Mua sắn tươi giúp dân ổn định cuộc sống nơi biên cương

Thời gian qua, để giúp người dân hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) có tiền lo toan cuộc sống hằng ngày, ổn định tình hình chính trị, xã hội nơi biên giới giữa đại dịch Covid-19, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị phải vay mượn mỗi ngày 1,5 tỷ đồng, thu mua củ sắn tươi cho người dân. Trong lúc đó, sản phẩm tinh bột sắn công ty chế biến ra vẫn không xuất khẩu được vì ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.

Người dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa vận chuyển sắn tươi đến bán cho nhà máy.

Người dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa vận chuyển sắn tươi đến bán cho nhà máy.

Chung sức chống dịch với Nhà nước

Cuối tháng ba, đường đến biên giới Việt - Lào qua ngã Lìa nắng vẫn khô khốc, chói chang. Dọc đường, nhiều trạm kiểm soát của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị được dựng lên cùng lực lượng y tế chống dịch. Để vừa giúp dân, vừa tuân thủ quy định phòng chống dịch của Nhà nước, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa của công ty tổ chức thu mua sắn bằng cách, người, xe tải chở sắn đến cổng nhà máy phải dừng lại để thực hiện đo thân nhiệt cơ thể, phun, xịt khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển. Sau đó, lái xe chạy xe lên dừng đỗ ngay cân điện, người trực kế toán của nhà máy ngồi cách xa phía trong nhìn trọng lượng cả xe tải được báo lên qua chỉ số điện tử, rồi trừ trọng lượng xe như đã khai báo trước đó, số còn lại là sản lượng sắn. Kế toán nhà máy tính tiền trả cho nông dân rồi đặt tiền xuống bàn, ra khỏi vị trí. Người bán sắn đến quầy kế toán nhận tiền, ký sổ rồi ra về. Tất cả giao dịch đều giữ khoảng cách như quy định, nhà máy cố gắng bảo đảm an toàn cao nhất cho nhân viên và nông dân qua giao dịch mua bán. Xong việc, xe tải quay đầu ra, lúc đó xe tải khác lại đến lượt vào bán sắn với đầy đủ thao tác như xe trước.

Trung bình mỗi ngày, nhà máy thu mua 800 tấn sắn tươi. Ông Hồ Văn Minh, ở bản Đồng Tâm, xã A Dơi cho biết: “Vụ này, nhà mình trồng được 3ha sắn. Mỗi lần chở sắn đến bán cho nhà máy đều được cán bộ ở đây thực hiện đầy đủ các thao tác bảo đảm chống dịch. Nếu nhà máy không thu mua sắn thì bà con không có tiền để sinh sống những ngày này. Người dân tộc thiểu số vùng biên giới biết ơn nhà máy nhiều lắm”. Cùng có chung nhận định, Chủ tịch UBND xã A Dơi, Hồ Xa Cách cho biết, diện tích sắn tươi của xã thu hoạch được hơn hai phần ba diện tích, số còn lại ngoài rẫy gần 200 ha. Chính quyền xã kêu gọi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch và rất cảm ơn nhà máy, mong muốn nhà máy tiếp tục thu mua sắn để người trồng sắn yên tâm, ổn định cuộc sống, xã hội.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, đơn vị này đang dồn toàn bộ nguồn lực cùng nhà nước chống dịch Covid-19 bằng cách thu mua hết sắn tươi cho dân. Sản lượng sắn tươi của người dân tộc thiểu số tại hai huyện Hướng Hóa và Đakrông vụ này hiện còn khoảng 30 nghìn tấn củ chưa thu hoạch, nên đơn vị tiếp tục thu mua giúp nông dân, ổn định tình hình. Gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng công ty không thể bỏ rơi người dân trong dịch dã. Phương châm hoạt động sản xuất của công ty hơn 45 năm qua là kinh doanh nhưng nhân văn.

Vào Nhà máy chế biến tinh bột sắn, mọi người đều được đo thân nhiệt.

Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện miền núi Hướng Hóa chia sẻ, Công ty Thương mại Quảng Trị có quyền dừng hoạt động ở Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở thời điểm này để khỏi lỗ vì không xuất được sản phẩm. Nhưng “nghĩa đồng bào” trong lúc hoạn nạn, đơn vị đã quyết tâm chung sức cùng nhà nước chống dịch bằng cách lo cho người dân lao động an tâm, sản phẩm sắn tươi trồng ra được thu mua. Riêng huyện Hướng Hóa, có đến hàng chục xã trồng sắn đang bán cho công ty, người dân rất mừng vui. Hoan nghênh công ty đã tổ chức hợp lý sản xuất kinh doanh giữa đại dịch.

Để tiếp tục thu mua sắn giúp người dân, công ty phải tìm thuê kho bãi để có chỗ chứa thêm gần 10 nghìn tấn tinh bột sắn được nhà máy tiếp tục chế biến từ 30 nghìn tấn củ tươi nói trên.

Ông Hồ Xuân Hiếu tính toán, khối lượng tinh bột sắn đang tồn kho 25 nghìn tấn và nhà máy đang tiếp tục chế biến, dự kiến khoảng gần 10 nghìn tấn nữa, tất cả có trị giá tương đương gần 350 tỷ đồng. Trong lúc công ty đang đối mặt với khó khăn, sản phẩm xuất khẩu chưa được vì thị trường thế giới đang ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì tiền lãi vay của ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn phải trả hằng tháng; tiền lương, bảo hiểm hơn 600 người, tiền thuế nộp ngân sách đều đầy đủ, quả là một sự cố gắng rất lớn của ban lãnh đạo công ty.

Xe tải lên bàn cân tự động cân sắn tươi bán cho nhà máy.

Tìm giải pháp tồn tại cho đôi bên

Ngoài tinh bột sắn, các mặt hàng chính của công ty sản xuất gồm mủ cao-su, chế biến gỗ, viên nén năng lượng… du lịch, dịch vụ tại khu Boutique Resort ở Cửa Việt đều bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch. Đối mặt với đầy rẫy khó khăn, công ty vẫn tiếp tục thu mua các loại nguyên liệu đầu vào cho người dân, không thể dừng hoạt động các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, mủ cao-su, viên nén. Nếu dừng lại thì người lao động mất việc làm, người dân làm ra nguyên liệu không biết bán cho ai, lấy tiền đâu mà sống giữa đại dịch.

Khi được hỏi trong tình hình khó khăn này, nếu thời gian tới, thị trường chưa có gì khởi sắc thì phương hướng hoạt động của công ty sẽ như thế nào, ông Hiếu chia sẻ, công ty quyết tâm cầm cự giữ thu nhập ổn định cho cán bộ, nhân viên, người lao động hết tháng 4-2020, nếu sau đó tình hình chưa thay đổi thì sẽ tính toán lại. Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng có nhiều phương án sản xuất và đối phó với các tình huống xấu xảy ra của thị trường, nhưng với dịch Covid-19 ập đến thì đúng là rất khó để có kinh nghiệm.

Ông Hiếu cho biết, quan trọng nhất bây giờ là ban lãnh đạo công ty cần bình tĩnh, có những phân tích cụ thể, tìm hướng đi phù hợp nhất. Phương án được tính đến là thu mua các sản phẩm thị trường đang tiêu thu mạnh như các mặt hàng trái cây chế biến, gồm: dứa, cà tím, khoai lang, cà rốt, gừng… để phân phối kinh doanh. Các sản phẩm này dự kiến sẽ tiếp tục được tiêu thụ mạnh trong thời gian tới do tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng.

Trước khó khăn bủa vây, công ty vẫn đang tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, vừa sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế vừa cùng nhà nước phòng, chống dịch, hoạt động xã hội. Mong muốn của công ty là gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ sớm triển khai sớm về cơ sở để tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nhằm giảm lãi suất, vay trả tiền lương cho công nhân, trả nợ ngân hàng, nộp thuế cho nhà nước… để công ty vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, nhanh chóng phục hồi sản xuất đầy đủ các thế mạnh của mình.

Người trồng sắn vùng biên giới vui mừng vì được nhà máy thu mua sắn tươi.

BÀI VÀ ẢNH: LÂM QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/43857502-mua-san-tuoi-giup-dan-on-dinh-cuoc-song-noi-bien-cuong.html