Múa rối nước - 'kho vàng' ngàn năm tuổi

Tới đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long dự kiến sẽ làm hồ sơ đệ trình lên Ủy ban xét duyệt của UNESCO để rối nước Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Một tiết mục múa rối đặc sắc của Nhà hát Múa rối Thăng Long

Một tiết mục múa rối đặc sắc của Nhà hát Múa rối Thăng Long

Do tính đặc sắc, nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc. Đặc biệt, múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam.

Múa rối rộn rã “chu du” trời Tây

Từ ngày 20 - 26/1/2019, Nhà hát Múa rối Thăng Long sẽ tham dự Liên hoan Quốc tế các Nhà hát lần thứ 11- Kerala 2019 (ITFoK ) diễn ra tại Thrissur (Ấn Độ). Nhà hát đã chuẩn bị những tiết mục đặc sắc nhất của nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam như: Múa Rồng, cấy, cày, tát nước, câu ếch, múa bát tiên, Đánh cáo bắt vịt, Câu ếch, Đánh bắt cá, Nhi đồng hý thủy… Ngoài những tiết mục truyền thống, Nhà hát cũng sẽ dàn dựng tiết mục để giao lưu văn hóa với Ấn Độ.

Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật như triển lãm giao lưu và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, trong đó có nghệ thuật múa rối nước cổ truyền.

Đặc biệt, công chúng quốc tế còn được tìm hiểu quá trình làm nghề khéo léo, điêu luyện của các nghệ sĩ Việt khiến những con rối trở nên sống động, có hồn trong những vở kịch hết sức độc đáo, đặc sắc và hấp dẫn. Toàn bộ chi phí tham gia Liên hoan của Nhà hát Múa rối Thăng Long do Ban Tổ chức Liên hoan tại Ấn Độ tài trợ.

NSƯT Chu Lượng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long làm Trưởng đoàn nghệ thuật cho hay, chuyến xuất ngoại đầu tiên trong năm Kỷ Hợi sẽ tạo động lực để Nhà hát mở rộng giao lưu tại các liên hoan nghệ thuật quốc tế với các nhà hát trên thế giới.

Từ khi thành lập đến nay (tháng 10/1969), Nhà hát Múa rối Thăng Long đã tạo được bước đi cho riêng mình, đó là luôn đặt yếu tố dân tộc, truyền thống lên hàng đầu, chú trọng phát triển theo phương châm kế thừa nhưng có sự sáng tạo.

Nhà hát từng bước khôi phục, làm mới các tích trò cổ, bổ sung vào chương trình biểu diễn; đồng thời, xây dựng thành công một số chương trình, vở diễn độc đáo, hấp dẫn với nhiều hình thức, thể loại, thu hút sự quan tâm của du khách.

Năm 2018, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đạt Huy chương Bạc cho vở “Công chúa tóc mây” và đặc biệt giải Đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho NSƯT Nguyễn Phương Nhi và Bạch Quốc Khanh.

Nhà hát cũng lưu diễn thành công trên 40 quốc gia, ghi dấu trong lòng khán giả các nước, góp phần quảng bá và thúc đẩy giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước trên thế giới. Nhà hát có xưởng tạo hình con rối dùng để biểu diễn và làm quà lưu niệm cho du khách; chú trọng sưu tầm, nghiên cứu tư liệu để hệ thống hóa và đánh giá giá trị kho tàng các tích trò rối nước dân gian, xây chương trình đưa sân khấu rối nước vào trường học.

Trong những năm tới, Nhà hát sẽ hướng đến xây dựng những xuất diễn VIP, theo mô hình của các nhà hát nổi tiếng thế giới. “Đó là những buổi diễn chất lượng cao mà ở đó, khán giả phải đặt trước, phải đăng ký trước mới mua vé được” - NSƯT Chu Lượng “khoe” đầy phấn khởi. Nhà hát Múa rối Thăng Long 5 năm giữ vững kỷ lục “Nhà hát duy nhất tại Châu Á biểu diễn 365 ngày trong năm” và ngày càng tăng “sức nóng”.

Mong sớm trở thành di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại

Là người kết nối Nhà hát Múa rối Thăng Long với Diễn đàn Festival Quốc tế IFF và Liên hoan Quốc tế các Nhà hát lần thứ 11 - Kerala 2019, đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới, Chủ tịch Diễn đàn Festival Quốc tế IFF - ITI – UNESCO cho hay: “Trong kho tàng sân khấu truyền thống thì rối nước thực sự là một “kho vàng”.

Những cái chúng ta đang sử dụng, biểu diễn chỉ là một phần rất nhỏ trong “kho vàng” ngàn năm tuổi ấy. Nghệ thuật này không chỉ phát triển trong dân gian mà ngay ở các sân khấu chuyên nghiệp cũng rất được yêu thích. Khán giả quốc tế đặc biệt yêu thích nghệ thuật này. Theo tôi, múa rối nước hội đủ các tiêu chuẩn do UNESCO đặt ra”.

Múa rối nước có niên đại hơn một ngàn năm tại vùng châu thổ sông Hồng. Trên Bia “Sùng Thiện Diên Linh tự tháp” có niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (năm 1121) thời Lý Nhân Tông, có ghi trò múa rối nước biểu diễn mừng thọ nhà vua.

Điều đó chứng tỏ rằng nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam đã được hình thành từ bao đời nay, được lưu truyền tồn tại và ngày càng phát triển với nhiều thể loại như: Rối tay, rối que, rối dây, rối nhà mồ, rối mặt nạ, rối diều sáo, rối đồ chơi, rối sào, rối bóng... đặc biệt có múa rối nước. Nội dung trong tích, trò, vở diễn mang tính chất mua vui, giải trí, gây cười, rất hóm hỉnh, hài hước, châm biếm.

NSƯT Chu Lượng chia sẻ: “Rối là kết tinh và hội tụ những giá trị cốt lõi của văn hóa người Việt. Chúng tôi dự định làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận rối nước là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhà hát đang xây dựng tiêu chí để quy tụ các học giả, nhà nghiên cứu để nâng tầm giá trị của nghệ thuật rối nước hơn nữa. Hiện nay, múa rối đã tuyệt vời rồi nhưng làm sao để tuyệt vời hơn nữa là trách nhiệm của nhà quản lý cũng như của nghệ sĩ chúng tôi”.

Còn nhớ, cách đây 17 năm, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 1612, ký ngày 28/3/2002 thông báo ý kiến Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ VHTT về việc lập hồ sơ múa rối nước trình UNESCO xét công nhận đây là kiệt tác về di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Thùy Dương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/mua-roi-nuoc-kho-vang-ngan-nam-tuoi-435421.html