Mùa săn

Không, không phải là mùa săn thú trong rừng đâu nhé, mà là săn lúa. Nhiều năm nay, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10, từng đoàn 'thợ săn' với đủ loại máy ảnh tân kỳ rầm rập đổ về những địa điểm 'lúa chín đẹp như mơ' ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc để săn ảnh. Người chụp ảnh cũng nhiều, người đến để được chụp ảnh trên bối cảnh mùa vàng thơ mộng ấy còn đông hơn.

Thực sự cũng đáng đi lắm. Đâu phải ngẫu nhiên mà những thửa ruộng bậc thang Sa Pa (Lào Cai) được trang web về môi trường Mother Nature xếp vị trí thứ 2 trong danh sách bình chọn 30 điểm đến được đánh giá là đẹp nhất trên Trái Đất. Rồi sau đó lại lọt tiếp danh sách 12 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới của tờ báo Anh Telegraph. Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) vừa được công nhận là Di sản văn hóa, danh thắng cấp quốc gia giữa tháng 9 vừa qua. Rồi Y Tý (Hà Giang), Bắc Sơn (Lạng Sơn), Bình Liêu (Quảng Ninh)… cũng đã dần dần trở thành những cái tên quen thuộc.

Mù Cang Chải (Yên Bái), cách đây vài thập kỷ còn là một địa danh được nhắc đến với hàm ý “nơi xa xôi hẻo lánh” (kiểu như xứ Timbuktu đối với người phương Tây) thì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa, danh thắng cấp quốc gia từ năm 2007, trở thành ruộng bậc thang đầu tiên được công nhận danh hiệu này. Từ đó đến nay, du lịch Mù Cang Chải đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Huyện miền núi xa xôi này đang phấn đấu đến năm 2020 đón trên 60.000 lượt du khách/năm nhờ 3 ba mùa du lịch chủ yếu: Mùa hoa cải (tháng 2-3 dương lịch); ruộng bậc thang mùa nước đổ (tháng 4-5); ruộng bậc thang mùa lúa chín (tháng 9 – 10). Địa phương còn ấp ủ dự định lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là di sản thế giới vào năm 2025.

Nhưng tại sao ruộng bậc thang, một loại hình canh tác tương đối phổ biến, không chỉ có ở Việt Nam, mà còn ở rất nhiều quốc gia khác thuộc nền văn minh lúa nước (như Lào, Thái Lan, Philippines, Indonesia và một số tỉnh phía nam Trung Quốc) lại được coi là “di sản văn hóa phi vật thể”? Lý lẽ của “văn hóa” ở đây là do hệ thống ruộng bậc thang được kiến tạo và phát triển kỳ công, gắn liền với những tập quán, cách thức canh tác cũng như những nghi lễ, tín ngưỡng nông nghiệp độc đáo. Để làm ra những thửa ruộng bậc thang tốt, mảnh đất được chọn để làm ruộng bậc thang phải có độ dốc không cao lắm, đặc biệt phải gần nguồn nước tự nhiên để tiện cấp nước vào ruộng. Bà con sẽ dùng cuốc đánh tơi đất và làm mặt phẳng với độ dốc phù hợp hoặc từ trên đồi xuống, hoặc từ dưới lên, tùy theo kinh nghiệm và truyền thống của mỗi dân tộc. Nay, ruộng bậc thang không chỉ để trồng lúa lấy gạo ăn, mà còn để làm du lịch, nên người làm ruộng không chỉ là những kỹ sư nông nghiệp mà còn kiêm cả họa sĩ cảnh quan… Nhiều lễ hội cũ, mới tưng bừng xòe hoa theo những mùa vàng ấy.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mua-san.aspx