Mùa sấu chín bên sông

Bà Loan treo cặp lồng cơm vào móc sắt rồi mở cổng để ông Tiền lái chiếc xe thương binh rời ngõ. Bà lặng lẽ nhìn ông khuất trong cơn mưa phùn.

Trời chưa hửng sáng, bà run lên vì gió lạnh cuối mùa thấm vào da thịt. Bỗng bà cảm thấy lo cho ông. Tối qua, vết thương trên vai lại làm ông đau nhức. Ông uống thuốc rồi ngủ say. Thương ông, bà lén tắt chuông báo thức thế mà ông vẫn dậy sớm khi nghe tiếng gà gáy ngoài vườn.

Bà Loan chưa kịp hỏi có còn đau, ông Tiền đã vội ra phố bắt đầu công việc mới. Ông đi rồi, bà lại cắp thúng ra mảnh vườn bà vun xới từ ngày theo ông về làm dâu. Vườn rau của bà nằm dưới chân đê bên dòng sông Bùi đầy vơi thương nhớ. Đứng trên triền đê, hình ảnh con đò, mái chèo, bến đợi lại hiện về.

*

Đất nước thống nhất khi Loan tròn đôi mươi. Sau ngày ấy, bến đò thấp thoáng những người lính từ tiền phương trở về. Hằng ngày, bên kia sông vọng sang tiếng gọi đò của những người mặc quần áo xanh như màu cỏ. Bên này sông, Loan nheo ánh mắt kiếm tìm vóc dáng thân quen. Nhiều lần Loan trông thấy dáng hình Dũng gọi đò nhưng khi người lính khoác ba lô xuống thuyền, đôi mắt Loan trầm lặng buông xuống dòng sông. Loan tự hỏi "Hay là Dũng quên câu thề hẹn?". Nhưng khi vài chiếc lá khô bám vào mái chèo, Loan lại nhìn vào chiếc vòng tay thầm nghĩ đến ngày đoàn viên.

Chiếc vòng kết từ sợi cỏ triền đê sông Bùi, Dũng tặng Loan trước ngày ra trận. Năm tháng trôi qua, cỏ ngả màu héo úa chỉ còn trái tim Loan vẫn vẹn nguyên. Mùa nước sông Bùi dâng cao, chuyến đò thêm màu áo lính sang sông còn người Loan đợi vẫn chưa trở về.

Làng Mơ bắt đầu rậm rịch đám cưới của những người lính phục viên. Trước lúc lấy chồng, đứa bạn thân bảo sẽ mai mối cho Loan người anh họ của chồng. Nó bảo người anh họ vẫn đầy đủ bộ phận trên cơ thể không bị sự tàn khốc của chiến tranh cướp đi đôi chân như anh Luyến. Nó nhắc đến anh Luyến khiến Loan cảm thấy thương cho cái Thơm cạnh nhà. Thơm và anh Luyến yêu nhau từ thời đi học. Sau chiến tranh, anh Luyến trở thành thương binh nên bố mẹ ép gả Thơm cho một người ngoài xóm Chợ. Loan nghĩ, nếu như Dũng trở về trên đôi nạng gỗ hay ống tay áo rỗng thì Loan sẽ trở thành phần cơ thể còn thiếu của Dũng.

Minh họa: Tùng Quân.

Minh họa: Tùng Quân.

Tháng năm trôi qua đã vãn màu áo lính sang sông. Loan vẫn đợi chờ trong sự thúc giục của mẹ về lời dạm hỏi của bà bạn đồng niên. Những buổi tối, mẹ nhẹ nhàng rồi nạt nộ. Loan nhìn sang phía nhà Dũng. Dưới ánh trăng, thềm sân in những cái bóng thầm lặng trông mong tin tức của cậu con trai duy nhất.

Ngày trước Dũng thường cùng Loan trèo hái cây sấu cạnh hàng râm bụt ngăn cách hai nhà. Một lần Loan ngã từ cành sấu xuống, Dũng kịp giang tay đỡ cô hàng xóm nằm trọn trong vòng tay rồi hai người ngã rạp xuống hàng dâm bụt.

Mỗi mùa sấu chín, Dũng lại thêm vào lòng Loan chút bồi hồi thương nhớ.

Cuối mùa sấu, Loan hỏi:

- Anh Dũng ước mơ gì?

- Anh mong đủ tuổi để đi bộ đội.

- Đi bộ đội anh Dũng sẽ nhớ ai nhất?

Dũng bảo nhớ nhất cây sấu rồi nhặt trái sấu rụng làm đạn giơ súng cao su ngắm bắn vào con bù nhìn rơm dựng dưới gốc cây sấu.

*

Chiếc xe thương binh ông Tiền mua lại sau khi mưu sinh nhiều nghề. Công việc buổi đầu tiên có phần suôn sẻ, khi vừa chạm phố, đôi vợ chồng trẻ đã thuê ông chở bàn ghế về căn biệt thự. Xe rời xưởng mộc, họ luôn nhắc ông phải cẩn thận vì bộ bàn ghế đóng bằng thứ gỗ quý. Lúc hạ bộ bàn ghế xuống xe, cơn đau từ vết thương trên vai lại kéo đến như cắt cứa da thịt nỗi lòng ông. Ông nghĩ về cánh rừng đơn vị từng chiến đấu. Năm trước ông cùng đồng đội về thăm chiến trường, cánh rừng chỉ còn những gốc cây chết vì vết cưa. Người đồng đội nghẹn ngào nói với ông: "Bao năm đạn bom, chất độc chút xuống, cánh rừng vẫn kiên cường, vậy mà chỉ vài năm đổi mới kinh tế, đồng tiền đã biến thành lưỡi cưa sắc lẹm chặt đứt sợi dây buộc nhân cách". Ông im lặng đặt tay lên một gốc cây từng bám mảnh cơ thể của Dũng.

Năm ấy, Dũng bị thương khi cùng đơn vị đánh vào cửa ngõ thành phố. Tiền nhận lệnh thủ trưởng đưa Dũng về tuyến sau. Tiền sơ cứu rồi xốc bạn lên lưng băng băng chạy.

Đến bìa rừng, Dũng thều thào trong cơn đau: "Tớ khát quá". Tiền lắc chiếc bi đông nhưng đã cạn khô nước. Nhìn khung cảnh hoang tịch, thân cây bầm giập vì bom đạn, Tiền bảo Dũng cố chịu thêm một quãng sẽ nghỉ để tìm nước. Nhưng một lần nữa người đồng đội thốt lên khiến anh lưỡng lự. Tiền vừa thương vừa sợ để Dũng lại một mình sẽ chạm mặt đám tàn quân của địch. "Tớ không chịu nổi nữa rồi". Lần này, Tiền đặt Dũng ngồi cạnh một thân cây rồi chạy sâu vào rừng tìm nước. Tiếng súng khô khốc phía bìa rừng khiến Tiền giật mình đánh rơi chiếc bi đông đầy nước.

Tiền lên đạn khẩu Ak rồi chạy về. Tầm nhìn trước mắt vừa đủ để Tiền nhìn thấy tên lính áo rằn ri quăng trái lựu đạn lên người Dũng. Tiền lao đến, trút những viên đạn cuối cùng vào tên lính ngụy nhưng cơ thể người đồng đội đã không còn nguyên vẹn. Sau một hồi gom mảnh cơ thể Dũng bám trên những thân cây, Tiền lấy súng đào một ngôi mộ gần chỗ Dũng hy sinh. Cuốn sổ dính máu từ lưng Dũng rơi xuống khi Tiền bế phần cơ thể còn lại của đồng đội xuống mộ. Tiền nghĩ, có thể khi trúng đạn, Dũng đã dùng chút sức lực cuối cùng nhét cuốn nhật ký sau lưng.

Dũng là người bạn thân nhất của Tiền từ hồi vào đơn vị. Những đêm rừng, Dũng thường nhắc đến cô bé hàng xóm cùng lớn lên theo những mùa sấu chín. Dũng kể có lần cô hàng xóm hỏi anh đi bộ đội nhớ gì nhất. Lúc ấy nếu đủ can đảm, Dũng sẽ nói nhớ nhất cô hàng xóm nhưng sự rụt rè của tuổi trẻ khiến anh lảng tránh ánh mắt cô bằng những viên đạn từ trái sấu rụng. Trước ngày đi bộ đội, anh lấy hết can đảm tặng cô chiếc vòng cỏ thay lời hẹn ước.

Lần nào kết thúc câu chuyện, Dũng cũng nhắc lại: Quyển nhật ký thay cho lời muốn nói với cô ấy. Nếu tớ hy sinh thì nhờ cậu mang cuốn nhật ký về trao cho cô ấy. Làng chúng mình chung một triền đê, cậu cứ đi xuôi dòng sông Bùi sẽ tìm thấy làng Mơ quê tớ.

Ngày ấy, cách đây đã mấy chục năm. Sau chiến tranh, cảnh vật đổi thay, Tiền và đồng đội đã mất rất nhiều công sức để tìm lại hài cốt của Dũng. Vậy mà rừng chẳng còn những bóng cây cho những linh hồn nương náu khi về thăm lại.

*

Ông Tiền dừng xe nghỉ trưa dưới bóng cây ven đường. Mùi thơm từ cơm rau cấy trồng nơi đồng đất quê hương khiến ông thêm thương người vợ cả đời vì ông lam lũ. Ông ngả lưng xuống chiếc võng mắc trong thùng xe, ký ức nơi triền sông lại trôi về như sóng vỗ.

Xẩm tối, Tiền từ đơn vị về đến chân đê. Tiếng anh gọi đò loang cả quãng sông. Bên kia sông, người đưa đò vẫn ngồi bó gối như ngủ gật. Đò sang sông, Tiền định nói vài câu trách mắng nhưng chạm vào đôi mắt đỏ hoe của cô gái khiến lòng anh chùng xuống loang vào con sóng vỡ. Tiền nghĩ, còn gì đau đớn hơn khi về thăm gia đình đồng đội, mang kỷ vật trao lại cho tình đầu của bạn thân rồi nói với họ rằng cậu ấy đã hy sinh. Đò chạm bến, đôi chân Tiền nặng trĩu không muốn bước. Đến khi cô lái đò nhắc, Tiền mới bừng tỉnh khoác ba lô bước tiếp về hướng cây đa.

Một người làng dẫn Tiền đến trước cổng gian nhà xây bằng đá ong. Nghe tiếng gọi, từ trong sân, hai cái bóng chênh vênh dìu nhau ra cổng.

Họ bảo nhau thằng Dũng về khi ánh đom đóm chớp sáng soi lên bộ quần áo xanh. Nhưng khi nghe Tiền giới thiệu, đôi mắt họ chợt u buồn nhìn theo cánh đom đóm bay lên bàn thờ. Tối ấy gió mùa về. Gió mang tiếng khóc vấn vít trong mùi nhang khói bay về phía triền sông tan vào màu cỏ úa.

Cô lái đò sang nhà vừa khi Tiền đặt lên bàn chiếc ba lô cũng những kỷ vật của Dũng. Tiền trao lại cho cô quyển nhật ký thấm máu đã gói cẩn thận trong tờ báo cũ. Gian nhà thêm tiếng khóc tan vào cơn gió đang bứt lìa những trái sấu rơi xuống thềm sân.

Ký ức chớp nhoáng trôi qua giấc mơ của ông Tiền như chuyến đò sang sông. Vậy mà mấy chục năm đã trôi qua. Hồi ấy, bố mẹ Dũng vun vén cho ông và bà Loan nên duyên vợ chồng. Thuyền hoa đưa bà về xóm Bến, cùng ông gánh nước sông Bùi chăm tưới vườn rau.

Tiếng đạn bom từ biên giới lại thúc giục ông nhập ngũ khi hai người vừa gieo mùa rau đầu tiên. Kết thúc chiến tranh biên giới, ông về làng với vết sẹo trên vai cách trái tim đúng một gang tay. Ông kể, hôm ấy như có một bàn tay vô hình đẩy ông ngã về phía trước nên mảnh pháo đã không cướp đi sinh mệnh ông.

*

Sớm ấy, người lính trẻ đứng bên gốc sấu được ươm mầm từ quả sấu rụng trong vườn nhà anh. Anh dõi theo hai dáng hình trôi vào bảng lảng sương sớm. Họ từng là đồng đội và hàng xóm của anh. Họ đã thay anh chăm sóc quãng đời còn lại cho bố mẹ anh. Người đồng đội đã tìm đưa hài cốt anh về nghĩa trang liệt sĩ xã nhưng linh hồn anh còn vương vấn với cánh rừng. Anh nhớ hôm ấy, khi những người đồng đội trở lại cánh rừng tìm anh. Họ cắm xuống nơi anh nằm những nén hương rồi gọi tên anh. Anh chụm tay búp măng chạm lên vầng trán chào những người bạn đã già nua theo thời gian. Anh nói với họ "Bao năm chiến đấu cùng nhau mà gặp lại anh còn khách sáo". Nhưng đáp lại lời anh chỉ là những cái chắp tay, tiếng khóc và những đôi mắt đỏ hoe.

Một quả sấu rụng trúng vai khiến anh quên đi những ký ức buồn. Anh chợt nhớ chưa kịp hỏi thăm vết thương trên vai thằng bạn nó đã vội đánh xe ra phố mưu sinh. Anh vẫn tự trách, giá như hôm ấy bàn tay anh nhanh hơn chút nữa thì nó đã lành lặn trở về bên người anh yêu...

Tiếng gà gáy sang canh đang hối thúc anh trở về. Anh bước về phía con đê đợi chuyến đò sang sông. Anh nghe phía sau lưng tiếng trái sấu chín rụng xuống vỡ vào đám lá khô.

Truyện ngắn của Kiều Xuân Quỳnh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/401412/mua-sau-chin-ben-song.html