo chu kỳ hàng năm, mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ thường bắt đầu từ cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và kéo dài cho đến hết tháng 11, khi gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động. Từ tháng 4 đến tháng 6, cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra hạn hán tại các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên.

Thời gian tới, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng tiếp tục ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và hơn năm 2023. Từ nay đến hết mùa hạn mặn, khu vực có thể hứng chịu 3 đợt xâm nhập mặn, tập trung trong các ngày: 8-13/4, 22-28/4 và 7-11/5. Chuyên gia khuyến cáo với các khu vực không thường xuyên bị tác động bởi xâm nhập mặn, nhất là vùng trồng cây ăn quả, người dân nên kiểm tra độ mặn khi sử dụng nước để tránh thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trong thời gian cao điểm này.

Dựa vào tự nhiên để chống hạn

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, nguyên phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), việc ứng phó hạn, mặn là phải tính ngay từ mùa mưa. Lúc đó thấy mưa ít, nước lũ về ít thì phải chuẩn bị ngay. Năm nay lũ thấp, mưa ít nên cố gắng cuối mùa mưa có những trận mưa lớn thì cần trữ nước càng nhiều càng tốt.

Thứ hai là xuống giống ngay lúc đó khi còn nước. Và khi thu hoạch rồi thì đừng xuống giống lúa nữa. Thậm chí một số vùng thấy nguy cơ xâm nhập mặn rõ ràng thì nên bỏ ruộng không. Có những tình huống mình không làm gì thì đó cũng là một giải pháp. Như trong trường hợp này nếu tiếp tục gieo trồng thì sẽ thiếu nước, bị thiệt hại, tính ra có thể không tốt hơn so với bỏ đất trống qua cơn hạn mặn này.

Kế tiếp là nghĩ tới việc tiết kiệm nước. Ngay cả các công ty cấp nước vùng ven biển giờ cũng phải chấp nhận một số thời điểm nước máy nhiễm mặn do xử lý cũng không hết. Họ dự kiến chở nước ngọt ở thượng nguồn về cung cấp cho những nhà máy cấp nước. Và dù có chở về thì cũng giải quyết một phần nào đó bởi ngay cả vùng thượng nguồn cũng thiếu nước.

Về lâu dài nên khôi phục vùng trũng trữ nước. Trước đây vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên là vùng trũng, chứa nước tự nhiên, mà giờ người ta làm đê bao để tăng vụ. Những vùng này cần khôi phục việc trữ nước. Chỗ nào thấy làm lúa ba vụ có thể giảm còn hai vụ, vụ còn lại xả nước vào trữ lại, giúp cải tạo đất.

Đồng quan điểm sống chung với hạn mặn, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng vệc sống chung với hạn mặn rất phù hợp. Từ xa xưa người dân đã có những giải pháp sống chung. Thông qua kinh nghiệm thực tiễn, hình thành nên tri thức bản địa của người dân trong việc sinh hoạt, sản xuất theo điều kiện sinh thái tự nhiên, để thích ứng.

TS Trần Hữu Hiệp cũng cho rằng, trong 10 năm đã xảy ra 3 trận hạn mặn, cho thấy nhịp độ chu kỳ hạn mặn tác động tới vùng nhanh hơn trước đây, nên vấn đề thích ứng hạn mặn là yêu cầu đương nhiên của vùng. Vì đó, cần kết hợp giữa các công cụ khoa học và kiến thức bản địa để dự báo sớm hạn mặn vùng; đồng thời có kế hoạch chủ động thích ứng tương xứng.

Cần xem hạn mặn là đặc tính mang tính chu kỳ và có tính đột xuất của vùng để xây dựng những kịch bản tăng cường liên kết vùng phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống người dân phù hợp. Ông Hiệp cũng đề xuất, cần công bố bản đồ hạn mặn của vùng và có sự cập nhật thường xuyên.

Trước đó đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia nêu hạn mặn năm nay không khốc liệt bằng 2015-2016 và 2016-2020. Nguyên nhân là hạn mặn đến muộn hơn khoảng 20 ngày, dòng chảy ở thượng nguồn lẫn dung tích Biển Hồ cũng cao hơn cùng kỳ các năm. Dự báo tình trạng nắng nóng sẽ còn tiếp tục kéo dài hơn 10 ngày nữa. Mùa mưa năm nay sẽ muộn hơn cùng kỳ khoảng 10-15 ngày, từ 20/4 sẽ có mưa trái mùa, đến 20/5 sẽ chính thức vào mùa mưa.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mua-mua-nam-bo-den-qua-muon-nguoi-dan-lam-gi-de-ung-pho-169240408164440125.htm