Mua tàu ngầm hạt nhân, Úc sẽ trữ chất thải phóng xạ ở đâu?

Báo Straits Times đưa tin quyết định mua tàu ngầm hạt nhân của Úc làm dấy lên tranh luận về nơi trữ chất thải phóng xạ từ tàu.

Đầu tháng 3, liên minh Mỹ - Anh - Úc (AUKUS) công bố chi tiết kế hoạch cung cấp tàu ngầm cho Canberra. Theo kế hoạch Úc sẽ mua từ 3 - 5 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia do hãng quốc phòng General Dynamics sẽ đóng vào đầu những năm 2030, nước này còn cùng Anh sản xuất tàu ngầm lớp SSN-AUKUS dựa trên thiết kế tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Anh và dùng công nghệ tiên tiến của Mỹ.

Đặc biệt, Úc cam kết trữ chất thải phóng xạ mà tàu ngầm tạo ra - điều khoản làm dấy lên tranh luận gay gắt.

Lễ công bố chi tiết kế hoạch cung cấp tàu ngầm cho Úc - Ảnh: EPA-EFE

Suốt nhiều thập niên qua, một trong những trở ngại khiến Úc khó phát triển năng lượng hạt nhân là quan điểm phản đối xây dựng lò phản ứng hay trữ chất thải phóng xạ ở nhiều địa phương.

Có thể đến những năm 2050 Úc mới phải trữ chất thải phóng xạ, chính phủ liên bang cũng cam kết lưu trữ ở một cơ sở quân sự xa xôi (trong vòng 12 tháng tới sẽ tìm địa điểm thích hợp). Tuy nhiên nhiều người Úc vẫn lo ngại viễn cảnh sống gần chất thải.

Ký ức về chương trình thử hạt nhân Anh thực hiện tại bang Nam Úc những năm 1950 - 1960 càng làm tăng nỗi lo. Chương trình này gây ô nhiễm diện rộng, khiến cộng đồng dân cư bản xứ cùng quân nhân địa phương mắc ung thư cùng hàng loạt bệnh khác.

Ngay sau khi AUKUS công bố chi tiết kế hoạch tàu ngầm, các bang đua nhau lên tiếng từ chối trữ chất thải phóng xạ. Victoria đề xuất Tây Úc là địa điểm thích hợp vì là bang có diện tích lớn nhất, Tây Úc xem Nam Úc là lựa chọn tốt nhất, Nam Úc nói rằng bang này không phải bang an toàn nhất để lưu trữ, Queensland tuyên bố luật pháp của bang cấm trữ chất thải phóng xạ.

Tuần qua nghị sĩ đảng Lao động Josh Wilson tỏ ý nghi ngờ về khả năng trữ chất thải phóng xạ an toàn của Úc. Một số nghị sĩ khác cũng bày tỏ lo ngại tương tự.

Theo giới phân tích, địa điểm lưu trữ khả dĩ nhất là một cơ sở quân sự Woomera trên địa bàn Nam Úc vốn được sử dụng để thử nghiệm tên lửa và chương trình vũ khí bí mật. Cơ sở này có diện tích 122.000km2, tương đương diện tích Triều Tiên.

Cựu quan chức Úc cấp cao Nick Minchin tin rằng Woomera thích hợp nhất vì là cơ sở đáp ứng các yêu cầu nằm ở nơi xa xôi, ổn định, không gian rộng lớn.

Nhiều năm qua Úc cố gắng đạt đồng thuận về địa điểm trữ chất thải phóng xạ nồng độ thấp. Một kế hoạch xây cơ sở lưu trữ tại thị trấn Kimba (Nam Úc) đã làm chia rẽ cộng đồng địa phương và khiến cộng đồng dân cư bản xứ tức giận.

Cư dân Kimba Sue Woolford tuyên bố không tin vào lời đảm bảo nơi này không bị dùng để trữ chất thải phóng xạ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mua-tau-ngam-hat-nhan-uc-se-tru-chat-thai-phong-xa-o-dau-194729.html