Mùa qua ngang phố

Phố Quang Trung vốn là tuyến đường huyết mạch của đô thị trung tâm, song vẫn giữ được sự trầm lắng, không quá xô bồ, đông đúc rất riêng.

Phố Quang Trung sầm uất hiện nay. Ảnh: Tuấn Anh

Con phố Quang Trung ở TP Hải Dương là cả thanh xuân của mẹ tôi, dù thanh xuân của mẹ tôi không khởi đầu cùng phố!

Con phố Quang Trung là cả quãng đời đắng ngọt của gia đình tôi dù vô vàn ngọt đắng trong đời sống gia đình tôi không sống ở con phố này!

Đó là phố, là thanh xuân, là bao đắng ngọt và hiện là bóng dáng mẹ tôi bởi cơ quan mẹ gắn với phố, với phường, với hàng bàng đôi bên vỉa hè xanh như cổ tích khi xuân về, đỏ rực trời khi đông tới một thuở và với cả nắng không khi nào gay gắt bởi phố luôn rợp bóng cây hay nước ngập lênh loang lúc mưa dồn về bởi ống cống thoát không nuốt kịp!

Mùa đã về ngang phố rồi đấy. Mùa về với những ngọn heo may lách mình qua ô cửa nhỏ, với màn mưa bóng mây như vô vàn chấm bi vẽ lên mặt phố; với lênh lênh nắng tràn xuống cùng mưa chuyển mùa để câu lên đôi đầu của cầu vồng bảy sắc.

Mẹ tôi kể, bà chạm mặt phố Quang Trung lần đầu khi còn là sinh viên sư phạm ngồi sau xe đạp của người bạn đi dọc ngang những con phố của thị xã Hải Dương khi đó. Con phố rợp bóng lá bàng xanh, vỉa hè lát đá đủ cho người thiếu nữ nhà quê vốn quen với phù sa, với bờ tre, gốc rạ lần đầu lên phố như mẹ tôi thảng thốt. Khi đó, phố Quang Trung chưa bị cắt ngang bởi rào chắn đường sắt Hà Nội – Hải Phòng nên mẹ tôi và bạn cứ thủng thẳng đạp xe từ ngã tư Đông Thị, kéo qua Trường Tô Hiệu, qua Viện Mắt, tới khi chạm cánh đồng làng Gòi chứ chưa có quốc lộ 5 chạy ngang như bây giờ. Đôi bạn cứ trôi đi như thế. Trôi đi cùng sắc xanh của lá bàng, của nắng, của gió, của hương lúa từ cánh đồng làng Gòi theo về. Rồi cuộc đời đưa đẩy, mẹ tôi chuyển ngành, cơ quan mẹ đóng trên phố Quang Trung thì con phố này trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức cuộc đời tôi.

Đến khi vào lớp một, tôi được học dưới mái Trường Tiểu học Tô Hiệu vốn có tên Trường Nam Tiểu học cũ (cùng thời với Trường Con gái giờ là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu), đóng chân trên phố Quang Trung. Ngôi trường tiểu học nơi tôi được cô giáo dạy những nét chữ đầu tiên ấy được xây dựng từ năm 1921 vốn chỉ dành cho con trai những gia đình quan chức và quyền quý. Ở đó, mỗi chiều nếu rảnh, mẹ lại chờ tôi cùng chiếc xe đạp cà tàng, bế xốc tôi ngồi lên yên sau, dắt xe và tôi băng qua ngã tư sang hàng thịt xiên nướng của cô Hương mua cho tôi hai xiên thịt nướng rồi lại thong thả đạp xe chở tôi về nhà. Mẹ chắc chắn biết, phía sau xe, thằng con trai đang hít hà thỏa mãn niềm ước ao với hương vị thịt xiên que nướng cùng mùi mồ hôi tỏa ra trên mái tóc dài của mẹ.

Trường Tiểu học Tô Hiệu trước đây có tên là Trường Nam Tiểu học cũ. Ảnh: Tuấn Anh

Tôi lớn dần cùng những tháng năm nhọc nhằn ấy của đời mẹ cũng như với những biến chuyển trong vóc dáng của con phố thanh bình. Hàng bàng cũ mất dần vì chúng không còn phù hợp với vóc dáng của phố. Những ngôi nhà cổ kính được xây dựng dưới thời Pháp thuộc dần bị phá dỡ, thay bằng những biệt thự kiến trúc hiện đại. Hàng vỉa hè bó vỉa đá xanh dần được thay bằng màu đá khác khi mặt phố được tôn cao... Nhưng phố Quang Trung thì vẫn là một phần cuộc sống của tôi và mẹ khi ngày bốn chiều mẹ vẫn đi về trên con phố ấy, khi tôi từ nơi học tập và công tác trở về vẫn “kiếm cớ” để được chở mẹ ra cơ quan, để lại được hẹn hò cùng con phố yên bình.

Rồi những yêu thương gắn kết đủ để tôi tìm hiểu phố Quang Trung nay, vốn xưa kia là đoạn phố kéo dài nửa phố Đông Thị, Đông Giang cũ đến cửa Trường Tiểu học Tô Hiệu - Nam Tiểu học cũ. Những năm cuối thế kỷ 19, năm 1883, đây là một trong những con phố nằm trong lỵ sở Hải Dương, một đô thị khá sầm uất, dân cư đông đúc. Năm 1923, phố Quang Trung vẫn nằm trong khu vực trung tâm lỵ sở Hải Dương lúc này được định danh là thị xã. Cuối năm đó, toàn quyền Đông Dương Merlin ra nghị định nâng cấp đô thị Hải Dương lên thành phố và sau khi giải phóng, TP Hải Dương trở lại là thị xã Hải Dương, khi đó có năm khu phố: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, mỗi khu có một số đường phố và xóm nhỏ. Phố Quang Trung lúc này là con phố có đường phố không rộng, sau mỗi trận mưa to, nước ao hồ dềnh lên, dập dềnh sóng dưới ánh đèn vàng vọt trong đêm nhưng rợp bóng bàng và thật thanh bình.

Heo may níu thu về ngang phố bỗng gợi lên trong lòng tôi những ngân rung thật lạ, ngân rung của những kỷ niệm, của hiện tại và quá khứ, của vui và buồn, của ngọt ngào và chát đắng cùng con phố thân thương. Tôi nhớ về phố Quang Trung thường nhật như nhớ về một người thân.

Mùa đã về ngang phố. Phố Quang Trung vốn là tuyến đường huyết mạch của đô thị trung tâm, song vẫn giữ được sự trầm lắng, không quá xô bồ, đông đúc rất riêng. Mùa đã về ngang phố. Như người đàn bà đã qua nhiều đắng ngọt, phố Quang Trung sau nhiều sự đổi thay giờ đây lại vẫn dịu dàng, đằm thắm gợi bình yên. Sự hòa trộn giữa nét sôi nổi hiện đại với vẻ trầm mặc cổ kính cùng vô vàn dấu ấn cũ xưa vẫn đang tồn tại tạo nên một nét riêng của phố Quang Trung giữa lòng thành phố!

HOÀNG ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/mua-qua-ngang-pho-359520.html