Mua sắm tập trung: Tiết kiệm chi 30.000 tỷ đồng/năm cho NSNN

Theo tổng kết của Bộ Tài chính, từ khi triển khai thí điểm tại 24 bộ, ngành, địa phương vào năm 2008 đến nay, việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung (MSTT) đã chứng tỏ rõ những hiệu quả quan trọng và cho thấy đây là một hướng đi đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Khi phương thức MSTT đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công. Ảnh: internet.

Tiết kiệm hàng trăm tỷ

Hiệu quả có thể nhận thấy rõ nhất chính là việc tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Theo số liệu tổng hợp, chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm của các bộ, ngành, địa phương tham gia thí điểm là hơn 467 tỷ đồng. Hiệu quả này không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chỗ chất lượng đầu vào tốt, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng thì số tiền chênh lệch và hiệu quả mua sắm công sẽ lớn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc thí điểm MSTT đã hình thành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung: điều chỉnh từ khâu lập kế hoạch, giao dự toán mua sắm, xây dựng phương án tổ chức mua sắm, tổ chức đấu thầu mua sắm, bàn giao tài sản, hàng hóa cho đơn vị quản lý, sử dụng, bảo hành, bảo trì tài sản mua sắm, kiểm tra giám sát, công khai kết quả mua sắm, xử lý vi phạm, trách nhiệm tổ chức thực hiện...

Trên cơ sở các điều kiện về năng lực, về khả năng cung cấp hàng hóa dịch vụ, về cơ chế chính sách quản lý ngân sách và quản lý tài sản nhà nước hiện hành, việc thực hiện tổ chức MSTT tại các bộ, ngành, địa phương đã tạo ra sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản nhà nước tiết kiệm và hiệu quả.

Không chỉ thế, việc mua sắm tài sản, hàng hóa theo phương thức tập trung đã đáp ứng được yêu cầu trang bị hiện đại, đồng bộ về tài sản, góp phần đổi mới công nghệ quản lý theo hướng cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là việc trang bị thiết bị công nghệ thông tin, trang thiết bị chuyên dùng trong ngành Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Y tế, Giáo dục.

Tài sản công được quản lý và sử dụng ngày càng chặt chẽ hơn, triệt để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước (NSNN). Việc mua sắm các tài sản công phải thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức quy định, kế hoạch và dự toán NSNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các bộ, ngành và địa phương phải ban hành tiêu chuẩn, định mức về máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại, số lượng) trang bị cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, làm cơ sở cho việc thực hiện mua sắm, quản lý, xử lý tài sản.

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung, bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn, định mức, chế độ và tiết kiệm, hiệu quả.

Chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có 28 bộ, ngành, 61 địa phương công bố danh mục tài sản thực hiện MSTT. Một số bộ, địa phương đạt kết quả tốt, như: Bộ Y tế đã tiết kiệm được 477 tỷ đồng khi tổ chức đấu thầu MSTT thuốc biệt dược gốc và thuốc Generic. TP. Hà Nội thực hiện MSTT 65 gói thầu, gồm: Mua sắm thiết bị văn phòng, bàn ghế học sinh; mua sắm trang thiết bị y tế với tổng giá trị gói thầu tiết kiệm được 50,844 tỷ đồng và giảm hơn 231 tỷ đồng so với dự toán đăng ký nhu cầu. Yên Bái tiết kiệm được 918 triệu đồng, Lai Châu tiết kiệm được 12,27 tỷ đồng...

Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản nhà nước tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời, phương thức này góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chặt chẽ, đúng pháp luật, tránh tình trạng mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức.

Góp phần giảm bộ máy

Vừa qua, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ra đời, việc mua sắm tài sản công đã được thực hiện theo phương thức MSTT hoặc mua sắm phân tán. Trong đó, phương thức MSTT được áp dụng bắt buộc đối với tài sản thuộc danh mục tài sản MSTT theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả phương thức mua sắm này, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh rà soát danh mục tài sản MSTT của đơn vị mình để ban hành, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tài sản được đưa vào danh mục MSTT đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và thực tế của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, tổ chức MSTT tài sản thuộc danh mục MSTT của bộ, ngành, địa phương đúng quy định của pháp luật.

Đánh giá tác động, ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết: Số tiền tiết kiệm được chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm, tức là tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng/năm do mua sắm với số lượng lớn giá mua sẽ giảm; giảm đầu mối thực hiện mua sắm và giảm đáng kể chi phí để tổ chức đấu thầu.

Ngoài ra, việc thực hiện MSTT khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch. Khi phương thức MSTT đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mua-sam-tap-trung-tiet-kiem-chi-30-000-ty-dong-nam-cho-nsnn.aspx