Mùa nhảy lửa của người Pà Thẻn

Cứ gần cuối năm là lúc người Pà Thẻn háo hức chuẩn bị cho một mùa lễ hội nhảy lửa độc đáo của mình. Những người con Pà Thẻn quan niệm rằng, nhảy lửa là cách để tạ ơn thần linh đã ban cho họ một năm tràn đầy sức khỏe, mùa màng bội thu và cầu chúc cho mùa vụ sau sẽ thuận hòa trời đất, tiếp tục gặt hái được những vụ mùa trĩu nặng, dân làng được no ấm, xua đuổi được tà ma, bệnh tật…

Phụ nữ Pà Thẻn nhảy múa cùng với lửa. Ảnh: Thanh Hiền

Người Pà Thẻn sinh sống chủ yếu ở hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Theo số liệu thống kê, dân số của người Pà Thẻn hiện có khoảng hơn 3.700 người. Tuy không nhiều nhưng người Pà Thẻn có lối sống cộng đồng gắn kết với sinh hoạt văn hóa dân gian khá phong phú, thể hiện qua kho tàng truyện cổ tích, các làn điệu dân ca, hát ru, các điệu nhảy múa, các loại nhạc cụ (khèn bè, đàn tầy nhậy, sáo trúc...). Trong các nét sinh hoạt văn hóa đó, phải nhắc đến lễ hội Nhảy lửa - lễ hội độc đáo riêng có, không lẫn với văn hóa của bất kỳ dân tộc nào khác trên đất nước Việt Nam.

Để có thể tổ chức lễ hội này, thầy cúng sẽ phải làm lễ để xin phép tổ tiên, xin phép thần lửa, thần nước cho dân làng được tổ chức. Sau đó, đồng bào Pà Thẻn chọn một bãi đất rộng, bằng phẳng nhất trong làng lễ tiến hành làm lễ.

Một đống lửa lớn được đốt lên trên khoảng sân rộng. Các thầy mo lần lượt sắp xếp các thủ tục. Trong 30 đến 40 phút đầu, thầy mo sẽ ngồi trên chiếc ghế dài, hát các bài cúng của riêng người Pà Thẻn. Đây là nghi lễ với nội dung mở đường lên trời tìm “hồn ma”, rồi gọi về nhập vào những người sẽ tham gia nhảy lửa. Khi thầy mo đăng đàn làm lễ cúng, từng người một sẽ ngồi đối diện với ông. Đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa.

Sau khi thầy cúng kết thúc các nghi lễ ban đầu thì cũng là lúc cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên. Thời điểm này báo hiệu họ sắp có sức mạnh, sắp có sự dũng cảm để nhảy vào những đám than hồng đang ở độ rực rỡ, nóng bỏng nhất. Păng... păng... păng! Tiếng gõ đều đều của thanh tre trong tay thầy mo mỗi lúc một thôi thúc, các động tác lắc lư của người nhảy mạnh dần. Họ bắt đầu bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa. Một nguồn năng lượng nào đó nâng bổng người nhảy bật lên bằng cả hai chân và lao vào giữa đống lửa cháy rừng rực. Họ vừa nhảy, vừa đưa tay bới tung than hồng, thỉnh thoảng lại bốc lên một viên than cho vào miệng nhai. Khung cảnh tác động cực mạnh vào thị giác, những người thiếu can đảm thậm chí không dám nhìn. Than đang cháy hồng rực văng tung tóe như cầu vồng, quấn vào với các hình người đang nhảy múa thành một vũ điệu âm dương có một không hai.

Cứ hai mươi phút lại có một đợt nhảy, vũ điệu nhảy lửa càng về sau càng sôi động. Dần dần, không chỉ có các thanh niên trực tiếp làm lễ xin phép tham gia, mà ngay cả khán giả reo hò xung quanh cũng nhập cuộc.

Ở đợt nhảy cuối cùng, chính thầy mo - linh hồn của buổi lễ cũng thăng hoa mạnh mẽ, tung lên những bước nhảy vào đám lửa rực cháy. Màu áo đỏ hòa với màu than hồng tực rỡ tạo cho buổi lễ hội thêm mê hoặc. Ở trong sân khấu đỏ rực màu than hồng đó, những người nhảy lửa như những nghệ sĩ tràn trề sức mạnh

Người Pà Thẻn quan niệm, thời gian nhảy lửa dài, ngắn tùy thuộc vào sức mạnh mà thần linh ban cho. Người nào đuối sức có thể ngồi nghỉ, chờ đến đợt ban sức mạnh tiếp theo rồi lại quăng mình vào thử thách một lần nữa. Chừng nào lửa chưa tàn, than vẫn đỏ, đôi chân người Pà Thẻn vẫn còn muốn rung lên, trái tim còn bừng bừng nhiệt huyết...

Kết thúc buổi lễ, thầy cúng hoàn thành nốt thủ tục tiễn thần linh. Đống lửa trước đó ngùn ngụt cháy giờ chỉ còn hâm hấp nóng, nhưng các chàng trai vẫn còn như lâng lâng sau những phút giây thăng hoa, sôi động. Mọi người tản ra về, tin tưởng vào một năm mới may mắn và no ấm đang đến, trong tâm trí lại háo hức chờ đón mùa Đông năm tới, khi một đống lửa khác được nhóm lên...

Thanh Hiền

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mua-nhay-lua-cua-nguoi-pa-then/