'Mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, dễ sai sót'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí bày tỏ điều này và mong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định chặt chẽ, rõ ràng và khả thi.

Đề xuất quy định đàm phán giá thiết bị và vật tư y tế

Dành toàn bộ thời gian phát biểu về đấu thầu liên quan lĩnh vực y tế, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 5/4 đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) đề nghị cho đấu thầu tập trung với cả hàng hóa, thuốc men, vật tư có số lượng rất nhỏ, rất hiếm cần mua sắm.

Theo ông, cho phép như trên thì mới có nhà cung cấp, vì từng đơn vị mua quá ít thì không ai bán. Bổ sung quy định trên mới đảm bảo có thuốc hiếm; qua đó giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên khi tuyến dưới không có thuốc nên dồn lên...

“Mua sắm thuốc men, vật tư y tế là một hoạt động khó, dễ sai sót và cũng rất hay bị lợi dụng, tiêu cực. Vì vậy, rất mong Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này để đảm bảo chặt chẽ, rõ và khả thi” – ông Nguyễn Anh Trí bày tỏ.

Cũng quan tâm đến những điều khoản liên quan đến mua sắm trong lĩnh vực y tế, đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn Bình Dương) cho rằng những cơ chế, chính sách và những quy định của dự thảo lần này đã tạo một cơ hội rất tốt cho người hành nghề y, cơ sở khám, chữa bệnh cũng như người bệnh trong việc sử dụng các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh.

Lên quan đến quy định về chỉ định thầu, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung một trường hợp bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và vật tư y tế để điều trị cho người bệnh nhưng hiện cơ sở chưa có sẵn vì rất hiếm gặp.

Để hạn chế tình trạng người hành nghề có thể lạm dụng quy định thì việc chỉ định điều trị để chỉ định thầu chỉ được đưa ra sau hội chẩn chuyên môn theo Luật Khám, chữa bệnh.

Đề cập đàm phán giá, đại biểu cho biết quy định áp dụng đối với thuốc là biệt dược hoặc là thuốc chỉ có 1-2 nhà sản xuất, tuy nhiên ông đề xuất nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với thiết bị và vật tư y tế. Bởi lẽ thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật và hạn thường chỉ có 1 đến 2 hãng sản xuất. Vật tư y tế sử dụng trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền, thường là sản phẩm có tính phát minh nên giá cao.

“Như vậy, chúng ta cần phải có cơ chế đàm phán giá để mua sắm với giá tốt nhất, điều này cũng có lợi cho cả bệnh nhân và cho Quỹ bảo hiểm y tế” – ông Khảm đề xuất.

Đấu thầu tập trung liệu có cồng kềnh, chời đợi?

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) thì đề nghị cân nhắc quy định về chỉ định thầu để đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, cạnh tranh cũng như thực hiện theo các cam kết quốc tế khi tham gia sân chơi chung. Theo ông, vướng mắc lâu nay của đấu thầu thường được đề cập chính là do tổ chức thực hiện, “từ khi xây dựng hồ sơ mời thầu đã tính cho nhà đầu tư nào trúng thầu” thì mới dẫn đến chuyện này chuyện kia “chứ bên ngoài thực hiện có vấn đề gì đâu”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ

Đại biểu Tạ Văn Hạ

Điều 23 thể hiện “gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”. Băn khoăn nội dung này, ông Tạ Văn Hạ nói rằng Quốc hội cho chủ trương về các vấn đề gắn với phát triển kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh theo luật định, nên khi cho chủ trương, từ đó chỉ định thầu rồi khi có vấn đề gì thì Quốc hội có đứng ra chịu trách nhiệm không, việc giám sát của Quốc hội sẽ thực hiện thế nào?

“Nghị quyết của Trung ương rồi Tổng Bí thư đã nói rõ là “đúng vai, thuộc bài”, vai ai thì người đó làm và làm cho dứt điểm” – ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Vị đại biểu đoàn Quảng Nam cũng đề nghị xem xét thêm về quy định đấu thầu tập trung. “Sở chỉ có 2 anh phụ trách mảng đấu thầu, nếu họ ốm hay có việc gì thì cả tỉnh bị chậm thuốc, đấu thầu quốc gia cũng vậy! Có vấn đề nội bộ là đình trệ trong khi thuốc liên quan sức khỏe, tính mạng người dân” – ông Hạ lưu ý.

Ông chia sẻ, bệnh viện tư có đủ cơ sở để mua thuốc rất đơn giản, phù hợp thị trường nhưng bệnh viện công đủ năng lực mua luôn lại chờ sở đấu thầu trình mãi mới có được là một bất cập.

Đăng ký phát biểu lần hai, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, rằng đấu thầu tập trung với mặt hàng có số lượng lớn, nhiều loại là rất cồng kềnh, mất thời gian, thậm chí lãng phí. Ông cho rằng để bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đấu thầu là chính để không phải chờ đợi.

“Đừng sợ tiêu cực, tham ô, tham nhũng vì còn nhiều cơ chế khác để kiểm soát” – ông Trí nói.

Trước ý kiến của các đại biểu về đấu thầu tập trung, ông Nguyễn Huy Toàn – Phó Chủ nhiệm UB-TC-NS (cơ quan chủ trì thẩm tra dự thảo luật) thông tin, tư duy khi thiết kế quy định là danh mục thuốc, thiết bị y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và “có thể vào, có thể ra”, phân cấp cho các đơn vị, bệnh viện quyết định. Danh mục ban đầu có thể 100 nhưng sau đó thị trường tốt thì chỉ còn 5 đến 10. Gói thầu liên quan bộ ngành, địa phương thì còn cả các mặt hàng khác, họ thực hiện một hai lần rồi rút ra khỏi danh mục./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/mua-sam-thuoc-men-vat-tu-y-te-la-hoat-dong-kho-de-sai-sot-post1012025.vov