Mùa quết bánh phồng

Khi cơn bấc chưa trưởng thành thổi liu riu trên cánh đồng trơ gốc rạ sau mùa gặt, má dắt chị đi mót những bông lúa nếp còn sót lại nằm là là trên mặt ruộng.

Gần hết buổi sáng chỉ được nửa thúng, cả hột chắc lẫn hột lép, chị mỏi chân ngồi bệt xuống bờ mẫu, hỏi má làm vậy chi cho cực mà đâu có được bao nhiêu. Má cười, nói để quết bánh phồng ăn Tết. “Vậy còn mấy bao nếp trong bồ lúa làm gì hả má?”. “Thì để bán lấy tiền mua áo ấm cho con”. Nghe má nói, chị mới có cảm giác se lạnh, dù mặt trời đã mọc từ lâu.

Má bưng thúng nếp về ngồi dưới tán vú sữa tuốt hột. Đợi chiều, lúc gió phe phẩy từng chập thì rê để những hột lép bay đi. Má đem những hột chắc phơi thật khô, bỏ vô bao chở ra nhà máy xay. Đây là loại nếp tốt nhất, vừa dẻo vừa thơm, được má chọn làm giống từ năm này sang năm khác để làm bánh phồng trong dịp Tết. Sau đêm đón Giao thừa, hàng xóm qua nhà chúc năm mới, má nướng bánh đãi khách, hễ ai khen ngon má chia nếp giống cho họ trong mùa cấy tới.

Minh họa: XUÂN HUYỀN.

Minh họa: XUÂN HUYỀN.

Những ngày cận Tết, má vo gạo nếp đổ vô thau ngâm nước mấy ngày đêm liền. Khi thấy nổi bọt li ti trên mặt nước, má cho nếp vào nồi nấu thành xôi, rồi bỏ xôi vô cối quết nhuyễn. Công đoạn này khó nhất, đòi hỏi những người có kinh nghiệm, vì quết càng mịn càng nhuyễn để khi nướng bánh nở đều và xốp. Nếu quết không đều tay, khi nướng bánh sẽ bị chai cứng. Thường thì, thợ quết là trai tráng trong xóm, vừa khỏe vừa khéo léo, tay bắp săn chắc mới đủ sức nâng chày. Những ngày này, cả xóm xôn xao, rộn ràng trong tiếng thập thình giã nếp. Các chàng trai được dịp khoe cơ thể cường tráng và sự dẻo dai trước những cô gái đang ngước cặp mắt lúng liếng ngưỡng mộ. “Hồi xưa, cũng nhờ quết bánh phồng mà tía má nên chồng nên vợ, giờ mới có tụi bây”. Chuyện này má nói hoài, tới nỗi chị thuộc lòng.

Sau khi xôi đã được quết thành một khối vừa mềm mịn vừa có độ đàn hồi, những người phụ nữ lớn tuổi sẽ nắn bột, vo tròn từng viên cỡ trái chanh, rồi chuyển cho các cô gái cán mỏng. Bánh được cán xong đem phơi trên những chiếc đệm hoặc chiếu mới ngoài nắng. Nếu nắng càng gắt thì bánh càng thơm, dẻo, giữ được lâu ngày, không bị ẩm mốc. Tía nói, hồi đó má cán bánh rất khéo, mỏng dánh, đều tăm tắp nên rất nhiều người mê, nhưng vì nhịp chày quết bánh của tía quá “điêu luyện” nên họ đành tiếc rẻ thua cuộc. Mỗi lần tía nói, chị đều cười, dù câu chuyện không mới!

Những đêm thức đợi Giao thừa, má đốt đống lửa rơm trước cửa nhà nướng bánh phồng. Ban đầu bánh chỉ bằng cái dĩa thôi, má lật qua lật lại nhịp nhàng, mềm mại trên bếp lửa hồng, bánh nở dần lên gấp hai gấp ba lần. Nhiều lúc chị tròn mắt ngạc nhiên: “Sao kỳ vậy má?”. “Ừ, vậy người ta mới kêu bánh phồng!”. “Ngộ thiệt! Má ơi, ai nghĩ ra bánh này hả má?”. "Má làm sao biết. Chỉ biết rằng lâu lắm rồi, hồi má còn nhỏ thì ông bà ngoại đã quết bánh phồng mỗi khi Tết về. Trai gái trong xóm quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, ít có điều kiện đi đây đi đó. Lúc cuối năm ngơi nghỉ, thảnh thơi, quết bánh phồng đón năm mới cũng là dịp để họ làm quen, kén vợ chọn chồng". Rất nhiều người đã thành đôi từ những mùa quết bánh, sau đó sanh con đẻ cái, ăn đời ở kiếp với nhau. Hơn nữa, sau mỗi mùa quết bánh phồng, tình làng nghĩa xóm càng thêm quyện chặt, bền lâu, có hục hặc gì cũng bỏ qua hoặc giải quyết mau lẹ. Với chị, cả tuổi thơ đã từng háo hức, quây quần quanh bếp lửa để coi má nướng bánh, để được má cho ăn những chiếc bánh nóng hôi hổi, thơm ngào ngạt và tan dần trong miệng. Đó là lúc tờ mờ sáng, trời se lạnh, chị và những đứa em ngồi quanh bếp vừa sưởi ấm vừa đợi bánh. Đó cũng là lúc ba ngồi trên bộ ván uống trà với các bác, các chú, vừa ăn bánh vừa bàn tính những dự định về đồng áng, mùa màng cho năm tới...

Tản văn của HỒ KIÊN GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-quet-banh-phong-650432