Mua sắm trực tuyến nhưng thanh toán trực tiếp

Tại Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, khách hàng mua hàng trực tuyến nhưng vẫn thanh toán chủ yếu trực tiếp bằng tiền mặt, tạo ra những rủi ro về vận hành cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Một khách hàng đang thanh toán tiền mặt khi nhận hàng mua qua kênh trực tuyến. Tỷ lệ này hiện đang chiếm khoảng 37% tại Việt Nam. Ảnh: Minh Tâm

Ông Alban Villani, Tổng giám đốc, khu vực Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan của nền tảng quảng cáo trực tuyến mở Criteo chia sẻ với báo chí TPHCM chiều nay, 25-9.

Theo ông Alban, khi được hỏi “bạn đã dùng phương thức nào để thanh toán cho các giao dịch mua hàng trên mạng trong 12 tháng qua”, 37% số người được hỏi trong khảo sát được thực hiện bởi đối tác do Criteo ủy quyền đã trả lời, dùng tiền mặt để chi trả khi nhận hàng.

18% số người được hỏi thì cho biết thanh toán bằng chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Cũng con số này thực hiện thanh toán qua cổng thanh toán kết nối với thẻ nội địa (ATM). Có 11% người được hỏi thanh toán qua thẻ tín dụng. Và dưới 10% số người được hỏi sử dụng các hình thức khác.

Ông Alban cho biết, tình hình này cũng khá tương đồng với các thị trường khác như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Trong một chia sẻ với TBKTSG Online cách đây chưa lâu, đại diện của Leflair, một trang thương mại điện tử chuyên các sản phẩm hàng hiệu được giảm giá mạnh trong một khoảng thời gian chia sẻ, hiện có khoảng một phần ba khách hàng của Leflair đang sử dụng thẻ tín dụng (Visa hoặc MasterCard) để thanh toán tiền mua hàng, chủ yếu là do chính sách giao hàng miễn phí khi sử dụng phương thức này.

Điều đó có nghĩa, 2/3 còn lại sử dụng phương thức tiền mặt (do hiện tại, trang mua sắm trực tuyến này chỉ có hai phương thức: thẻ tín dụng - miễn phí giao hàng và tiền mặt - tính phí giao hàng 25.000 đồng/lần).

Trở lại với chia sẻ của ông Alban, đại diện Criteo cho rằng, việc người tiêu dùng thanh toán bằng tiền mặt khi nhận được hàng thay vì thanh toán ngay khi đặt hàng đã đặt ra cho các công ty bán hàng trực tuyến những rủi ro như bị bỏ hàng, tức không nhận hàng khi giao.

Ông Alban lấy ví dụ, ở Indonesia, tỷ lệ bỏ hàng lên tới trên 50%. Đây chính là lý do ở các thị trường phát triển, các doanh nghiệp thương mại điện tử tìm mọi cách để tránh sử dụng phương thức này nhằm giảm rủi ro (tức không còn tùy chọn thanh toán này).

Đại diện truyền thông của một doanh nghiệp thương mại điện tử nước ngoài tại Việt Nam thì từng chia sẻ với TBKTSG Online rằng, có rất nhiều khách hàng tại Việt Nam thường xuyên đặt hàng "giả" trên trang, tức đến khi giao hàng thì không liên lạc được. Tất nhiên là họ chưa thanh toán khi đặt hàng. Điều này khiến chi phí vận hành của các doanh nghiệp bị đẩy lên rất cao bởi với một đơn hàng như vậy, cả hệ thống phải "chạy" để đưa hàng về. "Các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam lỗ lớn là vì vậy", vị này nói.

Chị Trà My, nhân viên bưu điện tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết, bưu điện, đơn vị nhận vận chuyển hàng mua bán qua kênh thương mại điện tử hay qua mạng xã hội khi địa điểm giao nhận xa nhau, cũng khốn khổ vì những vị khách bỏ hàng này. Thậm chí, bưu cục nơi chị làm việc còn lập được cả một danh sách những người như vậy để cảnh báo các đơn vị bán hàng.

Để giải quyết tình hình thanh toán tiền mặt, lời khuyên của Criteo cho các công ty bán hàng trực tuyến là cung cấp các tùy chọn thanh toán khác nhau để tăng tỷ lệ mua và giảm tỷ lệ bỏ hàng.

Trong đó, ví điện tử là một lựa chọn tốt. “Nếu phát triển ví điện tử với việc tạo những hành lang pháp lý rõ ràng sẽ thúc đẩy thương mại điện tử phát triển”, ông Alban nhận định.

Tâm An

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279136/mua-sam-truc-tuyen-nhung-thanh-toan-truc-tiep.html